Đấu giá trực tuyến tài sản công phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn, việc sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia để đấu giá trực tuyến tài sản công giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn tại phiên họp
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn tại phiên họp

Ngày 14/3, tại phiên họp thứ 31 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Minh Sơn đã báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản

Cụ thể, về đấu giá trực tuyến và áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến đối với tài sản công, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp thu bổ sung điều 43a tại dự thảo Luật về đấu giá trực tuyến trên cơ sở luật hóa các quy định về hình thức đấu giá trực tuyến phù hợp với thực tiễn.

Đồng thời, quy định đối với trường hợp đấu giá tài sản công được thực hiện bằng hình thức đấu giá trực tuyến thì phải sử dụng Cổng Đấu giá tài sản quốc gia do Bộ Tư pháp xây dựng, quản lý và vận hành. Việc này giúp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá, bảo đảm an toàn, an ninh mạng; hạn chế tối đa tình trạng thông đồng, dìm giá, tiêu cực, thất thoát tài sản nhà nước trong hoạt động đấu giá tài sản.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ bổ sung đánh giá tác động đối với quy định đấu giá trực tuyến đối với tài sản công phải được thực hiện qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và lộ trình khả thi thực hiện việc đấu giá tài sản công bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Về tài sản đấu giá, Luật hiện hành và dự thảo Luật đang quy định theo hướng liệt kê các loại tài sản mà theo pháp luật chuyên ngành quy định phải bán thông qua đấu giá và áp dụng thống nhất trình tự, thủ tục đấu giá cho các loại tài sản này.

Về giá khởi điểm, giám định tài sản đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, các văn bản pháp luật quy định tài sản đưa ra đấu giá đều có quy định về cơ quan có thẩm quyền xác định giá khởi điểm, cách thức, phương pháp xác định giá khởi điểm, giảm giá hay định giá lại trong trường hợp đấu giá không thành.

Về các hành vi bị nghiêm cấm, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin tiếp thu bỏ cụm từ “nhằm mục đích trục lợi” tại điểm đ1 khoản 1 điều 9 đối với hành vi để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá để bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tính khả thi của quy định này.

Về tiêu chuẩn đấu giá viên và đối tượng được miễn đào tạo nghề đấu giá, dự thảo Luật quy định tiêu chuẩn, điều kiện có bằng tốt nghiệp đại học ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng là phù hợp với tính chất, đặc điểm của nghề đấu giá. Hơn nữa, các môn học như thương mại, đầu tư, chứng khoán đã có trong các ngành học về kinh tế, tài chính, ngân hàng.

Vì vậy, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị giữ như dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Về việc bỏ quy định miễn đào tạo nghề đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng việc bỏ quy định này là cần thiết nhằm bảo đảm tất cả các đối tượng muốn hành nghề đấu giá đều phải qua khóa đào tạo nghề (kỹ năng, nghiệp vụ...), góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và chất lượng hoạt động hành nghề của đội ngũ đấu giá viên.

Về việc mở rộng quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức và do cá nhân, tổ chức tự nguyện thỏa thuận bán thông qua đấu giá, Thường trực Ủy ban Kinh tế xin đề nghị tiếp thu và chỉnh lý tại điểm a, b khoản 11 điều 1 của dự thảo Luật (sửa đổi, bổ sung Điều 24 của Luật hiện hành) theo hướng làm rõ hơn quyền của tổ chức hành nghề đấu giá tài sản trong việc cung cấp dịch vụ đấu giá đối với tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức.

Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Về hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị chỉnh lý điều 2 của dự thảo Luật theo hướng bổ sung thời gian có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2025 để bảo đảm phù hợp và có hiệu lực đồng thời với hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024.

Đồng thời, chỉnh lý quy định tại khoản 1 và khoản 2 điều 3 của dự thảo Luật theo hướng áp dụng quy định của Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản của Luật hiện hành, tăng 16 điều, khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...