Phó Thủ tướng: Đấu thầu tập trung để người dân tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, đối với việc phân cấp đấu thầu thuốc, đấu thầu tập trung là biện pháp hết sức hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ…

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc họp

Ngày 21/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế, một số bộ, ngành, sở y tế, bệnh viện nghe báo cáo, cho ý kiến về dự thảo nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đấu thầu năm 2023 về lựa chọn nhà thầu.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế, Bộ đã xin ý kiến thành viên Chính phủ về quy định lập giá gói thầu; thủ tục phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu trong quy trình chỉ định thầu rút gọn; thanh toán chi phí mua thuốc, hoá chất, vật tư xét nghiệm, thiết bị y tế cho cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, đặc thù đối với hoạt động đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phải đáp ứng cả yêu cầu chuyên môn, kỹ thuật, nhu cầu điều trị lẫn năng lực tài chính. Do vậy, Bộ Y tế đề nghị trong trường hợp có từ 2 báo giá trở lên thì có thể lựa chọn mức giá cao nhất làm cơ sở lập dự toán xây dựng giá gói thầu.

Về việc mua sắm trang thiết bị, công nghệ sử dụng để triển khai các kỹ thuật mới chưa có ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y - Dược TP.HCM thông tin, chưa có căn cứ để lập giá gói thầu nên cần có cơ chế đặc thù.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Bệnh viện Trung ương quân đội 108, Bệnh viện Đại học Y - Dược TP.HCM, Bệnh viện K cũng đề nghị phân cấp tối đa cho cơ sở y tế thực hiện đấu thầu mua sắm trực tiếp thuốc điều trị trường hợp đột xuất, thuốc hiếm, vật tư tiêu hao thiết yếu phù hợp năng lực, yêu cầu điều trị.

Đồng thời, bổ sung đông dược, thuốc phóng xạ, vật tư y tế tiêu hao vào danh mục đấu thầu; mở rộng chủng loại thuốc, vật tư y tế thuộc diện đàm phán giá, đấu thầu tập trung.

Sau khi nghe các ý kiến đóng góp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, vấn đề đấu thầu thuốc, thiết bị y tế hết sức quan trọng, cần giải quyết bằng cơ chế, chính sách pháp luật.

Qua các ý kiến, Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu tiếp thu tối đa, khẩn trương hoàn thiện dự thảo nghị định. Đồng thời, phối hợp với Bộ Y để xây dựng tiêu chí xác định tính chính thống, hợp pháp của các nguồn thông tin báo giá làm căn cứ lập giá gói thầu.

"Quan trọng nhất là Hội đồng của bệnh viện phải xác định cấu hình, yêu cầu kỹ thuật, chất lượng, hiệu quả kinh tế của thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế, làm cơ sở lựa chọn mức giá gói thầu", Phó Thủ tướng lưu ý.

Để tháo gỡ khó khăn trong thực hiện tư vấn, thẩm định đấu thầu, Phó Thủ tướng đề nghị quy định rõ ràng nhằm huy động, khuyến khích sự tham gia của các đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định được thành lập hợp pháp. Trường hợp không có đơn vị, tổ chức tư vấn, thẩm định tham gia thì chủ đầu tư sẽ thành lập tổ tư vấn, thẩm định trong đấu thầu.

Đối với việc phân cấp đấu thầu thuốc, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đấu thầu tập trung là biện pháp hết sức hiệu quả, cần thiết, minh bạch, khách quan để người dân được tiếp cận thuốc mới, tốt, giá rẻ.

Do đó, những loại thuốc sử dụng phổ biến, khối lượng lớn phải đưa vào danh sách đấu thầu tập trung (cấp quốc gia, địa phương), lựa chọn các nhà sản xuất, doanh nghiệp đủ năng lực, còn những loại thuốc hiếm, đặc trị, chuyên khoa thì phân cấp tối đa cho bệnh viện.

Về điều khoản thực hiện chuyển tiếp, Phó Thủ tướng nêu rõ, không để khoảng trống pháp luật khi thực hiện hoạt động đấu thầu nói chung, trong đó có lĩnh vực y tế.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng cho ý kiến về quy định chỉ định thầu; lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt; áp giá thầu đối với các loại thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tư nhân thực hiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...