Đầu tư BOT giao thông giúp Vân Đồn sớm trở thành “đặc khu”

Đầu tư xây dựng đường cao tốc và sân bay quốc tế được tỉnh Quảng Ninh coi là bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông.
Đầu tư BOT giao thông giúp Vân Đồn sớm trở thành “đặc khu”

Đoàn khảo sát của Hội đồng thẩm định đề án thành lập đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân dẫn đầu đã đi khảo sát thực tế tại huyện Vân Đồn và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh để phục vụ thẩm định Đề án thành lập đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh. 

Một dự án sân bay và 4 dự án giao thông đường bộ; trong đó, có 2 dự án xây mới đường cao tốc, 1 dự án cầu đường bộ đều được đầu tư theo hình thức đầu thư BOT (xây dựng – kinh doanh - chuyển giao) sẽ là những dự án quan trọng đặt nền móng để Quảng Ninh xây dựng thành công khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai gần.

BOT – đột phá phát triển giao thông

Đầu tư xây dựng đường cao tốc và sân bay quốc tế được tỉnh Quảng Ninh coi là bước đột phá về phát triển hạ tầng giao thông. Quảng Ninh đã thành công trong việc mời gọi nhà đầu tư chiến lược Tập đoàn Sun Group đầu tư 7.200 tỷ đồng cho xây dựng sân bay quốc tế Vân Đồn có quy mô đón được 2 triệu khách/năm (từ nay đến năm 2020) và đón 5 triệu khách/năm (năm 2030).

Ông Đặng Minh Trường, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tập đoàn SunGroup cho biết, SunGroup đang nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thi công cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Tập đoàn sẽ cố gắng hoàn thành và đưa cảng hàng không này vào khai thác thương mại trong quý II/2018, để góp phần cùng với tỉnh Quảng Ninh sớm xây dựng Vân Đồn trở thành đặc khu hành chính – kinh tế đầu tiên của cả nước.

“Cánh cung” cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái được xem là huyết mạch giao thông quan trọng nhất đối với việc xây dựng và phát triển “đặc khu” hành chính – kinh tế Vân Đồn trong tương lai. Nhận thức tầm quan trọng này, từ năm 2014 Quảng Ninh đã chủ động đề nghị Chính phủ cho phép tự đứng ra làm đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; trong đó, phần tuyến đường nối Hạ Long với cầu Bạch Đằng sử dụng ngân sách của tỉnh, phần cầu Bạch Đằng và đường dẫn đầu tư theo hình thức BOT. Đến nay, Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên được Chính phủ đồng ý giao nhiệm vụ xây dựng đường cao tốc và cảng hàng không.

Dự án tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có tổng chiều dài hơn 25km, được thiết kế với 4 làn xe, vận tốc cho phép 100 - 110km/h. Dự án gồm đường cao tốc dài 19,8km và cầu Bạch Đằng dài 5,45km. Phần cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT với kinh phí khoảng 7.200 tỷ đồng do Công ty Cổ phần BOT cầu Bạch Đằng làm chủ đầu tư. Tính đến thời điểm này, tổng giá trị sản lượng 8 gói thầu xây lắp chính của dự án cầu Bạch Đằng đã đạt trên 85% khối lượng công việc.

Các nhà thầu đang tiếp tục nỗ lực, đẩy nhanh hơn nữa tiến độ thi công và khẳng định sẽ hoàn thành dự án đúng theo cam kết với tỉnh. Nhấn mạnh về tầm quan trọng của dự án đối với việc hình thành hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại cho Quảng Ninh và góp phần xây dựng khu hành chính- kinh tế đặc biệt Vân Đồn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Vũ Văn Diện đã yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu cần tiếp tục nỗ lực thi công hơn nữa, quyết tâm hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2018. Riêng dự án cao tốc nối thành phố Hạ Long với Cầu Bạch Đằng, dự kiến sẽ hoàn thành việc trải thảm bê tông nhựa mặt đường toàn tuyến trước Tết Nguyên Đán 2018 và hoàn thành dự án trước ngày 30/3/2018.

Nối liền với dự án trên là dự án đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn dài hơn 53km kết hợp cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 18 đoạn Hạ Long - Mông Dương do Công ty cổ phần BOT Biên Cương làm chủ đầu tư với tổng mức vốn đầu tư gần 14 nghìn tỷ đồng đang trong giai đoạn gấp rút để có thể hoàn thành và đưa vào sử dụng cùng với tuyến Hạ Long – Hải Phòng trước ngày 30/6/2018.

Quảng Ninh đã hoàn thành công tác quy hoạch, định tuyến và phê duyệt phương án thống kê, giải phóng mặt bằng đối với dự án đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Theo kế hoạch dự án đường cao tốc có giá trị 14.000 tỷ đồng này sẽ được khởi công năm 2018 và hoàn thành trong năm 2020.

UBND tỉnh Quảng Ninh và Tổng công ty hàng không Việt Nam (VietNam Airline) ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm hỗ trợ phát triển, xúc tiến du lịch, mở rộng phát triển mạng lưới bay đến – đi từ cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, quảng bá thương hiệu điểm đến du lịch Quảng Ninh cũng như hình ảnh, sản phẩm, dịch vụ của VietNam Airlines. 

Năm 2018 – khởi đầu kết nối

Dự kiến, trong năm 2018, Quảng Ninh sẽ thông toàn tuyến Quốc lộ 18 từ Bắc Ninh đến Mông Dương đạt tiêu chuẩn đường cấp II, 4 làn xe. Đến cuối quý II/2018 sẽ thông được tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long – Vân Đồn, khi đó thời gian di chuyển từ Hà Nội đến Hạ Long còn 1 giờ 45 phút, và đến Vân Đồn khoảng 2 giờ đồng hồ, góp phần làm giảm chi phí vận chuyển hàng hóa, thời gian đi lại của nhân dân, doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kết nối giao thương trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Đến năm 2020, sau khi hoàn thành đồng bộ tuyến cao tốc qua Quảng Ninh, tuyến đường cao tốc kéo dài từ Móng Cái - Vân Đồn - Hạ Long đến Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai sẽ là tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực Bắc bộ, trực tiếp là các tỉnh có tuyến cao tốc đi qua, đồng thời thúc đẩy phát triển giao thương quốc tế qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Khi đó, “đặc khu” Vân Đồn sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế của Quảng Ninh có thể kết nối với các tỉnh thành phía Bắc cũng như với các nước ASIAN và Trung Quốc.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh Bùi Hồng Minh phân tích: Phương thức đầu tư dự án BOT giao thông là một chủ trương đúng, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, là giải pháp hữu hiệu để huy động nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài.

Ông Minh bày tỏ, đối với tỉnh Quảng Ninh, việc triển khai đầu tư các dự án giao thông trọng điểm theo hình thức BOT nêu trên sẽ giúp Quảng Ninh có hệ thống giao thông đồng bộ hiện đại. Theo đó, tuyến đường cao tốc, cảng hàng không, quốc lộ 18... giải quyết được điểm nghẽn lớn nhất trong phát triển kinh tế xã tỉnh Quảng Ninh.

Ngoài ra, việc đầu tư hoàn thành các dự án giao thông trọng điểm sẽ góp phần tạo sự đa dạng phương thức giao thông trên địa bàn, rút ngắn cự ly cũng như tiết kiệm thời gian di chuyển để phát huy các thế mạnh tiềm năng của tỉnh Quảng Ninh như: phát triển du lịch dịch vụ với di sản – kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long, hay khu non thiêng Yên Tử, Cửa Ông, Cái Bầu....

Đồng thời, phát huy thế mạnh về kinh tế cửa khẩu thông qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Hoành Mô là những cửa gõ giao thương giữa ASIAN với Trung Quốc. Bên cạnh đó, thu hút đầu tư và phát huy thế mạnh của các Khu kinh tế trọng điểm trên địa bàn như: Khu kinh tế Vân Đồn (Khu hành chính – kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong thời gian tới), khu kinh tế Hải Hà, khu kinh tế Đầm Nhà Mạc với các tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển và khu công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển đảo lên tầm cao mới.

Theo TTXVN

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...