Điện Biên khẩn trương khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, chuẩn bị ứng phó siêu bão Yagi

Từ cuối tháng 7 đến hết tháng 8/2024, nhiều trận mưa lớn đã đổ xuống tỉnh Điện Biên khiến nhiều khu vực bị lũ quét, sạt lở và ngập lụt. Chưa khắc phục xong thiệt hại do lũ gây ra, tỉnh Điện Biên tiếp tục đối diện với cơn bão số 3...

z5797690422097_40c82835eb1bdfb6b7687860750d27ab.jpg
Khung cảnh tan hoang tại một bản thuộc xã Mường Pôn

Những đợt mưa lớn vào tháng 7, tháng 8đã gây ra hệ quả nặng nề, nhiều người chết và bị thương, mất tích. Hàng chục căn nhà bị xoá sổ, vật nuôi, hoa màu bị lũ cuốn trôi, khiến đời sống của đồng bào nơi đây đã khổ, nay còn khổ hơn.

THIỆT HẠI NẶNG NỀ

Đã hơn 1 tháng, trận lũ kinh hoàng trút xuống xã Mường Pôn, huyện Điện Biên, nhưng những nỗi buồn của người dân nơi đây vẫn chưa vơi. Có những gia đình dường như trắng tay, nhà cửa, ruộng, vườn trôi theo lũ. Thậm chí, có gia đình, vợ mất chồng, con mất cha…

Đất đá tràn ra sân, gậy gộc, cành cây lổm chổm, ngôi nhà nhỏ ngày nào giờ chỉ còn là đống đổ nát, nhìn cảnh trước mặt, ông Lò Văn Kẹo, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn nghẹn ngào: “Ngày xưa, ngôi nhà luôn rộn rã tiếng cười của con cháu. Giờ đây, chỉ còn là một đống hoang tàn. Tôi vẫn hy vọng một ngày nào đó sẽ xây lại ngôi nhà, nhưng nhìn vào đống bùn đất này tôi không biết phải bắt đầu từ đâu. Tôi trắng tay rồi”.

z5797690486574_b0a8fa3a4530c769ae9ff11667f2f8e6.jpg
Ông Lò Văn Kẹo, bản Tin Tốc, xã Mường Pồn rơi nước mắt khi nhìn vào mảnh đất của gia đình mình

Cũng chung cảnh ngộ với ông Kẹo, bà Lò Thị Mấng, bản Tin Tốc, không khỏi lo lắng cho những ngày tiếp theo. Bà chỉ mong sớm được trở lại cuộc sống bình thường, chỉ cần có 1 căn nhà nhỏ và có đất để canh tác..

May mắn hơn, ông Lò Văn Lụng, người dân ở bản Lĩnh, xã Mường Pồn tâm sự: “Ngày nào gia đình tôi cũng phải dọn dẹp, nhưng đống đổ nát vẫn ngổn ngang. Dù sao cũng may mắn hơn nhiều gia đình khác bởi căn nhà tôi ở mấy chục năm nay không bị cuốn theo dòng nước lũ”.

Nhớ lại thời điểm trận lũ xảy ra, anh Lò Văn Tiên, bản Mường Pồn 1, xã Mường Pồn cho biết, trận lũ quét đã xảy ra vào khoảng hơn 2 giờ sáng. Khi đang nằm ngủ, anh Tiên nghe thấy tiếng gầm như sấm và nước lũ tràn về.

“Tôi cùng 2 con đã chạy ra khỏi nhà, không kịp lấy đồ đạc gì. Cả nhà cửa đã bị lũ cuốn trôi hết, nhưng may mắn, bố con tôi vẫn sống, còn người là còn của”, anh Tiên bày tỏ.

Là một trong những người may mắn được lực lượng chức năng cứu ra khỏi khỏi hiện trường sau nhiều giờ mắc kẹt, chị Quàng Thị Liên, bản Mường Pồn 1 tâm sự, sau khi nghe tiếng nổ lớn, cả 2 vợ chồng đã chạy lên trên quả đồi đối diện nhà. Sau đó thì nước lũ ập đến...

“May mắn tối qua các con tôi ra nhà bà ngủ, ở nhà chỉ có 2 vợ chồng. Đến khoảng 10h sáng nay, vợ chồng tôi đã được lực lượng chức năng cứu đưa ra khỏi hiện trường”, chị Liên nghẹn ngào.

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên phải đối mặt với nhiều đợt thiên tại, mưa lũ kéo dài. Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên cho do ảnh hưởng của mưa lớn, sạt lở, ngập lụt từ ngày 24 đến 25/8 trên địa bàn các huyện thuộc tỉnh này đã gây thiệt hại về tài sản của người dân.

Tại các huyện Nậm Pồ, Mường Ảng, thành phố Điện Biên Phủ thiệt hại về nhà ở là 34, trong đó, 5 nhà bị thiệt hại nặng từ 30 - 50%, 16 nhà bị thiệt hại một phần dưới 30%, 13 nhà phải di dời khẩn cấp.

Đối với nông nghiệp có 15,24 ha cây trồng bị thiệt hại, trong đó, 0,2 ha lúa bị thiệt hại hoàn toàn trên 70%, 4 ha lúa bị thiệt hại rất nặng từ 50 - 70%, 10,4 ha lúa bị thiệt hại nặng, 0,2 ha cây nho bị thiệt hại từ 30 - 50%, 0,04 ha cây trồng lâu năm bị thiệt hại trên 70%, 0,4 ha bí xanh bị thiệt hại trên 70%. Về giao thông, có 13 tuyến đường bị sạt lở ách tắc, trong đó, thành phố Điện Biên Phủ có 2 tuyến. Số liệu thống kê ban đầu cho thấy, ước tổng thiệt hại khoảng 1,1 tỷ đồng.

z5797710408362_10ba1553c7edca158ebd5c7353be63b9.jpg
Lực lượng chức năng cùng người dân khắc phục hậu quả sau lũ

Trước đó, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên đã thông tin, đến hết ngày 1/8, lũ quét, sạt lở đất đã khiến 6 người chết, 3 người đang mất tích và 7 người bị thương. Cùng với đó, hơn 300 căn nhà bị thiệt hại, ảnh hưởng. Phải di dời khẩn cấp hàng trăm căn nhà. Mưa lũ cũng khiến 149,24ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; 28,8ha ngô, sắn, rau màu bị thiệt hại; 4,7ha rừng thông bị gãy đổ. 32 tuyến đường tại các huyện Mường Chà; Tủa Chùa; Nậm Pồ; Điện Biên Đông; Mường Nhé bị thiệt hại.

Có lẽ, thiệt hại đau lòng nhất là trận lũ quét vào rạng sáng 25/7 trên địa bàn xã Mường Pôn, huyện Điện Biên. Theo ước tính của Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Điện Biên tổng thiệt hại do trận lũ quét tại xã Mường Pôn là 175 tỷ đồng. Như vậy, tổng thiệt hại trên toàn tỉnh Điện Biên khoảng hơn 176 tỷ đồng.

Riêng tại xã Mường Pôn, ông Quàng Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã cho biết, Mường Pồn là xã vùng cao, thuần nông, có 11 bản với 1.107 hộ dân; trong đó, một số bản giáp biên giới, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân còn gặp rất nhiều khó khăn. Trận mưa, lũ quét vừa qua xảy ra tại đây đã khiến 4 người thiệt mạng, 3 người mất tích; 20 ngôi nhà bị đổ sập, cuốn trôi; hàng trăm ngôi nhà bị hư hỏng; hoa màu và vật nuôi bị thiệt hại nặng, Quốc lộ 12 đi qua xã Mường Pồn cũng bị tê liệt...

CHUNG TAY CÙNG ĐIỆN BIÊN KHẮC PHỤC HẬU QUẢ

Sau khi nhận được thông tin về tình hình mưa lũ tại tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã thị sát tại vị trí sạt lở ở bản Mường Pồn 1 và khu vực bị lũ quét tại bản Lĩnh và bản Tin Tốc; thăm hỏi, động viên, tặng quà lực lượng “bốn tại chỗ” đang làm công tác khắc phục hậu quả mưa lũ; thăm hỏi, động viên, trao quà cho các gia đình có người thân bị chết, mất tích thuộc xã Mường Pồn, huyện Điện Biên.

Tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Điện Biên 10 tỷ đồng để tỉnh nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định cuộc sống người dân vùng thiên tai.

Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Điện Biên tiếp tục huy động các nguồn lực, chỉ đạo các lực lượng nhanh chóng hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng do mưa lũ xây dựng lại nhà, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống phù hợp với phong tục, tập quán của bà con; kiểm soát tốt phương tiện và người ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao.

ndt9191-1722832454792143969176.jpg
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang tại buổi làm việc với tỉnh Điện Biên

Đến chiều 29/8, thừa ủy quyền của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Đoàn công tác Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tá Bế Hải Triều, Cục trưởng Cục Dân vận đã đến thăm, động viên, trao kinh phí của Bộ Quốc phòng hỗ trợ xây dựng 100 nhà tặng các gia đình bị mất nhà do mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

Trong đó, huyện Điện Biên 71 nhà, huyện Nậm Pồ 16 nhà, huyện Mường Lay 3 nhà, thành phố Điện Biên Phủ 10 nhà. Cũng trong dịp này, Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Quân khu 2 trao tặng 20 suất quà cho các gia đình bị thiệt hại nặng do mưa lũ gây ra.

Với tấm lòng nhân ái, sự thấu hiểu và sẻ chia đồng bào vùng lũ, Hội Phụ nữ hai phòng (Phòng Chính trị và Phòng Hậu cần - Kỹ thuật) của Sư đoàn 363, Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với Câu lạc bộ Thiện nguyện trái tim xanh thành phố Hải Phòng đã đã tổ chức kêu gọi, vận động các tổ chức và cá nhân có tấm lòng hảo tâm trong xã hội tham gia ủng hộ để tổ chức chương trình.

Vượt qua cung đường dài hơn 600km với những khó khăn vất vả, đoàn đã đến thăm 3 bản là bản Mường Pồn 1, bản Lĩnh và Tin Tốc của xã Mường Pồn. Tại các nơi đến thăm, đoàn đã gửi lời thăm hỏi sức khỏe và chia sẻ với người dân về những thiệt hại do mưa lũ gây ra, động viên người dân cố gắng vượt qua những mất mát, đau thương, sớm ổn định cuộc sống; đồng thời trao gần 600 phần quà với tổng trị giá 400 triệu đồng tặng các gia đình bị thiệt hại.

Bên cạnh đó, đoàn công tác Ban Từ thiện xã hội Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam về thăm, trao quà hỗ trợ người dân bị thiệt hại do lũ quét tại xã Mường Pồn, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên.

Tham gia trao hỗ trợ cùng đoàn công tác của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ông Mùa A Vảng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên, Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông; Đại tá Ngô Thanh Bình, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên.

Tại các điểm đang là nơi ở tạm của người dân vùng lũ ở bản Lĩnh và Nhà văn hóa xã Mường Pồn, đoàn công tác đã trao 1,2 tỷ đồng (kinh phí hỗ trợ làm 20 căn nhà); trao 750 suất quà (mỗi suất quà trị giá 1 triệu đồng, gồm: gạo, mỳ tôm, chăn, tiền mặt) và 1.500 hộp sữa, bột dinh dưỡng của Công ty Cổ phần Zentrum cho người dân bị thiệt hại do lũ quét.

LŨ CHƯA VƠI, BÃO LẠI TỚI

Thời gian qua, tỉnh Điện Biên đã rất sát sao trong việc khắc phục hậu quả sau mưa lũ, xây nhà mới, hỗ trợ thực phẩm cho nhân dân. Vừa mới ổn định lại, nhưng người dân nơi đây lại nơm nớp lo sợ với siêu bão số 3.

Để người dân sớm chủ động chống bão, thực hiện Công điện số 87/CĐ-TTg ngày 5/9/2024 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Điện Biên vừa ban hành Văn bản số 3960/UBND-KTN, về việc tập trung ứng phó khẩn cấp cơn bão số 3 năm 2024 trên địa bàn tỉnh.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, ứng phó bão, lũ theo chỉ đạo của Chính phủ, Công văn số 3533/CV-BCH ngày 9/8/2024 của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Công văn số 3572/UBND-KTN ngày 13/8/2024 và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, nhất là trẻ em và các đối tượng yếu thế, hạn chế thiệt hại về tài sản của Nhân dân và nhà nước.

Đối với UBND các huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu, tiếp tục rà soát kỹ các khu dân cư, kịp thời phát hiện các khu vực có nguy cơ mất an toàn, thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.

Nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy, hải sản, khu vực có nguy cơ ngập sâu do nước dâng, mưa lũ, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét không bảo đảm an toàn, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm khi bão ảnh hưởng trực tiếp và mưa lũ lớn (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân).

Đồng thời, đảm bảo an toàn công trình hồ đập, an toàn giao thông, hạn chế thiệt hại về nhà ở, trụ sở, công trình công cộng, nhà máy; bảo vệ sản xuất nông nghiệp, chống ngập úng khu đô thị. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện tại khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng triển khai xử lý kịp thời các tình huống phát sinh khi bão, lũ.

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị lơ là, chủ quan trong thực hiện nhiệm vụ phòng, chống bão, lũ; xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp, phương tiện, lồng bè không tuân thủ chỉ đạo của cơ quan chức năng và lực lượng có thẩm quyền trong công tác phòng, chống bão.

Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo, chậm triển khai ứng phó với bão, lũ dẫn tới thiệt hại lớn về người và tài sản.

Ảnh màn hình 2024-09-06 lúc 14.14.54.png
Đại biểu dự cuộc họp triển khai công tác ứng phó cơn bão số 3 tại điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Các sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công thương, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao chủ động triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định, bảo đảm an toàn hồ đập, bảo vệ sản xuất, bảo đảm an toàn giao thông và kịp thời khắc phục nhanh sự cố trên các trục giao thông chính.

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các lực lượng vũ trang đóng trên địa bàn chủ động phối hợp với các địa phương triển khai công tác phòng, chống bão, lũ theo quy định.

Các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn tỉnh tăng cường thời lượng phát sóng, đưa tin để người dân nắm được thông tin về nguy cơ, diễn biến thiên tai, biết được kỹ năng ứng phó khi xảy ra thiên tai, nhất là sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lụt nhằm hạn chế thiệt hại.

Đài Khí tượng và Thủy văn tỉnh tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, dự báo, thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng và người dân biết để chủ động triển khai công tác ứng phó theo quy định.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức trực ban 24/7 theo dõi chặt chẽ tình hình, chủ động đôn đốc các địa phương triển khai công tác ứng phó phù hợp với diễn biến thiên tai thực tế, kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo những vấn đề vượt thẩm quyền.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...