Mở đầu lễ kỷ niệm, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá, lực lượng doanh nhân Việt Nam ngày càng lớn mạnh, phát triển liên tục cả về chất lượng và số lượng; đã hình thành một số thương hiệu lớn và trở thành bạn hàng uy tín đối với đối tác quốc tế. Doanh nhân luôn là lực lượng đi đầu trên mặt trận kinh tế, đóng góp chủ yếu vào nguồn thu ngân sách cũng như tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề trên diện rộng, nhiều đơn vị suy giảm hoạt động sản xuất kinh doanh, đứng trước rủi ro trong khi dịch Covid-19 chưa có dấu hiệu kết thúc trên toàn cầu.
Trong bối cảnh đó, không ít doanh nhân vẫn đứng vững, chủ động duy trì hoạt động kinh doanh, bảo vệ người lao động. Sự chèo lái và bản lĩnh của doanh nhân đã giúp ổn định bức tranh doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội.
“Những chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, trước tác động của những công cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP, EVFTA…, cuộc Cách mạng Công nghệ Số, chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch và những diễn biến bất thường về địa chính trị, biến đổi khí hậu và dịch bệnh đang đòi hỏi cấu trúc chiến lược và quản trị của cộng đồng doanh nghiệp Việt phải thay đổi”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá.
“Chúng tôi đề nghị Đảng và Nhà nước có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám bứt phá vì lợi ích chung, chúng ta cần tôn vinh những người dám phá rào vì đất nước", ông Lộc nhấn mạnh.
“Các Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ qua đã xác lập một hệ thống chủ trương chính sách khá đồng bộ cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nhân. Nhưng còn một chủ trương chính sách mà chúng tôi thiết nghĩ rất cần sự quan tâm của Đảng đó là chủ trương chính sách đối với sự phát triển của các hộ kinh doanh cá thể - chiếc nôi của tinh thần khởi nghiệp, nơi sinh kế của hàng chục triệu con người, nơi tạo ra 30% GDP của nền kinh tế, lực lượng chiếm tới 88% tổng số chủ thể kinh doanh ở nước ta. Rất cần một khung khổ pháp lý bình đẳng, minh bạch định vị và làm rõ vai trò và chính sách phát triển của khu vực này trong nền kinh tế đổi mới và hội nhập, phát triển bền vững và bao trùm ở nước ta”, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc tiếp tục nhấn mạnh.
Tiếp theo chương trình kỷ niệm là cuộc đối thoại “Đảng với doanh nhân” với chủ đề “Trách nhiệm của doanh nhân xây dựng đất nước hùng cường - Kiến nghị với Đảng và kỳ vọng của doanh nhân vào Đại hội lần thứ XIII của Đảng”.
Điều phối phiên Đối thoại này, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI mong muốn các đại diện Hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ về câu chuyện, vai trò và khát vọng của doanh nghiệp nhất là trong bối cảnh hiện nay.
Là người mở đầu phiên đối thoại, doanh nhân Nguyễn Thị Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Lào Cai, Giám đốc Công ty Minh Đức cho biết, công ty ra đời trong hoàn cảnh thiếu thốn với số vốn nhỏ nhoi và hành trang khiêm tốn với muôn vàn khó khăn, thử thách.
Xuất phát điểm từ nghề xây dựng, Công ty Minh Đức đã nhận làm từ những công trình nhỏ nhất, nhưng đều đảm bảo chất lượng, tạo được uy tín và niềm tin cho đối tác, khách hàng. Dần dần, công ty đã trúng thầu và tham gia thi công nhiều dự án giao thông trọng điểm của tỉnh và quốc gia… Công ty luôn thực hiện đúng tiến độ, các công trình đảm bảo kỹ thuật, mỹ thuật, khi bàn giao đều được chủ đầu tư đánh giá cao.
Ông Nguyễn Mạnh Thản - Chủ tịch HH DN tỉnh Phú Thọ cho biết, trong quá trình 75 năm, Đảng và Nhà nước đã có nhiều lần thay đổi về cơ chế chính sách và đội ngũ doanh nhân doanh nghiệp vất vả ngoi ngóp trật vật mới có được ngày hôm nay. Thế nhưng bên cạnh thành công của một số doanh nghiệp Việt Nam thì chúng ta còn rất khó khăn. Cùng với việc thế giới thay đổi thất thường theo chiều hướng không có lợi cho Việt Nam nhưng yêu cầu của chúng ta là vẫn phải tiếp tục phát triển bằng cách tái cấu trúc lại, thay đổi thị trường sản phẩm cho phù hợp.
Để giải quyết những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp doanh nhân, ông Thản đề nghị Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm tới thể chế. “Hiện nay các văn bản luật và dưới luật đã lạc hậu chưa đổi mới kịp với yêu cầu thực tế của cuộc sống gây tác động không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân không muốn phát triển quy mô và chất lượng của doanh nghiệp mình nữa” – ông nói.
Ông Phạm Đình Đoàn - Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Gia đình Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái mong muốn thông qua Diễn đàn hôm nay gửi một thông điệp Đảng và Chính phủ cần phải tin vào cộng đồng doanh nhân Việt Nam, bởi sức chịu đựng của doanh nhân Việt Nam rất lớn. “Chúng ta có sức chịu đựng, có tham vọng, có quyết tâm, kể cả những thời kỳ chiến tranh khốc liệt chúng ta vẫn vượt qua được” – ông Đoàn nói.
Chia sẻ với các doanh nhân, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho biết, việc tăng tốc trong cải cách thể chế đang là yêu cầu quan trọng bậc nhất hiện nay. Mục tiêu đưa ra năm 2020 nằm trong 3 nền kinh tế có năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Nhưng hiện nay chúng ta đang đứng thứ 5, thứ 7 có nghĩa chúng ta đã chuyển động nhưng thế giới còn chuyển động nhanh hơn.
Ông Nguyễn Đức Cây - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư phát triển nhà Constrexim cho biết có hai nội dung chính muốn kiến nghị với Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân có điều kiện phát triển một cách toàn diện.
Thứ nhất, về cơ chế chính sách đề nghị Đảng đặc biệt phải quan tâm đến sự đồng bộ về việc ban hành các cơ chế, chính sách các thể chế quản lý sớm loại bỏ tình trạng các thông tư, nghị định của các Bộ, ngành chồng chéo lên nhau làm cho hệ thống kinh tế của chúng ta nói chung và hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp, doanh nhân.
Thứ hai, mong Đảng và Nhà nước bằng mọi biện pháp xử lý một cách triệt để tình trạng gây phiền hà, gây khó khăn, tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền từ Trung Ương đến địa phương.
Kết luận tại Chương trình, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng cần một hệ sinh thái chuẩn mực, một hệ thống thể chế chuẩn mực cho một thế hệ doanh nhân chuẩn hóa chúng ta mới có thể xây dựng và phát triển một đất nước hùng cường.
TS Lộc cũng bày tỏ, hiện nay nỗi lo kế cận, xung đột của của một thế hệ được đào tạo chuẩn hóa với một môi trường kinh doanh còn chưa thực sự minh bạch. Nỗi lo xung đột giữa thế hệ mẹ cha với thế hệ kế nghiệp con cái. Vậy làm thế nào để xử lý hài hòa được thế hệ kế nghiệp với môi trường kinh doanh, thế hệ kế nghiệp với thế hệ mẹ cha đấy là một thách thức và là bài toán cho câu lạc bộ kế nghiệp gia đình cần giải quyết.
“Chúng ta đã quyết định tham gia những cuộc hội nhập đỉnh cao như CPTPP hay EVFTA cũng như chuẩn hội nhập, kinh doanh hàng đầu thế giới. Vấn đề bây giờ là làm thế nào để chuyển nghị quyết của Đảng vào cuộc sống và làm sao việc chuẩn hóa thể chế không chỉ dừng ở cơ chế chính sách mà dừng ở hành vi của từng cán bộ công chức, doanh nhân ở mỗi cấp? Làm thế nào để trở thành việc làm của tất cả mọi người. Và chỉ có cách đó chúng ta mới thành công. Muốn biết rằng đất nước ta sẽ thành hay bại trong công cuộc sánh vai với các nền kinh tế toàn cầu thì hãy nhìn vào đôi mắt của thế hệ kế nghiệp chúng ta. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công”, TS Lộc một lần nữa nhấn mạnh.