ĐHCĐ VPBank: Định giá FE Credit có thể tới 4 tỷ USD nếu chọn phương án IPO

Chiều nay (29/4), tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2021, lãnh đạo của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank, mã: VPB) đã chia sẻ thêm về thương vụ bán 49% vốn tại FE Credit cho đối tác ngoại với định giá hơn 2,8 tỷ USD.
ĐHCĐ VPBank: Định giá FE Credit có thể tới 4 tỷ USD nếu chọn phương án IPO

“Nóng” bán vốn tại FE Credit

Tâm điểm của Đại hội cổ đông năm nay là VPBank trình cổ đông thông qua việc chuyển nhượng 49% vốn điều lệ FE Credit cho SMBC CF - Nhà đầu tư Nhật Bản và chuyển nhượng 1% vốn điều lệ FE Credit cho Công ty cổ phần chứng khoán Bản Việt (VCSC). Sau giao dịch, VPBank sẽ chỉ còn sở hữu 50% tại FE Credit và vẫn là công ty con của ngân hàng.

Ngay trước đại hội (hôm 28/4), VPBank đã ký kết thoả thuận bán 49% vốn FE Credit cho SMBC với định giá FE Credit là 2,8 tỷ USD. Như vậy, VPbank dự tính thu về gần 1,4 tỷ USD từ thương vụ này.

Tại đại hội, cổ đông đặt câu hỏi: “VPBank bán 49% FE Credit cho đối tác Nhật thì có ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận hợp nhất của ngân hàng. Và nguồn tiền bán vốn sẽ được sử dụng ra sao?”

Ông Nguyễn Đức Vinh cho biết, FE Credit sau khi bán vốn vẫn là công ty con của VPBank, vẫn hạch toán trong bảng cân đối hợp nhất. VPBank sẽ cùng với SMBC làm sao để FE Credit phát triển mạnh mẽ hơn nữa. "Chúng tôi cũng nhấn mạnh, việc bán không phải là VPBank bỏ một con gà đẻ trứng vàng mà chúng tôi tìm đối tác chiến lược để đem lại giá trị lớn hơn… Khả năng năm 2021 hoặc 2 năm đầu thì lợi nhuận thu được từ FE Credit có thể giảm một chút hoặc không tăng nhưng về dài hạn, FE Credit sẽ tiếp tục là mảng kinh doanh quan trọng của ngân hàng”, ông Vinh nói. 

Theo đó, hiện hệ số CAR của VPBank là 11,5%, dự kiến vượt 20% sau khi bán FE Credit.

Thương vụ này sẽ hỗ trợ cho phép ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh, phát triển năng lực mới tạo ra nguồn thu lớn hơn. FE Credit là phân khúc tín dụng tiêu dùng của ngân hàng, chiếm 50% thị phần. Dù năm 2020 là năm khó khăn với các công ty tài chính tiêu dùng trên toàn thế giới do dịch bệnh nhưng mức ảnh hưởng tới FE Credit so với các đối thủ cạnh tranh là ở mức thấp nhất, kết quả kinh doanh có giảm sút và đã được dự tính trước.

Ông Ngô Chí Dũng - Chủ tịch HĐQT VPBank chia sẻ, ngân hàng đưa ra 2 phương án bán vốn tại FE Credit: một là IPO sau đó niêm yết, hai là bán vốn cho cổ đông chiến lược.

"Nếu theo phương án IPO thì định giá của FE Credit có thể còn cao hơn, thậm chí lên đến 4 tỷ USD. Nhưng chúng tôi quyết định hợp tác với SMBC để tận dụng nguồn vốn rẻ và kinh nghiệm từ họ nhằm tiếp tục phát triển FE Credit lên những tầm cao mới", ông Dũng nói. Được biết, SMBC là 1 trong 3 ngân hàng lớn nhất Nhật Bản và bên thứ ba là công ty tài chính tiêu dùng lâu đời nhất đứng ra mua FE Credit.

Mục tiêu lợi nhuận 16.600 tỷ đồng

Ban lãnh đạo đã trình ĐHCĐ kế hoạch kinh doanh năm 2021 tăng trưởng khả quan, cụ thể: tổng tài sản phấn đấu tăng 17,4% đạt 491.886 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 10,5% đạt 327.280 tỷ đồng. Dư nợ cấp tín dụng tăng 16,6% đạt 376.340 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 16.654 tỷ đồng, tăng 27,9% so với năm 2020. 

Theo ông Nguyễn Đức Vinh, VPBank không phải ngân hàng lớn nhất thị trường về tổng tài sản, nhưng đang dẫn đầu nhiều chỉ số hiệu quả, có mô hình kinh doanh đa dạng, bao phủ phân khúc khách hàng có tiềm năng phát triển ở Việt Nam. Việc đa dạng hoá và kiểm soát hoạt động an toàn là ưu tiên hàng đầu của ngân hàng. 

VPbank dẫn đầu về doanh thu với cơ cấu đa dạng, hiệu quả vận hành tốt, tiếp tục là ngân hàng có NIM cao trên thị trường. Tuy nhiên, ngân hàng vẫn còn cần cải tiến trong chi phí vốn, đơn cử năm qua đã giảm được đc 0,6% chi phí vốn…

Việc kiểm soát rủi ro tiếp tục là trọng tâm, giúp VPBank sử dụng tốt nguồn lực của mình, đặc biệt là tăng cường hiệu quả hệ thống thu hồi nợ. 

Năm 2020 cũng là năm bắt đầu gặt hái thành quả của chuyển đổi số mà ngân hàng đã tập trung đẩy mạnh từ năm 2016-2017 và đã được cụ thể hoá những năm qua.

Đại hội cũng đã thông qua phương án tái phát hành/bán cổ phiếu từ nguồn cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn dành cho cán bộ nhân viên VPBank năm 2021. Hiện ngân hàng có hơn 75,2 triệu cổ phiếu quỹ và đề xuất làm nguồn cổ phiếu phổ thông để phát hành ESOP hoặc cho các nhà đầu tư mới vào thời điểm thích hợp. 

Đối với việc phát hành cổ phiếu ESOP, ngân hàng dự kiến bán 15 triệu cổ phiếu với mức giá ưu đãi 10.000 đồng/cp, hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm và giải tỏa 30% sau 1 năm, 35% sau 2 năm và 35% sau 3 năm. Thời gian thực hiện dự kiến vào quý 3/2021. 

Trả lời chất vấn về kế hoạch bán cổ phiếu quỹ, Chủ tịch Ngô Chí Dũng cho hay, nếu bán ở thời điểm nay thì ngân hàng sẽ có khoản thu 4.000 tỷ đồng, sau khi trừ giá vốn thì lợi nhuận khoảng 2.500 tỷ đồng. Nhưng VPbank đang có kế hoạch phát hành cho cổ đông chiến lược. Khi đạt thoả thuận, số cổ phiếu quỹ sẽ được bán cùng với lượng cổ phiếu phát hành mới cho cổ đông nước ngoài. Khi đó, lợi nhuận sẽ được ghi nhận vào quỹ thặng dư, tăng vốn chủ sở hữu cho ngân hàng.

Cũng theo ông Dũng, hiện room ngoại của VPBank mới chỉ khoảng 20%, ngân hàng đang tiếp tục đàm phán với các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên nhà đầu tư chiến lược để tiếp tục phát hành cổ phiếu, huy động vốn cho ngân hàng. Kế hoạch này có thể triển khai vào cuối năm nay.

Có thể bạn quan tâm