UBND tỉnh Hòa Bình vừa có văn bản số 1745/UBND-CNXD gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ 192 tỷ đồng hoặc cho phép Hòa Bình được sử dụng quỹ đất của tỉnh để thanh toán cho Geleximco.
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Tp. Hòa Bình, đoạn trên địa phận tỉnh Hòa Bình theo hình thức BT (đổi đất lấy hạ tầng). Nguồn vốn để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định từ việc khai thác quỹ đất hai bên đường.
Tiếp đến, năm 2010 tỉnh Hòa Bình đã ký hợp đồng BT với Tập đoàn Geleximco để thực hiện dự án đường cao tốc Hòa Lạc - TP Hòa Bình. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án trên đã gặp nhiều khó khăn, do sát nhập các xã Đông Xuân, Tiến Xuân (huyện Lương Sơn) về Hà Nội, do đó quỹ đất để thanh toán cho nhà đầu tư không còn.
Khi đó, UBND tỉnh Hòa Bình đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất Chính phủ chuyển giao dự án về Bộ Giao thông Vận tải để tiếp tục triển khai bằng nguồn vốn ODA hoặc theo hình thức hợp tác công tư (PPP).
Vì vậy, tỉnh Hòa Bình và Geleximco buộc phải thực hiện chấm dứt hợp đồng, quyết toán dự án và thanh lý hợp đồng với trị giá khoảng 192 tỷ đồng.
Sau đó, dự án trên được chuyển lại cho Bộ Giao thông Vận tải thực hiện theo hình thức BOT.
Bộ GTVT đã lựa chọn liên danh đầu tư là Tổng công ty 36, Công ty Cổ phần Đầu tư và thương mại Hà Nội, và Công ty Cổ phần Xây lắp và Thương mại Trường Lộc xây dựng tuyến đường và hiện dự án đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Dự án có tổng mức đầu tư khoảng 2.723 tỷ đồng và đưa vào sử dụng cách đây 1 tháng.
"Trở thành chủ đầu tư mới, liên danh đầu tư trên tiếp nhận phần khối lượng dự án Geleximco đã thực hiện, do vậy, về nguyên tắc có trách nhiệm thanh toán chi phí cho phía Geleximco. Tuy nhiên, khi tỉnh Hòa Bình có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét hoạch toán phần tiếp tục giá trị sử dụng (192 tỷ đồng) vào dự án BOT và bố trí kinh phí hoàn trả phần giá trị này cho tỉnh Hòa Bình thì Bộ Giao thông vận tải không thể đáp ứng được khoản chi phí này.
Lý do được Bộ này đưa ra là quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng đường Hòa Lạc - Hòa Bình và nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 6 đoạn Xuân Mai - Hòa Bình theo hình thức BOT gặp nhiều khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, tăng chi phí đầu tư, giảm doanh thu làm giảm hiệu quả tài chính, phải điều chỉnh hợp đồng dự án nhiều lần và làm kéo dài thời gian thu hồi vốn…
Cho rằng dự án BOT này không còn khả thi về tài chính, Bộ GTVT đã đề nghị tỉnh Hòa Bình báo cáo Thủ tướng xem xét hỗ trợ.
Đường Hòa Lạc - Hòa Bình là tuyến đường được làm mới hoàn toàn. Chiều dài tuyến là 25,7 km, vận tốc đa 80 km/h. Tuyến đường rút ngắn 20 km từ Hà Nội đi Hòa Bình so với QL 6, thời gian lưu thông từ thành phố Hòa Bình đến trung tâm TP Hà Nội chỉ còn khoảng 1 giờ xe chạy.
Dự án được khởi công vào tháng 5/2014, thông xe vào ngày 10/10/2018. Tổng mức đầu tư hơn 2.723 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn dự kiến của dự án là 27 năm 6 tháng 9 ngày.
>>Hòa Bình: 9 tháng, phát hiện sai phạm gần 13,3 tỷ đồng qua thanh tra