DIỄN ĐÀN BĐS CN VIỆT NAM 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới

Hôm nay, Tạp chí Thương Gia phối hợp với Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế TƯ và Hiệp hội BĐS Việt Nam tổ chức Diễn đàn BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020: “Thời cơ vàng trong vận hội mới" để cùng thảo luận về xu hướng mới của thị trường.
DIỄN ĐÀN BĐS CN VIỆT NAM 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới

Tiếp nối thành công của sự kiện lần thứ nhất - được tổ chức vào năm 2019, Diễn đàn BẤT ĐỘNG SẢN CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM 2020 năm nay tiếp tục được tổ chức để trở thành cơ hội chia sẻ, giao lưu, kết nối các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và bất động sản đồng thời là dịp để lắng nghe  các chuyên gia trong ngành bàn luận, trao đổi về những xu hướng mới của thị trường bất động sản công nghiệp, đặc biệt là sau khi Việt Nam đã cơ bản khống chế thành công dịch Covid-19.

Tham dự diễn đàn có đại diện các bộ ngành, đại diện các tỉnh thành, đại diện hiệp hội bất động sản Việt Nam, đại diện các hội, hiệp hội tỉnh thành và doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng các đơn vị báo chí, truyền thông. 

8h45: Diễn đàn chính thức bắt đầu

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam bước vào giai đoạn điều chỉnh, phân khúc bất động sản công nghiệp nổi lên là một điểm sáng, tạo dựng được niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển tốt, nhất là khi nền kinh tế có triển vọng hồi phục sau đại dịch Covid-19; môi trường đầu tư – kinh doanh được cải thiện, Việt Nam là điểm đến an toàn của thế giới; nhiều hiệp định thương mại tự do chính thức có hiệu lực…

ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam
ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam

Ông Hà đánh giá, thị trường bất bất động sản Việt Nam những năm qua đã có bước phát triển nhanh cả về quy mô, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và mức độ lan tỏa tới các ngành, nghề khác, có sự tăng nhanh về số lượng, cơ cấu sản phẩm, nguồn vốn đầu tư và các chủ thể tham gia thị trường.

'Những kết quả tích cực của thị trường bất động sản Việt Nam có thể được nhìn thấy rò từ những kết quả như: Lĩnh vực bất động sản đóng góp 0,4 điểm % trong tăng trưởng kinh tế; Tổng thu liên quan đến bất động sản khoảng 11% trong tổng thu ngân sách, tương đương gần 3% GDP; Thị trường bất động sản phát triển cũng đã kéo theo hàng loạt các thị trường về vốn, xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, lao động tăng trưởng (kinh nghiệm của thế giới cho thấy, cứ đầu tư phát triển 1m2 nhà ở thì cần từ 17-25 công lao động); Đầu tư 1 USD vào bất động sản thì thu hút thêm được 1,5 – 2 USD vốn xã hội tham gia (tỷ lệ khoảng 200%); Bất động sản du lịch ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch quốc gia", ông Hà khẳng định.

Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn. Đơn cử, sau giai đoạn tăng trưởng liên tục (từ 2014 - 2019), thị trường bất động sản có xu hướng chững lại ở một số phân khúc; Nguồn lực tài chính cho đầu tư các dự án bất động sản chưa đa dạng và bền vững, chủ yếu vẫn phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng và tiền ứng trước của khách hàng; Hiện hoạt động đầu tư xây dựng chịu sự điều chỉnh của khoảng 12 Luật khác nhau và hàng trăm Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Thông tư hướng dẫn của các bộ, ngành.

Ngoài ra, còn có gần 20.000 tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, từ khâu xác định chủ trương đầu tư, nhu cầu vốn, chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư xây dựng và kết thúc đầu tư xây dựng đưa dự án vào vận hành khai thác. Nhiều quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, kinh doanh, vận hành bất động sản còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập.

Bên cạnh đó, thị trường này còn thiếu các quy định của pháp luật trong việc điều chỉnh các sản phẩm bất động sản mới xuất hiện trên thị trường như bất động sản du lịch (biệt thự du lịch, căn hộ du lịch, nhà phố du lịch); Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19: Làm gián đoạn, đảo lộn các hoạt động của doanh nghiệp bất động sản, nhất là công tác tiếp thị quảng bá sản phẩm và bán hàng; Dòng tiền bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mọi hoạt động bán hàng và mua hàng bị ngừng trệ do thực hiện các biện pháp của Chính phủ về hạn chế di chuyển, cách ly toàn xã hội, do tâm lý phòng thủ của người dân trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19; Thị trường bất động sản bị tác động kép do phải đương đầu với nhiều khó khăn trong 02 năm qua và đại dịch nên các tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cần nỗ lực để cầm cự và vượt qua giai đoạn cực kỳ khó khăn này.

Theo ông Hà, năm 2019, Việt Nam đã và đang không ngừng phát triển, dần trở thành một trong những điểm đến thu hút đầu tư về công nghiệp sản xuất trong khu vực Đông Nam Á. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường là nhờ định hướng của Việt Nam trong xây dựng nền kinh tế tập trung vào xuất khẩu; Việc xúc tiến thành lập các khu công nghiệp và kinh tế trọng điểm; Sự tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA); tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trong những năm gần đây và việc sở hữu lực lượng lao động trẻ, dồi dào, chi phí thấp.

Bằng chứng là trong năm 2019 và nửa đầu năm 2020, bất chấp những khó khăn chung của thị trường và diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ.

Theo báo cáo của Vụ Quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.

Trong bối cảnh như trên, cùng với bất động sản nghỉ dưỡng có tiềm năng phục hồi và tăng trưởng trong trung và dài hạn, thị trường bất động sản công nghiệp nổi lên là phân khúc hấp dẫn nhất trong giai đoạn tới. 

Từ những phân tích trên, ông Hà cho rằng, có thể hình dung ra những bước khởi đầu và xoay chuyển theo hướng tích cực hơn của thị trường bất động sản công nghiệp. Tuy nhiên, để có thể phát triển nhanh và bền vững, nhất là đón đầu việc thu hút dòng vốn FDI “sạch” và chất lượng trong bối cảnh mới, khi việc dịch chuyển chuỗi cung ứng và chuyển dịch sản xuất ngày một rõ ràng hơn, cần hướng đến giải quyết một số vấn đề được đặt ra như sau: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; các địa phương cần đẩy nhanh và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng nền tảng thông qua thu hút nguồn lực tư nhân và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại những công trình trọng điểm; đẩy mạnh tái cấu trúc các khu công nghiệp hiện hữu và phát triển các khu công nghiệp mới gắn với quy hoạch nhà ở, công trình công cộng phục vụ đời sống người lao động; rà soát quy hoạch, ưu tiên phát triển bất động sản công nghiệp ở các vùng kinh tế trọng điểm có đủ điều kiện.

Trong phần đề dẫn vào diễn đàn, bà Trần Thị Hồng Minh, Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM cho rằng, đến thời điểm này, dù không ít quốc gia đã thảo luận công khai về kế hoạch mở cửa trở lại nền kinh tế, diễn biến dịch Covid-19 ở bình diện toàn cầu vẫn còn khá căng thẳng. Thậm chí, thảo luận về đợt dịch thứ hai đang trở nên phổ biến hơn. Những diễn biến này đã tác động không nhỏ đến chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, qua đó tác động đến quá trình dịch chuyển đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay và sau đại dịch COVID-19 khá bất định. Nhà đầu tư nước ngoài sẽ thận trọng hơn đối với quyết định lựa chọn địa điểm đầu tư và/hoặc thể hiện rõ nét hơn mong muốn đa dạng hóa địa điểm đầu tư. Việc nước ta sớm có chuyển biến trong đẩy lùi đại dịch COVID-19 có thể được nhà đầu tư nước ngoài nhìn nhận tích cực, không chỉ ở thời điểm mà còn ở năng lực điều hành của Chính phủ. Nếu tiếp tục duy trì những chuyển biến này, cùng với việc kịp thời xây dựng và chuyển dần sang thực hiện kế hoạch phục hồi kinh tế hậu COVID-19, chúng ta sẽ có cơ hội không nhỏ để thu hút đầu tư nước ngoài có chất lượng.

"Một yêu cầu quan trọng là chúng ta phải cải thiện hạ tầng phục vụ hoạt động đầu tư, sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp. Trong đó, phát triển hạ tầng khu công nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Ý nghĩa quan trọng ấy không chỉ xuất phát từ nhu cầu của các nhà đầu tư đang hiện diện hoặc mong muốn đầu tư ở Việt Nam".

Bà Trần Thị Hồng Minh

Theo bà Minh, trong hơn 30 năm qua, phát triển hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế chính là một trong những điểm đột phá trong quá trình xây dựng, nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và phát triển sản xuất công nghiệp. Nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, phát triển các khu chức năng trong khu kinh tế huy động vốn xây dựng kết cấu hạ tầng các khu này để kết nối đồng bộ với các khu chức năng khác trong khu kinh tế, với kết cấu hạ tầng ngoài hàng rào khu công nghiệp.

Với hạ tầng sẵn có, các khu công nghiệp, khu kinh tế tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư thứ cấp triển khai dự án, đồng thời góp phần quan trọng cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có hạ tầng nông thôn của các địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương và cả nước. Ngược lại, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sau khi làm ăn và tích lũy hiệu quả tại Việt Nam thì đã cân nhắc, ủng hộ, thậm chí trực tiếp tham gia nhiều hơn vào đầu tư trở lại cho hạ tầng khu công nghiệp, khu kinh tế.

"Đại dịch COVID-19 không làm thay đổi yêu cầu trên. Thay vào đó, cơ hội vàng từ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đòi hỏi chúng ta phải có những hành động nhanh, đúng trọng tâm, và hiệu quả hơn".

Bà Trần Thị Hồng Minh

Theo nhận định của mình, bà Minh cho rằng, phát triển bất động sản công nghiệp phải đóng góp trực tiếp và mạnh mẽ hơn vào tăng trưởng xanh, giảm khí phát thải, gắn với phát huy trách nhiệm của doanh nghiệp. Đại dịch COVID-19 cũng làm gia tăng các thảo luận về yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn.Theo tôi, không có nơi nào thuận lợi hơn khu công nghiệp trong việc thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn”, bà Minh khẳng định.

Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM
Bà Trần Thị Hồng Minh - Viện Trưởng Viện nghiên cứu Quản lý Kinh tế TW - CIEM 

Ngoài ra, đầu tư bất động sản công nghiệp còn phải giúp tạo động lực để các khu công nghiệp ở nước ta cải thiện một cách thực chất các vấn đề liên quan đến người lao động (không chỉ đơn thuần giải quyết việc làm mà còn phải trở thành nơi tạo “an sinh xã hội” cho họ đồng thời cải thiện đáng kể liên kết giữa các doanh nghiệp, đặc biệt là giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Hiệu quả của khu công nghiệp không chỉ được đánh giá bởi tỷ lệ lấp đầy, quy mô doanh nghiệp, quy mô xuất khẩu, đóng góp vào ngân sách nhà nước, v.v., mà còn cần được nhìn nhận ở góc độ liên kết giữa các khu, để tận dụng được lợi thế của các địa phương. Phát triển các khu công nghiệp sẽ khó có thể hiệu quả ở góc độ vùng và quốc gia nếu các khu ở các địa phương lân cận bắt chước nhau một cách máy móc.

Chính ở đây, từng địa phương và từng khu công nghiệp phải “vượt qua được nỗi sợ khác người”. Ở góc độ chính sách, ưu tiên không chỉ hướng tới phát triển hạ tầng trong khu công nghiệp, mà cả hạ tầng kết nối giữa các khu công nghiệp. Làm được điều đó, các khu công nghiệp sẽ đóng góp trực tiếp vào cải thiện liên kết giữa các địa phương trong vùng – yêu cầu mà chúng ta đã nhìn nhận trong nhiều năm qua mà chưa hiện thực hóa một cách hiệu quả. 

Theo đánh giá của Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến cuối tháng 5 năm 2020, cả nước có 561 KCN bao gồm cả các KCN trong quy hoạch chung xây dựng các KKT có trong quy hoạch đã được phê duyệt với tổng diện tích khoảng 201 ngàn ha (chiếm 0,6% tổng diện tích đất cả nước). Trong đó bao gồm: 374 KCN đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 ngàn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) à 259 KCN chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 ngàn ha (bao gồm 55,8 ngàn ha của 187 KCN có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 ngàn ha của 72 KCN mới thành lập một phần).

Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Ths. Trần Quốc Trung - Phó Vụ trưởng - Vụ Quản lý các khu kinh tế Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Về định hướng phát triển khu công nghiệp, ông Trung cho rằng, cần phát triển về số lượng và quy mô KCN phải đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh của địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; không dàn đều theo địa giới hành chính.

Bên canh đó, phải hình thành hệ thống KCN nòng cốt với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia. Bên cạnh đó, phát triển hệ thống KCN có quy mô vừa và nhỏ tạo điều kiện phát triển công nghiệp tại khu vực nông thôn, miền núi, tiến tới cân bằng trong phát triển KCN để giảm áp lực về giao thông, đô thị, môi trường và hạ tầng xã hội; thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội; đảm bảo hiệu quả sử dụng đất; hạn chế phát triển KCN trên đất nông nghiệp có năng suất ổn định.

Đặc biệt phải thúc đẩy phát triển KCN theo chiều sâu, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; Chuyển dịch cơ cấu dự án trong KCN thông qua đổi mới công nghệ, nâng cao giá trị gia tăng và thân thiện với môi trường; Đa dạng hóa các phương thức hợp tác đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng KCN; Khuyến khích huy động nguồn lực tư nhân trong xây dựng và phát triển KCN.

ÔngTrần Quốc Trung

Để làm được điều này, ông Trung cho rằng, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho phát triển KCN, ăng cường quản lý và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch KCN, đổi mới mô hình KCN hiện tại (đa ngành) và phát triển một số mô hình KCN mới theo hướng sinh thái, hiệu quả cao hơn (KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN liên kết ngành, KCN - đô thị - dịch vụ và kiện toàn, nâng cao hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước KCN

Cũng như đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng KCN gắn với hạ tầng xã hội đảm bảo hoạt động của KCN; hoàn thiện thể chế, chính sách và tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường KCN, hoàn thiện thể chế, chính sách nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tăng cường hợp tác phát triển KCN và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư vào KCN.

Ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB ban quản lý các KCN, KKT; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, BĐS CN Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Chính vì vậy, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt để trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.

Ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB ban quản lý các KCN, KKT; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương
Ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB ban quản lý các KCN, KKT; Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương

Trong thời gian qua, BĐS CN của Việt Nam được đánh giá cao bởi ký được nhiều các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nhưng hiện nay quy mô của nhiều khu công nghiệp còn nhỏ, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.

Để giải quyết được vấn đề này cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội mà chúng ta sắp được nhận.

Ông Phạm Minh Phương

Bởi thực tế, làm BĐS CN khác với BĐS nhà ở bởi phải bỏ vốn lớn để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất nhưng thu hồ i vốn lại nhỏ giọt, gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy.

Ông Nguyễn Thế Chinh – Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera - CTCP kiến nghị cần xem xét rút ngắn thời gian lựa chọn chủ đầu tư khu công nghiệp, hiện nay là khoảng 2 năm thì sẽ mất rất nhiều cơ hội. Các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng đều cần sự hỗ trợ của địa phương trong công tác giải phóng mặt bằng, đây là điểm quyết định mấu chốt quyết định tiến độ của xây dựng hạ tầng.

Ông Nguyễn Thế Chinh – Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera
Ông Nguyễn Thế Chinh – Giám đốc Ban Bất động sản Tổng công ty Viglacera

Ngoài ra, với những chủ đầu tư khu công nghiệp nên được chỉ định giao làm cho khu nhà ở cho công nhân mà không phải đấu thầu. Hiện nay đã có nghị định 100 về quản lý và xây dựng nhà ở xã hội, trong khi đó nhà ở cho công nhân thì vẫn có 3 đối tượng là chủ đầu tư khu công nghiệp, doanh nghiệp trong khu công nghiệp hoặc doanh nghiệp có chức năng kinh doanh bất động sản.

Ông Nguyễn Thế Chinh

Thực tế, vấn đề nhà ở cho công nhân rât quan trọng để họ an cư, đảm bảo an sinh xã hội họ sẽ yên tâm làm việc mà để các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng kết hợp nhà ở cho công nhân thì giá thành sẽ rẻ hơn rất là nhiều. Hiện chúng tôi có 12 khu công nghiệp thì có 9 khu có nhà ở cho công nhân.

Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia - Bà Nguyễn Thuỳ Dương trao kỷ niệm chương cho các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp tổ chức diễn đàn
Tổng biên tập Tạp chí Thương Gia - Bà Nguyễn Thuỳ Dương trao kỷ niệm chương cho các tổ chức, doanh nghiệp phối hợp tổ chức diễn đàn

10h10': Phiên thảo luận 1: KCN thế hệ mới - Mô hình tất yếu cho BĐS CN VN

Tham dự phiên thảo luận có bà Lê Thanh Thảo, Đại diện Quốc gia của Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hiệp quốc - UNIDO tại Việt Nam; TS. Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng Khoa Kiến trúc và QH Trường ĐH Xây dựng, ông Phạm Hồng Điệp, Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec, ông Đặng Trọng Đức - Phó tổng Giám Đốc Tập đoàn Khải Toàn (KTG) .

DIỄN ĐÀN BĐS CN VIỆT NAM 2020: Thời cơ vàng trong vận hội mới ảnh 8

Bà Lê Thanh Thảo: Lợi ích của KCN sinh thái tóm gọn trong 3 khía cạnh chính: kinh tế, môi trường, xã hội.

Nói đến yếu tố sinh thái thường hay nói về môi trường. Đầu tiên lợi ích về mặt kinh tế là hoàn toàn cao hơn đầu tư ban đầu, các nhà đầu tư quan tâm nhất về mặt kinh tế. Đầu tư về giải pháp sinh thái giúp giảm được chất thải ra môi trường. Phát triển theo hướng sinh thái tạo môi trường tốt hơn cho người lao động, tăng năng suất, tạo việc làm mới, dịch vụ mới. Phát triển KCN sinh thái giúp cải thiện hình ảnh của chủ đầu tư đối với các doanh nghiệp đóng tại đó, cải thiện mối quan hệ với cộng đồng.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec: Việt Nam có thể làm được mô hình 5 khu CN sinh thái như trên thế giới đang làm. Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền do Công ty Cổ phần SHINEC làm chủ dự án ra đời là một khu công nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, hài hòa với mạng lưới an sinh nông thôn khi làm theo tiêu chuẩn của nhà nước, cung cấp dịch vụ chuẩn mực từ viễn thông đến xử lý nước thải, phòng cháy chữa cháy, xử lý các sự cố, hệ thống nhà ở cho cán bộ công nhân viên...

Khu công nghiệp sinh thái này sẽ như một khu trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Ở đó sẽ có doanh nghiệp chuyên trách xử lý nước thải, thu dọn rác công nghiệp, cung ứng thực phẩm, có hệ thống chợ ẩm thực, siêu thị giá rẻ, vườn hoa, công viên, khu vui chơi giải trí... Khi các nhà đầu tư chọn Nam Cầu Kiền sẽ có lợi rất lớn vì đã có sẵn mối quan hệ cộng sinh trong khu CN này.

TS. Nguyễn Cao Lãnh - Trưởng Khoa Kiến trúc và QH Trường ĐH Xây dựng: Đối với KCN phát triển thế hệ mới, phải trở thành thực thể hữu cơ, tương tác hữu cơ lẫn nhau tương tác với đô thị.

Lý do chọn cụm từ KCN thế hệ mới, Việt Nam đang trên con đường công nghiệp hoá, mà hạt nhân của công nghiệp hoá là các KCN. Theo Nghị quyết của Chính phủ đến năm 2030 chúng ta sẽ trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Chỉ còn 10 năm nữa chúng ta phải hoàn thành mục tiêu rất mới này. Với mô hình của KCN cũ thì chúng tôi rất băn khoăn có thể đạt được mục tiêu đó. Trên bình diện BĐS, DN BĐS Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực, đây là cơ hội và yêu cầu tất yếu về KCN thế hệ mới.

Ông Phạm Hồng Điệp - Chủ tịch Công ty Cổ phần Shinec: Việc quy hoạch chuyển đổi từ KCN bình thường sang khu CN sinh thái như Thủ tướng đã nhắc đến đó là khu kinh tế tuần hoàn. Ông Điệp khẳng định, tất cả nhân viên của Shinec sẽ sẵn sàng cống hiến cho UNIDO để đất nước ngày càng phát triển.

Ông Đặng Trọng Đức - Phó tổng Giám Đốc Tập đoàn Khải Toàn (KTG): Đầu tư vào KCN tuỳ vào kích cỡ của KCN. Đối với doanh nghiệp nhỏ thì đôi khi chưa sẵn sàng, vì họ chưa có bộ máy nhân sự đầy đủ. KTG đứng ở giữa để giải quyết những khó khăn đó. Về thời gian để hoàn thiện nhà xưởng xây sẵn, khi DN liên hệ với KTG thường mất 2 tháng, còn DN lớn hơn cần khoảng thời gian sắp xếp có thể 6 tháng.

Tôi hoàn toàn ủng hộ ý tưởng khu CN sinh thái. Chúng tôi đã đi khảo sát nhiều KCN và tiêu chí về sinh thái được chúng tôi đánh giá cao. Về góc độ đầu tư chúng tôi cũng có sự ràng buộc rõ ràng với DN vì khi đáp ứng được vấn đề tài chính xanh thì chúng tôi sẽ không tăng giá khi không có lý do, do đó chúng tôi cũng sẽ đẩy mạnh hơn về KCN sinh thái để thu hút DN hơn.

10h45': Phiên thảo luận 2 - Chủ động trước "cơ hội vàng" thu hút vốn FDI

Tham dự phiên thảo luận có GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường; ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT; ông Vũ Tú Thành - Phó Giám đốc Asean, Trưởng đại diện VN Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean; Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Công ty BSM Holdings.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT: Chuyển dịch, tái cơ cấu là điều cần thiết. Để nắm bắt cơ hội vàng này trong thu hút đầu tư thì cần hấp thụ được dòng vốn này. Nghị quyết 50 của Thủ tướng đã đặt ra mục tiêu trong thu hút FDI chính là ra thu hút đầu tư có chọn lọc. Theo định hướng đó, Việt Nam cần thu hút những dự án có chất lượng và có giá trị lan toả, hướng đến sự phát triển quốc gia như công nghệ cao, chuyển giao công nghệ và giá trị gia tăng của đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Quốc hội thông qua luật đầu tư, có điều khoản về ưu đãi, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Vũ Tú Thành - P.Giám đốc Asean, Trưởng đại diện VN Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - Asean: Việt Nam cần công bố quyết định thành lập tổ công tác thu hút làn sóng DN đa dạng hoá chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài khi nhìn vào khu vực ASEAN sẽ thấy Việt Nam là một nền kinh tế thành viên đóng góp vào sự phát triển của ASEAN, không một nền kinh tế đơn lẻ nào ở ASEAn có thể hy vọng vào việc thay thế Trung Quốc mà phải liên kết cùng nhau lại.

Trong khối ASEAN cần đạt được sự phối hợp trong chính sách. Tuy nhiên vì vẫn còn sự cạnh tranh lẫn nhau nên rất khó để cạnh tranh được với Trung Quốc. Đối với Việt Nam, nếu các địa phương không được kết nối thì các nhà đầu tư quy mô lớn sẽ không nhận được sự đồng bộ trong quy trình sản xuất kinh doanh, gây gia tăng chi phí...

Mô hình kinh doanh KTG - liên kết các KCN với nhau, đón được các nhà đầu tư, tăng tính hấp dẫn hệ thống KCN VN so với khu vực. Nhà đầu tư nước ngoài khi vào VN, có nhiều yếu tố tác động đến quyết định của họ: Nhà đầu tư quan tâm đến KCN, cần cơ sở dữ liệu về KCN và cần một hệ thống xếp hạng KCN (chưa có tại VN). Nhìn xa hơn, không chỉ kết nối với những DN lớn mà còn DN vừa và nhỏ, sẽ vừa tầm với các doanh nghiệp Việt Nam.

Ông Vũ Tú Thành

GS. Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ Trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường: Tôi cho rằng cơ hội vốn FDI xuất hiện trước Covid-19, tuy nhiên "nhờ" có đại dịch này mà xu hướng này lại trở nên mạnh mẽ hơn. Chính vì vậy, chúng ta phải đặt ra câu hỏi "Làm gì để nắm bắt cơ hội" này?

Hiện nay, chất lượng quản lý KCN ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn "bao cấp". Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục. Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta quản ý chặt là để thúc đẩy phat triển nhưng dường như Nhà nước càng quản chặt thì sự phát triển của các KCN càng "teo" lại. Chúng ta cần có quy hoạch, chúng ta cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường BĐS công nghiệp. Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón "đại bàng" chưa. Tôi cho rằng là chưa.

Thế giới đã chuyển sang khái niệm KCN sinh thái. Nhiều người hiểu sinh thái là đảm bảo yếu tố xanh, sạch của môi trường và tính bền vững trong phát triển. Nhưng thực tế là KCN sinh thái nghĩa là KCN được tiếp cận theo cách thức xây dựng một hệ sinh thái, có tính quan hệ cộng sinh lẫn nhau để từ đó tạo nên mối quan hệ bền vững.

Ông Dương Nguyên Thành - Phó Chủ tịch Công ty BSM: Việt Nam tồn tại một vấn đề, đó là lực lượng lao động địa phương (nguồn lao động, chất lượng lao động lành nghề) còn thiếu. Ngoài sự tương tác, liên kết giữa các chủ đầu tư CN cần các trường nghề, các chính quyền địa phương nên tạo điều kiện để nâng cao tay nghề chính thống.

Trong quá trình đầu tư, thu hút đầu tư, mog muốn các cơ quan chính quyền địa phương hỗ trợ, vào cuộc giải phóng mặt bằng. Cần hỗ trợ trong tương tác giữa các trường - địa phương - DN để đào tạo lực lượng quản lý cấp trung, nhân lực lành nghề.

Ông Đỗ Nhất Hoàng - Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ KH-ĐT: Để tăng cường chất lượng của dòng vốn FDI thì điều chúng ta cần quan tâm là khả năng hấp thụ dòng vốn này. Chính vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần đẩy mạnh tái cơ cấu để đa dạng hoá.

Và Việt Nam sẽ phải cần cung cấp đất sẵn nhưng phải phù hợp và đáp ứng mong muốn của nhà đầu tư. Bên cạnh đó cần tìm kiếm nguồn nhân lực lành nghề có sẵn hay tập hợp các nguồn lực lao động từ nước ngoài có tay nghề và thiết lập hệ sinh thái (nhà ở công nhân, khu vực văn hoá, logistic ...).

11h30': Phiên thảo luận 3: Giải pháp phát triển nhà ở cho công nhân tại các Khu công nghiệp?

Phiên thảo luận có sự tham dự của ông Hà Quang Hưng, Phó Cục Trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS; ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam; TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế - Thành viên Hội đồng tư vấn Chính Sách Tài Chính, Tiền Tệ Quốc Gia; ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô.

Ông Đỗ Đức Đạt, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ Đô: Nhà ở công nhân là một trong những mô hình nhà ở xã hội, mặc dù nhà ở XH đang phát triển tốt nhưng tỷ lệ nhà công nhân đang xây dụng cho KCN còn rất thấp, và chắc chắn trong tương lai sẽ thiếu hụt nhiều.

Theo ý kiến của tôi, rất khó để làm nhà công nhân bởi 2 vấn đề: khách hàng - công nhân, sức mua và sức thuê của họ là rất thấp cũng như tập tính sinh hoạt của họ khác biệt, không có tính gắn bó lâu dài tại KCN nên nhu cầu mua thấp, nhu cầu thuê lại có nhiều đòi hỏi.

Thứ hai là đối thủ cạnh tranh. Hiện nay chúng ta có 3 mô hình: nhà nước đầu tư - KCN đầu tư - các nhà đầu tư đầu tư nhà công nhân. Nếu các chính sách không công bằng, thế yếu sẽ bị rơi vào những nhà đầu tư nhà công nhân, mặc dù rất muốn đầu tư nhưng lại gặp nhiều khó khăn. Nếu không có sự kết nối công bằng, chia sẻ để người công nhân có thể thấy được lợi ích từ nhà ở công nhân thì sẽ rất khó để họ quyết định gắn bó với nhà ở công nhân.

Ông Hà Quang Hưng, Phó Cục Trưởng Cục quản lý nhà và Thị trường BĐS: Về hệ thống chính sách đối với NƠXH và nhà ở công nhân hiện có hành làng pháp luật đầy đủ như Luật Nhà ở và Nghị định 100. Nhưng kết quả NƠXH trong đó có nhà ở công nhân chưa được như kỳ vọng.

Hiện nay, cả nước đạt 42%, phát triển 5,2 triệu m2 nhà ở. Nhà ở công nhân hoàn thành 28% so với nhu cầu 8,3 triệu m2. Kết quả chưa được cao vì mấy điểm sau:

Thứ nhất, trong quy định của Luật Nhà ở và Nghị định 100, có quy định về việc dành quỹ đất để phát triển NƠXH và nhà ở cho công nhân. Qy định xây dựng hạ tầng phải dành quỹ đất xây dựng NƠXH, tuy nhiên chưa có nhiều địa phơng thực hiện.

Thứ hai, nút thắt về nguồn vốn, người có thu nhập thấp, khách hàng chưa được tham gia vào vay vốn.

Nguồn vốn Chính phủ dành ra phát triển NƠXH là rất ít. Chính phủ vừa giao Bộ KHĐT xem xét cấp thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách và 2.000 tỷ đồng bù lãi suất để nhà đầu tư phát triển NƠXH và nhà ở cho công nhân.

Ông Hà Quang Hưng

TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia Kinh tế: Tôi cho rằng với mức 1.000 tỷ  đồng cho vay và 2.000 tỷ đồng để bù lãi suất chưa thực sự hỗ trợ được thị trường. Nhà ở cho công nhân đang ngày càng trở nên quan trọng. Công nhân trong khu công nghiệp về cơ bản có chất lượng cuộc sống, điều kiện đi lại chưa được hỗ trợ và cải thiện nhiều. Nếu chúng ta có chính sách hỗ trợ thì cần một chính sách thực sự chất lượng, đi đúng vào nhu cầu của họ. Sắp tới chúng tôi sẽ kiến nghị rõ ràng cho một chính sách lớn dành cho công nhân trong các KCN.

Ông Nguyễn Mạnh Hà - Phó Chủ tịch Hiệp Hội BĐS Việt Nam: Vấn đề nhà ở công nhân không phải mới, tôi đồng ý với ý kiến của anh Nghĩa, chúng ta cần có chính sách mạnh mẽ hơn.

Năm 2018, Nhà nước đã có kế hoạch phát triển nhà ở xã hội (nhà công nhân viên chức, nhà công nhân và nhà sinh viên) - hỗ trợ giải quyết nhu cầu nhà ở lớn. Tuy nhiên đó mới chỉ là một phần của khó khăn. Theo tôi, điều khó khăn nhất hiện nay như ông Đạt nói, khách hàng là công nhận hiện có thu nhập thấp, chưa thể đáp ứng được.

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Nếu để giảm giá thành đầu tư, sẽ cần tăng nguồn cung. Tôi nghĩ rằng hiện nay chúng ta đã có các DN phát triển KCN chuyên đầu tư nhà ở. Tuy nhiên 80% lại là những DN địa phương nhỏ lẻ, xây dựng khu nhà ở cho công nhân nhưng điều kiện nhà ở chưa được tốt. Chính phủ cần quy hoạch lại các khu vực để xây dựng được mô hình nhà ở cho công nhân phù hợp. Một trong những biện pháp bên ngoài việc nhà nước đầu tư, cần học tập, phát triển nhà công nhân theo mô hình condotel du lịch hiện nay.

Có thể bạn quan tâm

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam 2024 đạt 6,9%

VNDirect đã nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam từ 6,7% lên 6,9%, đồng thời cho rằng GDP quý 4/2024 sẽ tăng 7,1%. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra kịch bản lạc quan GDP của Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 6,9% trong năm 2025...

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

VACOD-HBA thúc đẩy “nâng tầm” doanh nghiệp về kế toán, kiểm toán, AI

TS Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch VACOD-HBA mong muốn các doanh nghiệp không chỉ phát huy bản lĩnh, tinh thần vượt khó của “những người lính thời bình”, nắm bắt công nghệ mới, không ngừng học hỏi để giúp phát triển doanh nghiệp bền vững, mà còn xây dựng thành công văn hoá kinh doanh trong doanh nghiệp...