Dấu ấn của các nhà đầu tư là thành viên của APEC vào Việt Nam

Tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua của các nền kinh tế thành viên APEC đã lên tới 24 tỷ USD, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Dấu ấn của các nhà đầu tư là thành viên của APEC vào Việt Nam

Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tiếp tục tăng

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 tại diễn đàn Quốc hội kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, cho thấy, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký mới, bổ sung và mua cổ phần trong 9 tháng đạt 25,5 tỷ USD, tăng 34,3%; vốn FDI đã giải ngân đạt 12,5 tỷ USD, tăng 13,4%.

Số liệu công bố mới đây của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cũng cho thấy, 10 tháng năm 2017, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục tăng lên, đã đạt mức kỷ lục 28,24 tỷ USD, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2016.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà ĐTNN với tổng số vốn là 13,75 tỷ USD, chiếm 48,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. 

Lĩnh vực sản xuất, phân phối điện đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 5,63 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng vốn đầu tư đăng ký là 2,04 tỷ USD, chiếm 7,2% tổng vốn đầu tư đăng ký.

Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 59 tỉnh thành phố, trong đó TP Hồ Chí Minh là địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với tổng số vốn đăng ký là 5,03 tỷ USD, chiếm 17,8% tổng vốn đầu tư. 

Bắc Ninh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký là 3,19 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn đầu tư. Thanh Hóa đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký 3,16 tỷ USD chiếm 11,2% tổng vốn đầu tư.

Trong đó, dấu ấn của các nhà đầu tư là thành viên của APEC rất rõ nét khi tổng vồn đầu tư luôn ở những ví trí dẫn đầu. Mười tháng năm 2017, trong số 112 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 7,62 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư.

Nhật Bản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,07 tỷ USD, chiếm 21,5% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Singapore đứng vị trí thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký là 4,59 tỷ USD, chiếm 16,3% tổng vốn đầu tư.

Thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài cũng cho thấy, các dự án quy mô lớn đăng ký đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng đầu năm cũng là của các doanh nghiệp đến từ các nền kinh tế thành viên APEC. 

Đó là các dự án: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, vốn đầu tư gần 2,8 tỷ USD (Nhật Bản) đầu tư tại Thanh Hóa với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than công suất thuần khoảng 1.2MW. Dự án Samsung Display Việt Nam tăng thêm 2,5 tỷ USD (Hàn Quốc) tại Bắc Ninh. 

Dự án nhà máy nhiệt điện BOT Nam Định 1, tổng vốn đầu tư 2,07 tỷ USD do nhà đầu tư Singapore đầu tư với mục tiêu thiết kế, xây dựng, vận hành và chuyển giao một nhà máy nhiệt điện đốt than, công suất thuần khoảng 1.109,4 MW.

Dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn, tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD do nhà đầu tư Nhật Bản liên doanh với PVN và PVGAS Việt Nam đầu tư với mục tiêu xây dựng, vận hành đường ống dẫn khí Lô B – Ô Môn tại Kiên Giang.

Tháng 10, cũng ghi nhận thêm một dự án nữa đăng ký đầu tư vào VIệt Nam cũng thuộc thành viên APEC. Đó là dự án Khu phức hợp thông minh tại khu chức năng số 2A trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP Hồ Chí Minh). Dự án này có tổng vốn đầu tư đăng ký 885,85 triệu USD do Hàn Quốc đầu tư.

Ấn tượng tổng vốn của các nền kinh tế thành viên APEC

Như vậy, tổng vốn đầu tư vào Việt Nam trong 10 tháng qua của các nền kinh tế thành viên APEC đã lên tới 24 tỷ USD, chiếm tới 85% tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. 

Theo các chuyên gia kinh tế, đây là mức đóng góp thật sự ấn tượng. APEC có 21 thành viên, trong đó có Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore trong nhiều năm đều đứng ở top đầu trong đầu tư vào Việt Nam. 

“Năm 2006, chúng ta vừa gia nhập WTO đồng thời tổ chức hội nghị APEC, việc này đã tạo đòn bẩy rất mạnh đối với sự phát triển kinh tế củ nước ta, giúp nền kinh tế được kéo lên rất nhiều”, chuyên gia kinh tế TS. Bùi Quang Tín nhận định.

Cũng theo TS. Bùi Quang Tín, hiện nay, Việt Nam đang xây dựng một Chính phủ “kiến tạo” với nhiều điểm mới như tập trung phát triển các đầu tàu kinh tế như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… cùng những chính sách hỗ trợ khởi nghiệp, cắt giảm các điều kiện kinh doanh. 

Những chính sách cởi mở của Chính phủ kiến tạo cùng với việc Việt Nam tổ chức hội nghị APEC sẽ tạo sự cộng hưởng phát triển như năm 2006. Các nhà đầu tư sẽ tang cường đầu tư nguồn vốn vào Việt Nam.

“Khi nguồn vốn FDI được tăng cường sẽ tạo nên cú hích phát triển kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam sẽ mạnh hơn, khi đó sẽ hỗ trợ ngược lại kinh tế trong nước về hạ tầng, vốn… Từ đó, nền kinh tế sẽ ngày càng tốt hơn”, TS Bùi Quang Tín nhấn mạnh.

Cũng theo các chuyên gia kinh tế, Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ khi ngày càng hội nhập sâu rộng. Nhưng với sự góp mặt của những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới và khu vực tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đang diễn ra tại Việt Nam, đặc biệt là Tuần lễ cấp cao APEC đang diễn ra tại TP Đà Nẵng, sẽ tiếp tục hứa hẹn thúc đẩy hơn nữa dòng vốn đầu tư nước ngoài từ các thành viên APEC vào nước ta.

Theo baotintuc.vn

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...