Mới đây, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2018 của dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải đến hết năm 2020.
Theo văn bản của UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (giai đoạn 1) có tổng mức đầu tư gần 2.838 tỷ đồng, đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Năm 2018, dự án Đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (giai đoạn 1) được bố trí 181,64 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ tại Quyết định số 1972/QĐ-BKHĐT ngày 29/12/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc giao chi tiết kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2018.
Đến hết ngày 25/12/2019 dự án đã giải ngân được 61,592 tỷ đồng, còn lại 120,048 tỷ đồng chưa giải ngân.
Theo UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, các lý do làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn của dự án cụ thể như Dự án được khởi công từ năm 2009 trong đó các hạng mục có khối lượng tập trung, giá trị lớn như cầu vượt sông, xử lý nền đất yếu đã được hoàn thành trước năm 2019, hiện nay đang thi công các hạng mục hoàn thiện, có khối lượng dàn trải nên công tác giải ngân trong năm 2019 bị ảnh hưởng.
Thứ hai, nhiều gói thầu của dự án đã hoàn thành và đang lập hồ sơ quyết toán nhưng chủ đầu tư chỉ thanh toán hết giá trị giữ lại chờ quyết toán của gói thầu sau khi cấp quyền phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành.
Do đó để đảm bảo nguồn vốn cho dự án hoàn thành theo các Quyết định đầu tư số 2669/QĐ-UBND ngày 10/8/2009 và số 3200/QĐ-UBND ngày 8/11/2018, căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 1 của Nghị định số 120/2018/NĐ-CP của Chính phủ, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ năm 2018 đã phân bổ cho dự án đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải (giai đoạn 1) đến hết năm 2020.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận bố trí vốn để thực hiện đầu tư giai đoạn 1 là 2.837,99 tỷ đồng, thời gian thi công từ năm 2009 - 2015. Giai đoạn 2 sẽ thi công từ năm 2015 – 2018 và sẽ xây dựng cầu Phước An (dài 3,254km) với tổng mức đầu tư: 3.543,13 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do điều kiện nguồn vốn trái phiếu chính phủ hạn hẹp, trong 5 năm (từ 2009 đến 2014), dự án chỉ được bố trí với tỷ lệ 26,33% so với tổng mức đầu tư.