ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định

Nhiều ĐBQH mong mỏi từ nay việc Tổng bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ thành chế định.
ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định

Sau lễ tuyên thệ của Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, bên hành lang kỳ họp Quốc hội, PV Báo Giao thông ghi nhận ý kiến của một số ĐBQH, trong đó hầu hết các đại biểu đều bày tỏ mong muốn từ nay về sau, Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ trở thành chế định.

ĐBQH Dương Trung Quốc: Phù hợp xu thế

Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước sẽ đảm bảo được nhiều mục tiêu mà chúng ta đề ra lâu nay, giảm bớt được đầu mối. Trong lĩnh vực ngoại giao, mỗi vị khách quốc tế đến Việt Nam, thay vì gặp gỡ đủ 4 lãnh đạo cấp cao thì nay sẽ giảm bớt các việc đó. Đây là một xu hướng chung.

Về vấn đề nhân sự, Tổng Bí thư nói rằng, việc Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước là tình huống, song tôi cho rằng, nên coi việc này là một xu thế, định chế của nước mình. Sự kiện này cũng sẽ là một thực tế để chúng ta hướng tới cái đó chứ không chỉ là giải pháp tình huống. Trong việc bầu Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước, nếu sự tín nhiệm càng cao thì càng thuận lợi cho người thực thi trách nhiệm.

Vấn đề còn lại là cần có một cơ chế giám sát quyền lực. Tôi cho rằng, quan trọng là nâng cao dân chủ, xây dựng thiết chế để người dân giám sát được quyền lực đó, và chính Tổng Bí thư cũng nhiều lần nhấn mạnh “quyền lực phải được giám sát”. Khi Đảng chủ trương thực hiện việc này, chính Đảng cũng nhận thức được phải giám sát quyền lực. Tôi mong việc Tổng Bí thư giữ chức Chủ tịch nước sẽ thành một định chế quốc gia.

ĐB Lê Thanh Vân (Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách): Bước chuyển biến ở cấp cao nhất

ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định ảnh 1

Tổng Bí thư đồng thời là Chủ tịch nước đem lại thuận lợi trong nhiều mặt. Trước hết, vai trò lãnh đạo Đảng và vai trò lãnh đạo Nhà nước hoàn toàn thuận lợi khi Tổng Bí thư đang là Trưởng ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống tham nhũng, ở cương vị Chủ tịch nước là người lãnh đạo toàn diện các lực lượng vũ trang, cải cách tư pháp... thì Tổng Bí thư sẽ kết hợp sử dụng quyền hạn, trách nhiệm của mình đầy đủ và có hiệu quả hơn.

Thứ hai, nếu người đứng đầu Đảng và đứng đầu Nhà nước làm một thì việc xử lý những việc thuộc trách nhiệm, quyền hạn của mình sẽ rất nhanh, ứng phó được ngay, không phải trải qua các quy trình về nguyên tắc lãnh đạo, không cần triển khai nhiều thủ tục.

Thứ ba, mô hình chúng ta đang thực hiện là lồng ghép chức danh lãnh đạo của cấp uỷ với chính quyền thì đây chính là bước chuyển biến ban đầu ở cấp cao nhất, cho thấy xu thế chung trong cải cách bộ máy hành chính, lồng ghép các chức năng nhiệm vụ để giảm bớt gánh nặng về ngân sách.

ĐBQH Vũ Trọng Kim: Từ nay nên thực hiện

ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định ảnh 2

Tôi cảm nhận, tân Chủ tịch nước vừa có bản lĩnh, vừa có sự khiêm tốn, cũng vừa có sự quyết tâm cao, thể hiện trách nhiệm, tình cảm sâu nặng.

Theo tôi, kể từ nay về sau, chúng ta nên giữ cơ chế này, nên thực hiện về mặt thể chế trong vấn đề vận hành guồng máy chung của quốc gia, tức là Đảng, Nhà nước kết hợp thống nhất. Đảng hóa thân vào trong Nhà nước và chịu trách nhiệm toàn diện với nhân dân thông qua bộ máy Nhà nước. Điều đó rất quan trọng, không có sự ngăn cách giữa một bên lãnh đạo và một bên thực hiện.

Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa (Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh): Không lo chuyên quyền

ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định ảnh 3

Tổng Bí thư là người có nhiều kinh nghiệm công tác, có năng lực, có phẩm chất đạo đức, có bản lĩnh, nếu đồng thời giữ cả chức Chủ tịch nước thì cũng phù hợp với giai đoạn này. Tổng Bí thư giữ vị trí đứng đầu Đảng, đứng đầu Nhà nước sẽ tạo được thuận lợi, hài hòa trong việc lãnh đạo, chỉ đạo đất nước.

Nhưng người giữ hai chức vụ cũng cần phải có chương trình kế hoạch rất khoa học, hợp lý, khi nào dành thời gian hoạt động bên Đảng, lúc nào dành thời gian hoạt động công việc của Chủ tịch nước, bởi đây là hai lĩnh vực, hai công việc khác nhau.

Có những băn khoăn lo ngại việc một người giữ nhiều chức vụ cao có thể dẫn tới chuyên quyền, nhưng vấn đề này không đáng lo, bởi nguyên tắc của chúng ta là tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, phân công cá nhân phụ trách. Đặc biệt đối với những vấn đề quan trọng của đất nước như đối nội, đối ngoại, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, phát triển KT-XH sẽ được tập thể thảo luận rất kỹ lưỡng.

ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Phó đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình): Đáp ứng mong mỏi của cử tri

ĐBQH mong Tổng Bí thư làm Chủ tịch nước sẽ thành chế định ảnh 4

Cá nhân tôi rất ủng hộ phương án nhân sự Chủ tịch nước do Ban Chấp hành Trung ương giới thiệu, đồng tình với việc người đứng đầu Đảng đồng thời giữ cương vị người đứng đầu Nhà nước.

Việc Quốc hội bầu Tổng Bí thư là Chủ tịch nước đáp ứng mong ước của cử tri, nhân dân cả nước, các ĐBQH cũng thể hiện mong muốn và đồng tình về việc này, bởi sẽ tạo ra nhiều thuận lợi, nhất là trong công tác đối ngoại.

Hơn nữa, thời gian qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại nhiều dấu ấn rất lớn, đặc biệt là trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên khi nhận thêm cương vị này chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ.

Theo Hoài Thu/báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm