Đại hội cổ đông MSB: Kế hoạch sáp nhập ngân hàng khác không được thông qua

Trong tổng số 12 tờ trình, tờ trình về việc nhận sáp nhập ngân hàng khác là tờ trình duy nhất không được Đại hội cổ đông MSB thông qua...
Đại hội cổ đông MSB

Ngày 21/4, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng Hải Việt Nam (MSB) họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Nội dung trọng tâm thu hút được sự chú ý của cổ đông là tờ trình nhận sáp nhập một tổ chức tín dụng tại Việt Nam.

Ngân hàng MSB thông tin, mục đích của việc nhận sáp nhập nhằm tận dụng được hệ thống mạng lưới, nhân sự cũng như các hoạt động nghiệp vụ của ngân hàng nhận sáp nhập nhằm hướng tới việc tăng quy mô hoạt động của ngân hàng, triển khai thành công chiến lược số hóa ngân hàng. Điều này cũng phù hợp với chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước về việc cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, gắn liền với xử lý nợ xấu. Bên cạnh đó, MSB đã có kinh nghiệm từ năm 2015 nhận sáp nhập thành công Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phát triển Mekong (MDB), mua lại Công ty Tài chính Dệt may cũng như việc hỗ trợ các quỹ tín dụng nhân dân theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.

Tờ trình cũng cho biết, dự kiến tổ chức tín dụng sáp nhập vào MSB là một ngân hàng thương mại đang hoạt động bình thường ở Việt Nam, với các tiêu chí về tổng giá trị tài sản, vốn chủ sở hữu ở mức trung bình trên thị trường, có chất lượng tín dụng tốt.

Theo đó, Hội đồng quản trị MSB trình cổ đông thông qua việc giao/uỷ quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện toàn bộ các công việc, nội dung liên quan đến việc chuẩn bị, triển khai và thực hiện việc sáp nhập. Trong đó, Hội đồng quản trị được quyết định lựa chọn ngân hàng thương mại mà MSB nhận sáp nhập, thực hiện đàm phán, ký kết Hợp đồng nhận sáp nhập trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi ích cổ đông, khách hàng và các bên liên quan.

Ngoài ra, Hội đồng quản trị được quyết định các nội dung liên quan đến việc nhận sáp nhập bao gồm nhưng không giới hạn ở nội dung phương án sáp nhập, các điều kiện thực tế triển khai, thời hạn cụ thể nhận sáp nhập, phương án phát hành, hoán đổi cổ phiếu trái phiếu, chuyển đổi tài sản (bao gồm cả trường hợp có giá trị từ 20% trở lên so với vốn điều lệ của MSB ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất hoặc một tỷ lệ khác thấp hơn theo quy định tại điều lệ của MSB, nếu có).

Song tại đại hội, nhiều cổ đông cho rằng việc MSB cần công bố tên cụ thể ngân hàng sẽ nhận sáp nhập. Đồng thời, cũng cổ đông nêu quan điểm: “Việc nhận sáp nhập ngân hàng khác trong thời điểm hiện tại có phần vội vã”.

Trả lời câu hỏi trên, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc MSB cho hay, về kế hoạch lần này, Hội đồng quản trị, Ban điều hành cũng đánh giá thận trọng và đưa ra trình cổ đông để xin ý kiến. Sau khi có ủy quyền của cổ đông, Hội đồng quản trị, Ban điều hành sẽ có đánh giá kỹ lưỡng về yếu tố liên quan hoạt động nhận sáp nhập, đảm bảo lợi ích của ngân hàng, cổ đông.

Còn ông Nguyễn Hoàng An, Phó chủ tịch Hội đồng quản trị MSB cho biết, thực tế cơ quan quản lý đã có chủ trương thu hẹp các đầu mối ngân hàng từ nhiều năm nay. Việc nhận sáp nhập một ngân hàng lần này của MSB hiện mới dừng ở đề xuất chủ trương và việc có được thực hiện hay không sẽ còn phụ thuộc vào quyết định của Ngân hàng Nhà nước khi đánh giá năng lực của MSB.

Song dường như câu trả lời của lãnh đạo MSB vẫn chưa thoả mãn được các băn khoăn của cổ đông. Theo đó, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập. Đồng nghĩa, tờ trình này không được Đại hội cổ đông thông qua. 

Tờ trình nhận sáp nhập ngân hàng cũng là tờ trình duy nhất trong tổng số 12 tờ trình của MSB không được cổ đông thông qua.

Trong đó, đại hội cổ đông MSB đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với mục tiêu tổng tài sản dự kiến tăng 8%, lên 230.000 tỷ đồng vào cuối năm. Các chỉ tiêu dư nợ tín dụng dự kiến tăng 15%, đạt 141.700 tỷ đồng và huy động vốn tăng 10%, đạt 142.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát dưới 3%. Với các chỉ tiêu tài chính này, ngân hàng kỳ vọng thu về 6.300 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 9% so với năm 2022. Đại hội đồng cổ đông cũng đồng ý không chia cổ tức, cổ phiếu thưởng năm nay.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Vietcap: Nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể tác động tiêu cực tới ngành ngân hàng Việt Nam

Những tác động tiêu cực đến tăng trưởng tín dụng và lãi suất có thể khiến tỷ lệ nợ xấu trong ngân hàng gia tăng. Các ngành hướng tới xuất khẩu và chuỗi cung ứng dự báo sẽ gặp khó khăn do sự thay đổi trong nhu cầu thị trường và áp lực tỷ giá, từ đó gây sức ép lên chất lượng tài sản của ngân hàng...

 Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo, giải trình những vấn đề có liên quan được nêu tại phiên chất vấn

Tiếp tục xử lý loạt ngân hàng 0 đồng

Thời gian qua, sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa đã đạt hiệu quả cao, tạo động lực tăng trưởng của nền kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống ngân hàng và các tổ chức tín dụng…

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

Thống đốc lý giải vì sao chỉ bán mà không mua vàng miếng SJC?

“Việc Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng để bình ổn thị trường vừa qua được nhân dân ủng hộ, đánh giá cao. Tuy nhiên, người dân băn khoăn là tại sao chỉ bán mà không mua. Dân muốn bán thì bán ở đâu?”, đại biểu Quốc hội đặt vấn đề...