Dịch Covid-19 và bài toán về quản lý và bảo vệ động vật hoang dã

CHANGE, WildAid cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam vừa phối hợp với Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức tọa đàm khoa học trực tuyến “Hoàn thiện pháp luật để quản lý, bảo vệ động vật hoang dã trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID 19”.

Cuộc tọa đàm diễn ra nhằm lấy ý kiến một số cơ quan chức năng liên quan, cũng như các chuyên gia về sức khoẻ, luật pháp, các tổ chức phi chính phủ môi trường, để hỗ trợ Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn hoàn thiện bản dự thảo cuối cùng trình Thủ tướng Chính phủ trước 1/4/2020, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1744/VPCP-KGVX của Văn phòng Chính phủ về việc soạn thảo Chỉ thị về nghiêm cấm mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã, đặc biệt là những loài động vật nguy cấp, quý hiếm.

Trong suốt thời gian buổi tọa đàm, các đại biểu và đại diện lãnh đạo lần lượt trình bày và thảo luận sôi nổi về các đề tài: tổng hợp phát hiện thông tin báo chí về dịch Covid-19 và thực tiễn khảo sát của nhóm phóng viên điều tra báo Nông Nghiệp tại các điểm nóng buôn bán động vật hoang dã (ĐVHD); công tác quản lý, bảo vệ và xử lý vi phạm liên quan đến ĐVHD tại Việt Nam; đánh giá công cụ pháp lý và mức độ thực thi bảo vệ ĐVHD tại Việt Nam cũng như tình hình truyền thông nhận thức của người dân và chia sẻ về kinh nghiệm thực tế về tình hình buôn bán, tiêu thụ ĐVHD tại Việt Nam.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, 70% mầm bệnh toàn cầu được phát hiện trong 50 năm qua đều đến từ động vật.

Ngày 29/02/2020, phái đoàn chuyên gia của WHO và Trung Quốc công bố báo cáo về dịch Covid-19, xác định virus bắt nguồn từ ĐVHD, trong đó dơi là nghi can số 1.

Chia sẻ về nghiên cứu do chính mình thực hiện về mối liên hệ giữa việc tiêu thụ ĐVHD và sức khoẻ cộng đồng, bác sĩ Nguyễn Trọng An cho biết: “Việt Nam lâu nay có tập quán thích ăn thịt thú rừng, tình trạng săn bắt, mua bán vận chuyển thú rừng xảy ra tràn lan ở khắp mọi miền rất nhức nhối. Đã có nhiều người bị chết do nhiễm bệnh sau khi giết mổ, ăn thịt ĐVHD, do bị nhiễm các loại như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm từ các loại động vật trên, nhưng đó mới chỉ là những cá thể hoặc nhóm cá thể bị lây lan dịch bệnh từ ĐVHD. Còn vấn đề đại dịch COVID-19 hiện nay do Vi rút Corona chủng mới có nguồn gốc từ ĐVHD đang tàn phá toàn cầu, lây nhiễm cho hàng trăm ngàn người ở 199 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Đây là một vấn đề thực sự nghiêm trọng, cần chính phủ, các bộ ngành và mọi người dân cần phải chung tay hành động”.

Đóng góp tại toạ đàm, Giám đốc CHANGE, bà Hoàng Thị Minh Hồng bày tỏ: “Cùng với Trung Quốc, Việt Nam là điểm trung chuyển và tiêu thụ ĐVHD lớn nhất thế giới, đó là một thương hiệu không có gì đáng tự hào với bạn bè quốc tế. Thế nhưng, con virus Covid-19 đã làm được điều mà hàng trăm tổ chức môi trường đã không làm được, đó là khiến chính phủ Trung Quốc ban hành lệnh cấm hoàn toàn việc mua bán, tiêu thụ ĐVHD trên toàn quốc. Và tôi rất hy vọng chính phủ Việt Nam cũng làm được như vậy.” 

 

“Báo chí quốc tế đánh giá thị trường buôn bán ĐVHD tại Việt Nam trị giá 1 tỉ đô la Mỹ, nhưng các thiệt hại do đại dịch Covid-19 này đang gây ra cho kinh tế toàn cầu có thể lên tới 2.000 tỉ đô (theo ước tính của Liên Hiệp Quốc). Tôi rất hy vọng chính phủ Việt Nam sẽ hành động cương quyết để ngăn chặn nguy cơ xảy ra những đại dịch tương tự, và cũng là để nâng uy tín quốc gia với cộng đồng thế giới. CHANGE sẽ vẫn tiếp tục làm những dự án truyền thông sáng tạo để nâng cao nhận thức nhằm giảm việc tiêu thụ ĐVHD, và mong muốn hơn cả là được hợp tác cùng với Bộ Nông nghiệp, Cục kiểm lâm trong các hoạt động truyền thông cũng như hỗ trợ thực thi pháp luât, để xử lý kịp thời và triệt để những trường hợp vi phạm về buôn bán ĐVHD”, bà Hồng cho biết thêm.

Trong phần thảo luận mở, đại diện của CHANGE, PanNature, HSI và các tổ chức phi chính phủ tham gia trực tuyến, đã đóng góp nhiều ý kiến đề xuất cho bản dự thảo của chỉ thị của Thủ tướng chính phủ: như cấm hoàn toàn các chợ, nhà hàng bán ĐVHD; cấm cán bộ nhà nước ăn thịt rừng; đề xuất luật phải xử phạt cả người sử dụng, sở hữu các sản phẩm từ ĐVHD, chứ không phải chỉ những người buôn bán vận chuyển; nghiêm cấm quảng cáo bán ĐVHD và các nội dung cổ súy việc bắt bẫy và tiêu thụ ĐVHD trên mạng; siết chặt quản lý các trang trại gây nuôi; quy trách nhiệm cho UBND các địa phương có diễn ra vi phạm; đề xuất tiêu huỷ ĐVHD bị thu giữ thay vì bán đấu giá; hỗ trợ các cơ quan thực thi pháp luật…

Tổng kết cuộc tọa đàm, ông Trần Văn Điển đánh giá rất cao các đóng góp thẳng thắn của các tổ chức và các đại biểu tham dự. Những vấn đề các đại biểu đề cập cũng là những vấn đề mà không chỉ Tổng Cục Lâm Nghiệp quan tâm mà còn 13 bộ ban ngành liên quan đã và đang soạn thảo hành động. Ông cho biết thêm, tất cả đại biểu, bên liên quan cần phải đồng thuận quan điểm để triển khai chỉ thị tốt hơn. Những đóng góp ý kiến từ các đại biểu tham gia đã được ông và đồng sự lắng nghe chọn lọc. Chưa dừng lại ở đó, ông còn gửi ra một tín hiệu rất tích cực rằng đề xuất các bên tham dự tọa đàm hôm nay có thể cùng hội họp tham gia đóng góp triển khai chỉ thị từ TTg. Nhằm gắn kết hơn sự hợp tác của bộ ban ngành, chính ông cũng mong muốn các tổ chức và đại biểu có thể hỗ trợ đồng hành cùng nhau trong những dự án cộng đồng về môi trường.     

Tọa đàm là một trong những nỗ lực của CHANGE và các đối tác để góp phần giúp cộng đồng và những nhà hoạch định chính sách chú ý hơn tới việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng khỏi nguy cơ dịch bệnh từ việc tiêu thụ các loài ĐVHD. Để tiếp nối thành công của toạ đàm này, trong thời gian tới, CHANGE sẽ tiếp tục có nhiều hoạt động khác. Trong tháng 4 và tháng 5, CHANGE sẽ đẩy mạnh truyền thông báo chí và mạng xã hội về chỉ thị của Thủ tướng Chính Phủ cũng như những thông tin về Covid 19 và mối liên quan tới tiêu thụ ĐVHD. Cũng bắt đầu từ tháng 4 kéo dài đến tháng 6, CHANGE sẽ khởi động chiến dịch truyền thông sáng tạo nhằm thay đổi nhận thức, hành vi người sử dụng sản phẩm từ ĐVHD thông qua việc sản xuất một chuỗi 5 video tuyên truyền. Các video này sẽ được phát sóng rộng rãi trên truyền hình quốc gia VTV, mạng xã hội và những màn hình lớn tại các tòa nhà. Hướng tới mục tiêu 10 triệu người Việt Nam sẽ nhận được thông điệp của chiến dịch, CHANGE sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông và hỗ trợ thực thi pháp luật tại 10 tỉnh thành là các “điểm nóng" về ĐVHD trên cả nước.

Trên toàn cầu, các hoạt động buôn bán trái phép động vật hoang dã (ĐVHD), vốn được coi là có lợi nhuận chỉ đứng sau buôn lậu ma tuý, vũ khí và buôn người, đang là nguyên nhân dẫn tới tình trạng nhiều loài động vật quý hiếm đối diện với nguy cơ tuyệt chủng, điển hình như tê giác, voi, tê tê. Việt Nam không chỉ là một quốc gia tiêu thụ ĐVHD hàng đầu, mà còn là điểm trung chuyển, buôn bán ĐVHD trái phép xuyên quốc gia.

Nhằm tăng cường hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống vi phạm pháp luật, ngăn chặn các hành vi buôn bán, tiêu thụ ĐVHD, Việt Nam đã và đang nỗ lực trong cả xây dựng và ban hành chính sách, pháp luật, tổ chức thực thi pháp luật. Năm 2015 Quốc hội khoá XIII đã thông qua Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Đến tháng 6 năm 2017, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 vừa qua. Với những nội dung sửa đổi, bổ sung quan trọng liên quan đến các quy định về quản lý, bảo vệ ĐVHD, BLHS năm 2015 tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, cụ thể, đầy đủ hơn cho đấu tranh phòng chống các loại tội phạm về buôn bán ĐVHD.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm