Với sự tham gia của khoảng hơn 500 đại biểu đại diện khu vực công và tư, các CEO, đại diện các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đến từ 21 nền kinh tế APEC, Diễn đàn đã góp phần làm cho mối quan hệ đối tác giữa Chính phủ và khu vực tư nhân ngày càng khăng khít hơn. Khu vực tư nhân ngày càng có cơ hội được bày tỏ, chia sẻ về những khó khăn, thách thức, đề xuất nhu cầu, nguyện vọng lên Chính phủ. Đồng thời đây cũng là dịp để Chính phủ của các nền kinh tế APEC được lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng chung của khu vực tư nhân, cùng với khu vực tư nhân bàn cách tháo gỡ, nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ.
Tham dự diễn đàn có bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam; ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương Binh và Xã hội Việt Nam, Chủ tịch Diễn đàn Phụ nữ và Kinh tế APEC 2017; TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam/VCCI, Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC 2017; bà Phumzile Mlambo-Ngcuka - Giám đốc điều hành Cơ quan Phụ nữ của LHQ/UN Women; bà Virginia B.Foote - Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành, Bay Global Strategies; bà Victoria Kwakwa - Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á và Thái Bình Dương; bà Andrea M. Ewart, Esq - Chủ tịch, Tổ chức Phụ nữ trong Thương mại Quốc tế - OWIT (tbc); bà Irene Natividad - Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu, bà Pacita U.Juan - Chủ tịch Mạng lưới Doanh nhân nữ ASEAN (AWEN), Philipines; Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Cố vấn cao cấp của Ủy ban Quốc gia APEC 2017, bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC)...
“Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017: Phụ nữ là doanh nhân” được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các doanh nhân nữ trong khu vực APEC thảo luận cùng lãnh đạo các nền kinh tế về những giải pháp nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ; thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội cho phụ nữ; thúc đẩy và hỗ trợ doanh nhân nữ hội nhập và tham gia đầy đủ vào thị trường toàn cầu trong kỷ nguyên số. Các doanh nhân nữ cũng sẽ cùng trao đổi với lãnh đạo các tổ chức, diễn đàn quốc tế liên quan về định hướng hợp tác trong vấn đề nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ tại châu Á – Thái Bình Dương cũng như các khu vực khác trên thế giới. Diễn đàn sẽ đưa ra những khuyến nghị chính sách, nhân rộng những điển hình, kinh nghiệm thành công nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Kết quả của Đối thoại công – tư năm nay với chủ đề “Diễn đàn Doanh nhân nữ APEC 2017: Phụ nữ là doanh nhân”. sẽ được trình lên các Bộ trưởng tại Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế ngày 29/9/2017.
Phát biểu khai mạc diễn đàn, ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương Binh và Xã hội, Chủ tịch đối ngoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế APEC năm 2017 cho hay, APEC hiện có khoảng 600 triệu phụ nữ tham gia lực lượng lao động, với hơn 60% ở khu vực chính thức, đây là nguồn lực và động lực dồi dào cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, việc tăng cường quyền năng cho phụ nữ và thúc đẩy sự hội nhập đầy đủ của phụ nữ trong nền kinh tế đã trở thành một nội dung nghị sự lớn của khu vực.
Bộ trưởng cho biết thêm, đối thoại công - tư về Phụ nữ và Kinh tế, là một trong ba sự kiện chính của Diễn đàn thường niên về Phụ nữ và Kinh tế APEC, vừa thể hiện sự công nhận của các nhà Lãnh đạo APEC đối với vị trí và những đóng góp to lớn của phụ nữ; vừa là sự coi trọng vai trò, sức ảnh hưởng của khu vực kinh tế tư nhân trong phát triển bao trùm.
“Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế năm nay sẽ tập trung trao đổi về các vấn đề: Tăng cường sự hội nhập về kinh tế, tài chính và xã hội của phụ nữ; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy sự phát triển của doanh nhân nữ trong kỷ nguyên số; xây dựng tầm nhìn về nâng cao quyền năng kinh tế của phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế trong khu vực APEC và trên thế giới” – Bộ trưởng nói.
Cũng theo Bộ trưởng, ở khu vực APEC hiện nay, phụ nữ tham gia ngày càng đông đảo trong lực lượng kinh doanh và làm chủ doanh nghiệp. Theo thống kê, doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ chiếm 97% trong tổng số doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa; chiếm trong khoảng từ 50 đến 80% việc làm tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương; đóng góp từ 20 đến 50% GDP trong các nền kinh tế APEC.
Tuy vậy, các doanh nghiệp này chỉ chiếm khoảng dưới 35% xuất khẩu trực tiếp. Thực tế này đòi hỏi APEC cần chú trọng hơn để phát triển về quy mô và nâng cao năng lực hội nhập khu vực cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ đích thân làm chủ.
“Để làm được điều này, chúng tôi đặt niềm tin ở các hiệp hội, tổ chức doanh nghiệp đại diện cho các doanh nhân nữ. Đó là chỗ dựa, là kênh kết nối, hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nhân nữ nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động chủ động, tự tin, hiệu quả, tham gia vào quá trình hoạch định, thực thi chính sách và hội nhập sâu rộng trong các nền kinh tế khu vực.
Chúng tôi mong muốn cộng tác với các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp và các doanh nhân nữ. Sự tham gia và tư vấn của các bạn cho các thành viên APEC có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình thảo luận về nâng cao vai trò và quyền năng của phụ nữ, nhằm đóng góp có hiệu quả vào mục tiêu tăng trưởng bao trùm, tự do hoá thương mại và đầu tư của APEC” – Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng bày tỏ, trong vai trò chủ nhà, “chúng tôi cũng đề nghị các quý vị tích cực, thẳng thắn trao đổi, tham gia vào các nội dung thảo luận, nêu lên những thách thức, kiến nghị giải pháp và đề đạt nguyện vọng”.
Theo Bộ trưởng, các ý tưởng, sáng kiến và kiến nghị của quý vị sẽ giúp định hướng chính sách của APEC trong những năm sắp tới để tạo cơ hội và điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, doanh nhân nữ, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ phát triển ngày càng lớn mạnh hơn, tham gia vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị của khu vực.
“Với niềm tin và sự kỳ vọng đó, tôi cho rằng Đối thoại công – tư về Phụ nữ và Kinh tế hôm nay sẽ là một sự kiện nổi bật, góp phần vào thành công của Đối thoại chính sách cao cấp về Phụ nữ và Kinh tế APEC2017 trongnăm APEC Việt Nam 2017 nói riêng và hợp tác APEC nói chung” – Bộ trưởng kỳ vọng.
Phát biểu khai mạc, TS Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI cho biết, dân tộc Việt Nam có truyền thống tôn trọng phụ nữ. Huyền thoại về Mẫu Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng, nở ra 100 người con trở thành Thủy tổ của dân tộc Việt Nam là một câu chuyện đẹp.
Chuyện kể rằng, khi những đứa trẻ lớn lên, Mẹ Âu Cơ mang 50 người con lên núi, Cha Lạc Long Quân đem 50 người con về Biển để khai khẩn, mở mang bờ cõi, xây dựng cơ đồ. Đây chính là cuộc phân công lao động lớn nhất trong lịch sử Việt Nam kể từ buổi sơ khai và là Bản Tuyên ngôn đầu tiên về bình đẳng giới ở Việt Nam. Việt Nam cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới có Đạo thờ Mẫu, tồn tại song hành với Đạo thờ Tổ tiên, Đạo Phật, Thiên chúa Giáo hay Đạo Giáo.v.v.
Tháng 12/2016, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, một dạng tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
“Vậy là, suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam đã ghi nhận dấu ấn trên bản đồ thế giới là một dân tộc có truyền thống coi trọng phụ nữ và theo đuổi các giá trị bình đẳng giới” – Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Từ trái qua:Bà Nguyễn Thị Tuyết Minh - Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam, Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chụp ảnh lưu niệm cùng các nữ doanh nhân
Theo người đứng đầu cộng đồng VCCI, sứ mệnh làm mẹ, làm vợ là thiên chức vĩ đại của người phụ nữ trong mỗi gia đình. Trong xã hội, nhiều phụ nữ đã làm vương, làm tướng, làm lãnh đạo, làm nhà khoa học, làm doanh nhân, trở thành anh hùng, dũng sỹ… góp phần làm rạng danh đất nước.
Riêng trong lĩnh vực kinh doanh, nhiều tổ nghề kinh doanh ở Việt Nam là phụ nữ, như tổ nghề trồng dâu, nuôi tằm, tổ nghề dệt may, tổ nghề gốm sứ… Vào giữa thế kỷ thứ XV, trước khi Cristopher Colombo tìm ra Châu Mỹ thì Bà Bùi Thị Hỷ, Bà tổ của nghề gốm sứ Việt Nam đã vượt biển mang hàng gốm sứ Việt Nam đến nhiều nước trên thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với gốm sứ từ nước Trung Hoa.
Cũng theo Chủ tịch VCCI: “Hiện nay, ở Việt Nam, bình quân cứ trong 4 người là doanh nhân thì có 1 người là phụ nữ. Trong chương trình quốc gia về bình đẳng giới, Chính phủ Việt Nam cũng đề ra mục tiêu tăng tỉ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ lên 35% vào năm 2020 và cao hơn vào những năm tiếp theo.
Mặc dù chỉ chiếm 1/4 trong tổng số doanh nhân, nhưng số nữ doanh nhân Việt Nam được Việt Nam và thế giới ghi nhận, tôn vinh thì không hề thua kém đấng mày râu. Hiện nay, ở Việt Nam có 2 tỷ phú đầu tiên do Tạp chí Forbes bình chọn thì cũng đã có 1 gương mặt nữ doanh nhân. Và trong số “Những người phụ nữ quyền lực nhất” của khu vực Châu Á Thái Bình Dương do Tạp chí Forbes bình chọn và công bố hàng năm, bao giờ cũng có sự góp mặt của các Bông hồng Vàng - doanh nhân Việt và nhiều chị đang có mặt trong khán phòng này”.
TS Vũ Tiến Lộc cho biết thêm, trong những năm qua, khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, biến đổi khó lường, thì tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ trụ vững cao hơn so với nam giới. Hiệu quả kinh doanh của chị em trên nhiều chỉ số cũng cao hơn...Doanh nghiệp do doanh nhân nữ làm chủ thường sử dụng nhiều lao động, nhất là lao động nữ cho nên có ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Doanh nhân nữ cũng ít mạo hiểm hơn, liêm chính hơn, tham gia các hoạt động từ thiện, xã hội tốt hơn. Nền kinh tế của phụ nữ “xanh” hơn.
Luật hỗ trợ DNNVV được Quốc hội Việt Nam ban hành vào giữa năm nay cũng đã quy định ưu tiên phát triển DNNVV do phụ nữ làm chủ. Các chương trình hỗ trợ doanh nhân nữ cũng đã được triển khai ở nhiều cấp, nhiều ngành…
“Tuy nhiên, việc thực hiện các chương trình, biện pháp đó còn nhiều hạn chế, hiệu quả chưa cao. Để có thể đạt được kết quả kinh doanh như đàn ông, chúng ta hiểu, phụ nữ phải nỗ lực gấp 2, gấp 3 lần. Vì vậy, tôi nghĩ, chúng ta sự cảm thông chia sẻ và hỗ trợ tiếp sức cho chị em trong việc thu hẹp sự bất lợi so với nam giới là việc cần phải có nhiều nỗ lực đồng bộ hơn” – Chủ tịch VCCI nói.
Tiềm năng của chị em trong kinh doanh là rất lớn, là mỏ vàng ròng trong các nền kinh tế nếu biết khơi dậy. Và vì vậy, trong chủ đề thảo luận của Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC và Hội nghị ABAC và cuộc đối thoại của cộng đồng kinh doanh với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế sắp tới, thì các biện pháp thúc đẩy kinh doanh của phụ nữ, phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, được xác định là những chủ đề được đặc biệt quan tâm.
Nền kinh tế thế giới đang trong quá trình tái cấu trúc dưới tác động của các cuộc cách mạng hội nhập hay cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 4 và tôi nghĩ, cần phải bổ sung cuộc cách mạng về bình đẳng giới, trao quyền năng cho phụ nữ. Chúng ta cần có các chính sách kinh tế thông minh hơn, thân thiện với phụ nữ hơn. Và tôi luôn tin rằng: womeneconomic chính là nội hàm quan trọng của các chính sách kinh tế mới.
TS Vũ Tiến Lộc cũng nhấn mạnh: “Tôi đồng tình với quan điểm: “hãy quên Trung Quốc, quên Ấn Độ, quên Internet… hãy tin vào phụ nữ. Cứu tinh của nền kinh tế thế giới trong tương lai sẽ là Phụ nữ. MSMEs và doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ sẽ là các động cơ chính, là chủ nhân của nền kinh tế thế giới trong tương lai”.
Hôm nay, trong khuôn khổ diễn đàn này, chúng ta bàn về phụ nữ và kinh tế với thông điệp “She mean Business”, tôi mong các đại biểu sẽ chia sẻ những thực tiễn tốt và những câu chuyện hay về phụ nữ làm kinh doanh trên phạm vi toàn cầu và hãy đưa ra những khuyến nghị với các nhà lãnh đạo các nền kinh tế APEC về các giải pháp phát triển doanh nghiệp doanh nhân nữ. Và cũng đề ra những biện pháp để các hiệp hội và cộng đồng doanh nhân nữ liên kết lại để hỗ trợ chị em thiết thực, có hiệu quả hơn trong một nền kinh tế sáng tạo, nhân văn, bao trùm mà APEC đang hướng tới.
Theo hướng đó, Chủ tịch VCCI đề nghị Diễn đàn Doanh nhân Nữ APEC mà chúng ta khởi động hôm nay sẽ được tổ chức thường niên và tôi cũng kêu gọi các doanh nhân nữ và hiệp hội doanh nghiệp nữ hãy thiết lập Mạng lưới Nữ doanh nhân APEC để chia sẻ, học hỏi và tương tác với nhau, cũng như để cùng chung tiếng nói tư vấn và kiến nghị với các nhà lãnh đạo, và phối hợp thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và những doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ. Thông điệp của chúng ta là “She mean Business”. Hãy dấy lên phong trào She mean Business trong các nền kinh tế APEC của chúng ta.
“Với tư cách là tổ chức đã có sáng kiến, là thành viên sáng lập và là Chủ tịch đầu tiên của Mạng lưới Doanh nhân Nữ ASEAN từ năm 2014, VCCI, Hội đồng Doanh nhân Nữ Việt Nam sẽ sẵn sàng chung tay với tất cả chị em xây dựng mạng lưới doanh nhân nữ APEC vững mạnh trong thời gian tới” – Người đứng đầu cộng đồng doanh nghiệp nhấn mạnh.
Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam nhận định, chuẩn bị bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ 21, chúng ta chứng kiến những chuyển biến nhanh chóng và sâu sắc trong cục diện thế giới và khu vực. Quá trình toàn cầu hóa, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang tạo ra những cơ hội để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế quốc tế, song cũng đặt ra không ít thách thức, khó khăn, nhất là đối với phụ nữ.
Chúng ta biết Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự về phát triển bền vững đến năm 2030, trong đó đề cao nhiệm vụ bảo đảm bình đẳng giới, đây là khuôn khổ quan trọng để thúc đẩy hợp tác và phát triển trên phạm vi toàn cầu, trong đó nâng cao vai trò và đóng góp của phụ nữ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu.
Theo Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, để nâng cao sự tham gia và đóng góp của phụ nữ nói chung và nữ doanh nhân nói riêng trong bối cảnh thế giới đang thay đổi nhanh chóng, thứ nhất, tăng cường sự tham gia và đóng góp của phụ nữ sẽ tạo ra những động lực mới để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm.
Thứ hai, yêu cầu cấp thiết là cần tăng cường sự phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính, xã hội đối với phụ nữ. Kỷ nguyên số là một bước tiến vượt bậc của nhân loại, nhưng đang đặt ra thách thức to lớn với nhiều nhóm người dân trong xã hội, trong đó đặc biệt là nguy cơ phụ nữ và trẻ em gái bị bỏ lại phía sau. Vì thế, chúng ta cần có các chính sách tận dụng các lợi thế của công nghệ thông tin trong thời đại kỹ thuật số nhằm hỗ trợ phụ nữ tiếp cận các cơ hội về nghề nghiệp, kinh doanh, quảng bá, tiếp thị sản phẩm và các cơ hội tăng cường giao lưu, kết nối mạng lưới nữ doanh nhân trong khu vực.
Thứ ba, trong bối cảnh thị trường toàn cầu và thế giới về việc làm đang có nhiều biến động, tạo ra những thách thức không nhỏ đối với các nữ doanh nhân và lực lượng lao động nữ, cần tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy nữ doanh nhân tiếp cận với vốn, tài sản, kinh nghiệm và thị trường toàn cầu, đồng thời nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.
Thứ tư, đã đến lúc cần xác định những định hướng dài hạn trong hợp tác APEC về phụ nữ, đóng góp vào các nỗ lực đẩy nhanh hoàn thành các mục tiêu của APEC (mà chúng ta gọi là mục tiêu Bô-go trong APEC) và quá trình xây dựng các tầm nhìn mới của APEC sau năm 2020.
Để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, theo Phó Chủ tịch nước, mỗi nền kinh tế cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế về bình đẳng giới nhằm tạo cơ sở phát lý và bộ máy triển khai các biện pháp nâng cao quyền năng cho phụ nữ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế có thể xây dựng các chiến lược, chính sách hỗ trợ và khuyến khích sự tham gia nhiều hơn của phụ nữ trong các lĩnh vực kinh tế, tài chính và xã hội.
“Cuối cùng, điều tôi muốn nhấn mạnh quan trọng nhất là, chỉ có tự thân phụ nữ mới có thể quyết định mình cần phải làm những gì để đáp ứng được những yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế trong bối cảnh thế giới đang thay đổi. Phụ nữ phải luôn biết, chấp nhận và dám vượt qua khó khăn, thách thức, chấp nhận khó khăn thử thách để tiến lên phía trước” – Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh.