ĐHCĐ HDBank: Chấp thuận sáp nhập PGBank, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621

Đại hội cổ đông thường niên sáng 21/4/2018 đã thông qua việc sáp nhập PGbank vào HDbank, với tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu là 1:0,621. Dự kiến, thương vụ sáp nhập này sẽ hoàn tất vào tháng 8 tới đây.
ĐHCĐ HDBank: Chấp thuận sáp nhập PGBank, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621

ĐHCĐ ngày 21/4 của HDbank đã thông qua đề án sáp nhập PGbank

Tại ĐHCĐ thường niên sáng 21/4, Hội đồng quản trị HDBank đã bất ngờ bổ sung tờ trình về nội dung nhận sáp nhập Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGbank). Trước đó PGbank đã tiến hành quá trình thương thảo, sáp nhập vào Vietinbank trong hơn 3 năm, song đã không tìm được tiếng nói chung nhằm đảm bảo quyền lợi, lợi ích của các bên liên quan, quyết định chấm dứt sáp nhập. Như vậy, sau khi PGbank có đề xuất chấm dứt việc sáp nhập vào Vietinbank thì nhà băng này lại tiếp tục hành trình về một nhà với HDbank.

Cùng sáng 21/4, PGBank đã tổ chức ĐHCĐ thông qua nội dung sáp nhập vào HDbank với tỷ lệ cổ đông tán thành là 100%. Còn kết quả biểu quyết tờ trình sáp nhập tại ĐHCĐ HDBank, có 94,28% cổ đông đồng thuận, chỉ còn hơn 5% số cổ đông không đồng ý.

Theo đề án, việc sáp nhập sẽ được hai ngân hàng triển khai ngay trong tháng 4 này. Sau đó dự kiến đến tháng 7 sẽ tiến hành hoán đổi cổ phiếu với tỷ lệ 1: 0,621 và hoàn tất việc sáp nhập vào tháng 8/2018.

Báo cáo với cổ đông, bà Lê Thị Băng Tâm – Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết ngân hàng đang thực hiện việc mua bán, sáp nhập (M&A), tìm đối tác chiến lược, nhằm đưa HDBank trở thành một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu tại Việt Nam về quy mô.

Trong đó, tổng tài sản dự kiến tăng trưởng 28%, huy động vốn tăng 30,3%. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 40% lên mức 154.510 tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất năm 2018 ở mức 3.993 tỷ đồng, tăng trưởng tới 62,7% so với năm 2017.

Về tờ trình sáp nhập vào PGbank, bà Tâm cho biết, ngân hàng đã xem xét việc kết hợp các ưu thế của PGBank và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), có thể cộng hưởng với năng lực nội tại và M&A của HDBank để đẩy mạnh hoạt động kinh doanh. Sau thời gian chuẩn bị, HĐQT quyết định trình cổ đông thông qua đề án việc sáp nhập PGBank vào HDBank và hợp đồng sáp nhập.

Theo phương án sáp nhập, HDBank sẽ phát hành cổ phiếu để hoán đổi lấy toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của PGBank. Tỷ lệ hoán đổi là 1:0.621 (1 cổ phiếu PGBank đổi lấy 0.621 cổ phiếu HDBank), dự kiến sẽ thực hiện hoán đổi cổ phần vào tháng 7 tới sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận.

Hiện tại, PGbank có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, song ngân hàng đã được NHNN chấp thuận cho phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 3.165 tỷ đồng, tương ứng 316,5 triệu cổ phiếu.

Sau khi hoán đổi cổ phiếu cho toàn bộ cổ đông của PGBank, số cổ phần mới phát hành còn lại này sẽ trở thành cổ phần phổ thông, có kèm điều kiện mua lại và được chào bán cho các cổ đông hiện hữu của HDBank với giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Số cổ phần này sẽ được HDBank (sau sáp nhập) mua lại làm cổ phiếu quỹ, với giá mua lại tối đa là 13.000 đồng/cổ phiếu.

Còn toàn bộ số cổ phần được hoán đổi cho cổ đông PGBank sẽ bị phong tỏa, chỉ được chuyển nhượng 30% sau 6 tháng, vào chuyển nhượng nốt 70% sau 12 tháng kể từ ngày sáp nhập chính thức.

Cổ đông HDbank đã chất vấn HĐQT ngân hàng về lý do sáp nhập PGbank, ảnh hưởng tới giá cổ phiếu HDB, kế hoạch kinh doanh 2018 có tính tới việc sáp nhập không?

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT HDBank cho rằng, việc sáp nhập sẽ giúp cho HDBank tiếp cận hệ sinh thái với khối lượng trên 20 triệu khách hàng cùng 4.000 điểm bán lẻ của Petrolimex. HDBank có thể gia tăng thêm sản phẩm cho Petrolimex như sản phẩm phái sinh, điều này phù hợp với chiến lược phát triển ngân hàng bán lẻ của HDBank, như cung cấp dịch vụ tài chính tiêu dùng, SME, thương gia thương lái, bảo hiểm, các hoạt động quốc tế rộng rãi.

Về ảnh hưởng tới giá cổ phiếu HDbank, theo bà Thảo, không có quy định nào điều chỉnh giá cổ phiếu do sáp nhập mà hoàn toàn do thị trường điều chỉnh dựa trên chỉ số tài chính của các ngân hàng, cung cầu thị trường.

ĐHCĐ HDBank: Chấp thuận sáp nhập PGBank, tỷ lệ hoán đổi là 1:0,621 ảnh 1

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo: Việc sáp nhập PGbank sẽ giúp đẩy mạnh phát triển ngân hàng bán lẻ 

Trong kế hoạch kinh doanh năm 2018, HDbank ghi nhận lợi nhuận trước thuế trước sáp nhập là khoảng hơn 3.900 tỷ đồng và sau sáp nhập là gần 4.700 tỷ đồng. Việc sáp nhập còn phụ thuộc vào các yếu tố khách quan, ví dụ như thủ tục sáp nhập... Nếu thực hiện đúng lộ trình đề ra thì kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn.

Ngoài hoạt động kinh doanh lõi của ngân hàng thì HD Saison cũng sẽ là nguồn thu đáng kể của ngân hàng. Do năm 2016-2017 HDBank tập trung phát triển mạng lưới, nâng lên tới 12.000 điểm bán hàng, và năm 2018 các điểm bán hàng đó sẽ phát huy hiệu quả, sinh lời cho ngân hàng.

Cổ đông cũng bày tỏ lo ngại về những khó khăn trong việc xử lý nợ xấu của PGbank mà HDbank sẽ phải “gánh” nợ thay.

Lãnh đạo HDBank cho rằng nợ xấu của PGBank có thể kiểm soát được. Hiện, ngân hàng này có 600 tỷ đồng nợ xấu, số dư nợ bán cho VAMC là 2.200 tỷ đồng, đã trích lập 850 tỷ đồng, thu nợ VAMC khoảng 200 tỷ đồng. Tất cả khoản nợ xấu này đều có tài sản đảm bảo là bất động sản, ước tính bán thu về tối thiểu khoảng 70% nợ VAMC, tương đương 1.400-1.500 tỷ đồng.

“PGBank là ngân hàng tương đối sạch, bởi có cổ đông lớn là Nhà nước là Petrolimex. Nợ xấu PGBank khá tích cực, đảm bảo cân đối được với nợ xấu HDBank, ít nhất là tốt hơn hiện tại”, bà Phương Thảo cho biết.

Đánh giá về đề án sáp nhập, bà Nguyễn Thị Phi Loan, Cục phó Cục Thanh tra giám sát NHNN chi nhánh Tp.HCM nhận xét, mục tiêu của việc sáp nhập là nâng cao hiệu quả hoạt động, đặc biệt đẩy mạnh bán lẻ. HDBank là ngân hàng có kinh nghiệm M&A, còn PGBank là ngân hàng quy mô nhỏ và cũng có những tồn tại yếu kém nhưng không quá nặng nề như các ngân hàng khác để có thể ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng. Do đó, NHNN hi vọng HDBank sẽ có những đánh giá, những biện pháp xử lý để đem lại hoạt động tốt nhất và lợi ích cao nhất cho cổ đông.

Năm 2017, ngân hàng đã hoàn thành tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng, lên 9.810 tỷ đồng, niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với thị giá giao dịch hiện gần mức 50.000 đồng/CP. Trong năm 2018, HDBank sẽ tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 9.810 đồng, lên 11.972 tỷ đồng thông qua việc chia 196 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông (tỷ lệ 20%) và chào bán 20 triệu cổ phiếu theo chương trình ESOP.

HDbank đặt mục tiêu tăng tổng tài sản thêm 28% lên mức 242.865 tỷ đồng vào cuối năm 2018. Tổng huy động 222.184 tỷ đồng, tăng 30%; Dư nợ tín dụng dự kiến tăng 40% lên mức 154.510 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu dưới 2% dư nợ.

 >> PGBank: nợ có khả năng mất vốn tăng 93%

Có thể bạn quan tâm

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Chủ tịch CBBank trở thành Phó tổng Vietcombank

Ông Nguyễn Văn Tuân, Chủ tịch Hội đồng Thành viên CBBank, đã được bổ nhiệm làm Phó Tổng giám đốc Vietcombank từ ngày 16/1/2025, đánh dấu sự trở lại sau gần 10 năm rời ngân hàng này để tái cấu trúc CBBank...

LPBank công bố lợi nhuận trước thuế năm 2024 đạt 12.168 tỷ đồng, chính thức bước chân vào nhóm doanh nghiệp có lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng

LPBank gia nhập câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ

LPBank đã chính thức bước chân vào câu lạc bộ lợi nhuận trên 10.000 tỷ đồng, đánh dấu sự tăng trưởng vượt bậc và khẳng định vị thế trong hệ thống ngân hàng thương mại tại Việt Nam...