Đấu giá trực tuyến: Minh bạch, hiệu quả trong xử lý tài sản công

Luật Đấu giá tài sản năm 2016 (có hiệu lực từ 1/7/2017) lần đầu tiên đã bổ sung hình thức đấu giá tài sản trực tuyến. Kỳ vọng sẽ giúp đấu giá tài sản tại Việt Nam minh bạch, cạnh tranh hơn, hạn chế nh
Đấu giá trực tuyến: Minh bạch, hiệu quả trong xử lý tài sản công

Kinh nghiệm từ Hàn Quốc

Chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong việc triển khai hình thức đấu giá mới mẻ này, mới đây Công ty Quản lý tài sản Hàn Quốc (KAMCO), một công ty trực thuộc Bộ Tài chính Hàn Quốc đã có cuộc giới thiệu chuyên sâu hệ thống đấu giá trực tuyến (Onbid) đã rất thành công tại Hàn Quốc.

Onbid là hệ thống xử lý thông tin do Chính phủ Hàn Quốc lập ra nhằm hỗ trợ người dân xử lý tất cả các thủ tục liên quan đến đấu giá, gồm ký kết hợp đồng, hoặc đăng ký trực tuyến, cũng như mạng Internet đấu giá công dưới dạng trực tuyến.

"Với hệ thống này, tất cả các cơ quan, tổ chức đều có thể đăng ký đấu giá tài sản qua mạng. Khi đã đưa lên, bất cứ người dân nào cũng có thể tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia đấu giá. Tài sản tham gia đấu giá rất đa dạng, từ bất động sản, nhà máy, cho đến cổ phiếu chưa niêm yết, xe cộ…

Lợi ích của vận hành hệ thống là đảm bảo tính công khai, minh bạch, tránh hiện tượng cấu kết, móc ngoặc trong đấu giá. Hình thức này thu hút đông đảo người quan tâm mua đấu giá bởi họ có thể tham gia bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu, tính bảo mật, an toàn thông tin luôn được đảm bảo. Không những vậy, hệ thống kế toán của Onbid còn được kết nối với hệ thống ngân sách số của Chính phủ, đảm bảo các giao dịch được xử lý nhanh nhất, an toàn và minh bạch. Sau hơn 10 năm triển khai, hệ thống Onbid đã thay thế hoàn toàn phương thức đấu giá truyền thống, tiết kiệm được số chi phí lớn phải bỏ ra thực hiện đấu giá trước đây, đồng thời đem lại giá trị cao nhất cho các tài sản công khi đấu giá.

Tuy nhiên, để đạt kết quả này, KAMCO đã vượt qua nhiều khó khăn khi mới bắt đầu như phải thuyết phục các đơn vị bán đấu giá tài sản công sử dụng hệ thống, xây dựng các quy định pháp lý, xây dựng đội ngũ vận hành, xóa bỏ rủi ro về thanh toán trực tiếp… KAMCO cũng rất chú trọng đến công tác truyền thông, quảng bá như liên tục có các thông tin trên báo chí, truyền hình để giới thiệu đến người dân, đến các cơ quan, chính quyền địa phương những lợi ích của phương thức này… Ngoài ra, KAMCO cũng được sự hỗ trợ của Chính phủ trong việc xây dựng chế độ, quy định các cơ quan nhà nước phải sử dụng phương pháp đấu giá trực tuyến.

Thời điểm quan trọng để triển khai Onbid tại Việt Nam

Đối với Việt Nam, các chuyên gia cho rằng đây là thời điểm quan trọng, cấp thiết để xây dựng, triển khai hệ thống đấu giá như Onbid tại Việt Nam. Không chỉ đem lại hiệu quả cao nhất khi đấu giá tài sản công, đây còn là công cụ giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, tiến trình xử lý nợ xấu, vốn đang là “vật cản” lớn trong dòng vốn của nền kinh tế với hàng trăm ngàn tỷ đồng nợ xấu đang nằm trong các ngân hàng, doanh nghiệp cũng như công ty xử lý nợ.

Lâu nay, việc đấu giá tài sản công tại Việt Nam gặp nhiều bất cập, nhiều tài sản tịch thu kém hiệu quả, tạo dư luận không tốt do hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, dẫn đến các vấn đề tính minh bạch, thiếu chuyên nghiệp. Người tham gia đấu giá tiếp cận thông tin tài sản được bán đấu giá hạn chế, dẫn đến tỷ lệ đấu giá thành công thấp và kém hiệu quả. Ngoài ra, người tham gia đấu giá phải trực tiếp đến nơi tham dự đấu giá, làm tăng chi phí xã hội, bất tiện và cản trở cơ hội bình đẳng giữa các đơn vị, cá nhân tham gia đấu giá.

Trong các mô hình đấu giá tài sản công, mô hình Onbid của Hàn Quốc được đánh giá là mô hình hiện đại, thuận tiện, đảm bảo tính minh bạch trong quản lý tài sản. Mô hình này phù hợp với định hướng chiến lược của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC), một công ty trực thuộc Bộ Tài chính, với vị thế tương tự KAMCO, đồng thời cũng phù hợp với định hướng phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Qua nghiên cứu, xem xét, các chuyên gia của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp… đều nhận định DATC là đơn vị phù hợp về điều kiện, chức năng để thiết lập và vận hành hệ thống Onbid tại Việt Nam.

Tuy nhiên, dù đã có mô hình phù hợp, nhưng các chuyên gia cho rằng để DATC triển khai thành công Onbid tại Việt Nam vẫn còn những vướng mắc phải tháo gỡ. Về mặt cơ chế chính sách, cần phải có những quy định cụ thể trong Nghị định hoặc Thông tư hướng dẫn về Luật Đấu giá tài sản về vai trò của đơn vị giao vận hành. Hiện nay, vẫn chưa có chủ trương giao cho đơn vị nào sẽ tiếp nhận, quản lý và vận hành hệ thống.

Ngoài ra, dự án lắp đặt hệ thống Onbid dự định sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại của Ủy ban dịch vụ tài chính Hàn Quốc (FSC). Tuy nhiên, việc nhận viện trợ từ FSC năm 2018 hiện đang ở giai đoạn bắt đầu, còn nhiều khó khăn. Là dự án viện trợ không hoàn lại, để triển khai, Nhà nước sẽ thực hiện cấp vốn cho DATC, do đó DATC sẽ cần phải tăng vốn điều lệ.

Theo Hồng Yến/Thoibaotaichinhvietnam.vn

>> Nợ của DNNN không được tính là nợ công

Có thể bạn quan tâm