Dính nhiều sai phạm, ACV vẫn được đề xuất giao xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Trong khi rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến dự án xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, nhưng Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị để TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) thực hiện dự án, bất chấp Công ty nà
Dính nhiều sai phạm, ACV vẫn được đề xuất giao xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Đề xuất giao ACV triển khai đầu tư không qua đấu thầu

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2/4 về việc lựa chọn Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam (ACV) xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, trả lời câu hỏi của phóng viên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ đã sử dụng tư vấn của Pháp nghiên cứu và cả tư vấn song song từ công ty của Việt Nam về việc điều chỉnh quy hoạch cảng hàng không Tân Sơn Nhất.

Liên quan đến việc chọn đơn vị nâng cấp, cải tạo nhà ga T3, ngày 26/3, Bộ Giao thông vận tải có văn bản chỉ đạo, phân tích rất nhiều phương án như đề xuất dùng vốn của ACV để xây dựng hoặc dùng vốn Ngân sách Nhà nước hoặc dùng ACV kết hợp với các đơn vị khác để đầu tư theo PPP.

"Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất giao cho ACV trên cơ sở xem xét các yếu tố liên quan. Hiện tại, Thủ tướng Chính phủ đang giao cho ACV khai thác 21 cảng hàng không trên cả nước chứ không chỉ riêng cảng hàng không này. Đơn vị quản lý khai thác từ trước đến giờ theo nhu cầu và quy hoạch phê duyệt sẽ đầu tư nhà ga. Thực tế nhiều nhà ga đã được đầu tư xây dựng trong những năm vừa qua do ACV đứng ra xây dựng, huy động nguồn vốn của doanh nghiệp. Đây là đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, kinh nghiệm trong quản lý đầu tư", ông Đông khẳng định.

Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Đông, "luật chung" của quốc tế quy định 1 cảng hàng không thì một nhà khai thác. Điều này hết sức quan trọng, nghĩa là dù có làm thêm nhà ga này kia vẫn phải có một đầu mối chứ không phải 1 cảng hàng không 2-3 đường băng, bao nhiêu cửa ra là mỗi kiểu khai thác. Còn người đầu tư thì có thể có nhiều dạng: Đầu tư tài chính, liên kết đầu tư…

Thực tế, 21 cảng hàng không không phải cảng nào cũng có lãi, nhiều năm qua chỉ có Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Phú Quốc là những cảng có lãi trong kinh doanh. Còn những cảng Điện Biên, Cà Mau và rất nhiều cảng khác đang bị lỗ, phải điều tiết chuyển từ phần lãi sang phần lỗ để điều hòa hoạt động chung của các cảng. "Đó là yếu tố để cân nhắc, so sánh và kiến nghị", ông Đông nói.

Theo ông Đông là xem xét nếu giao cho đơn vị này thực hiện sẽ thuận lợi cho việc tổ chức lập ngay dự án vì trong quá trình quản lý của ACV, khi chuyển cho Ủy ban Quản lý vốn nhà nước cũng đã có kế hoạch năm 2018 ACV nghiên cứu tiền khả thi xây dựng nhà ga T3.

Như vậy việc tổ chức xây dựng như đấu thầu, chọn nhà đầu tư sẽ được thực hiện nhanh nhất. Từ đó chúng tôi đưa ra kiến nghị để ACV làm nhà đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp nhà ga T3 Tân Sơn Nhất", Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông nói.

Bộ GTVT đề xuất giao ACV không qua đấu thầu dù có nhiều nhà đầu tư mong muốn tham gia dự án

Như vậy, với rất nhiều lập luận được đưa ra, không khó nhận ra, ACV đang là đơn vị gần như sáng giá và duy nhất được Bộ Giao thông vận tải nhắm đến để xây dựng nhà ga T3.

Trước đó, chiều ngày 19/3, báo Giao thông đã tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Cách nào đẩy nhanh tiến độ mở rộng Tân Sơn Nhất?”, với khách mời hết sức hạn chế, nhưng lại có sự xuất hiện của Chủ tịch Tập đoàn IPP Jonathan Hạnh Nguyễn là nhà đầu tư tư nhân duy nhất.

Được biết, IPP cũng là đối tác của ACV trong dự án nhà ga hành khách quốc tế tại sân bay Cam Ranh và là nhà đầu tư lớn nhất của nhà ga này. Tuy nhiên, hiện đang có ít nhất 5 nhà đầu tư quan tâm đến dự án này, IPP của “vua hàng hiệu” Jonathan Hạnh Nguyễn không phải nhà đầu tư tư nhân duy nhất. Có thể kể ra một số tập đoàn kinh tế tư nhân lớn như Vietstar, Tập đoàn FLC, IPP… cũng bày tỏ mong muốn được làm nhà đầu tư dự án nhà ga T3 tại Tân Sơn Nhất.

Nếu như dự án trên được đấu thầu công khai minh bạch chưa chắc ACV đã trúng thầu, nhất là ACV đã bị Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và nhiều dự án cản hàng không khác.

Dấu hỏi về cả năng lực và sự minh bạch của ACV

Ngày 22/1, Thanh tra Bộ Tài chính đã chính thức có kết luận về việc chấp hành pháp luật về tài chính, kế toán và thuế tại ACV. Tại kết luận trên, Thanh tra Bộ Tài chính chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV.

Đáng chú ý là sai phạm của Công ty này tại dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2 - Cảng hàng không quốc tế Nội Bài do ACV thực hiện đầu tư.

Theo đó dự án trên đã được đưa vào sử dụng từ tháng 12/2014, nhưng đến thời điểm thanh tra, ACV chưa nộp vào ngân sách nhà nước chi phí đền bù giải phóng mặt bằng số tiền hơn 291,7 tỷ đồng, tương ứng diện tích 419.702,10 m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất.

Thực tế, công tác đền bù, giải phóng mặt bằng do Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn làm chủ đầu tư từ năm 2008 và đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quyết toán kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng tại Quyết định số 9200/QĐ-UBND ngày 14/11/2017 với tổng số tiền hơn 627,2 tỷ đồng, thuộc nguồn vốn ngân sách nhà nước, trong đó: Phần diện tích Nhà ga hành khách quốc tế T2 là 527,1 tỷ đồng; diện tích khu xăng dầu và trạm xử lý nước thải là hơn 89,8 tỷ đồng và diện tích đất 1,5 ha là 10,3 tỷ đồng.

Đối với dự án xây dựng Nhà ga hành khách quốc tế T2, tại kết luận thanh tra, Thanh tra Bộ Tài chính đưa ra kiến nghị Tổng công ty ACV nộp vào ngân sách nhà nước số tiền 297.723.260.711 đồng, tương ứng với phần diện tích 419.702,10 m2 đất giao không thu tiền sử dụng đất, trên cơ sở bản vẽ thực địa khu nhà ga T2 – Nội Bài do Sở Tài nguyên môi trường xác nhận.

 Tại thời điểm thanh tra, ACV chưa nộp vào ngân sách nhà nước chi phí đền bù giải phóng mặt bằng số tiền hơn 291,7 tỷ đồng

Ngoài ra, quá trình thanh tra đã phát hiện hai trong số năm doanh nghiệp nhà nước được thanh tra hạch toán chưa đúng chi phí khấu hao tài sản cố định năm 2017 số tiền hơn 6,1 tỷ đồng.

Trong đó, chỉ riêng ACV chiếm hơn 5,5 tỷ đồng của 20 tài sản cố định hữu hình. Nguyên nhân là do ACV xác định thời gian khấu hao tài sản cố định của nhà ga VIP, máy móc thiết bị… không nằm trong khung khấu hao theo quy định tại Thông tư 45/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.

Kết luận thanh tra cũng chỉ rõ, trong công tác lập, thẩm định phê duyệt dự toán giá một số loại vật liệu và chi phí nhân công, các dự án nêu trên thực hiện chưa đúng số tiền hơn 12 tỷ đồng.

Cụ thể, dự án “Mở rộng sân đỗ máy bay khu 19,79 ha đất quân sự bàn giao tại cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất”, dự toán tính tăng không đúng số tiền là 4,9 tỷ đồng; dự án nâng cấp sân bay đỗ máy bay trước Nhà ga Quốc tế - Cảng HKQT Đà Nẵng dự toán tăng chưa đúng số tiền hơn 345,8 triệu đồng; dự án đầu tư xây dựng Hệ thống đường lăn và mở rộng sân đỗ máy bay - Cảng HKQT Phú Quốc dự toán tính tăng chưa đúng số tiền hơn 5,7 tỷ đồng.

Trước hàng loạt sai phạm, Thanh tra Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều kiến nghị, đề nghị ACV phải nộp bổ sung vào ngân sách Nhà nước với số tiền hơn 321,8 tỷ đồng; trong đó, chênh lệch thu - chi từ hoạt động khu bay (tài sản nhà nước) số tiền hơn 24 tỷ đồng. 

Một số công ty còn kê khai thiếu số phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền hơn 297,8 tỷ đồng; trong đó, thuế giá trị gia tăng là 3,8 tỷ đồng; thuế thu nhập doanh nghiệp là hơn 2,2 tỷ đồng; tiền đền bù giải phóng mặt bằng là 291,7 tỷ đồng. Đồng thời, Chủ tịch hội đồng quản trị, Tổng giám đốc ACV; Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc công ty được thanh tra tổ chức thực hiện các kiến nghị và các biên bản thanh tra, gửi báo cáo kết quả về Thanh tra Bộ Tài chính trước ngày 31/3.

Trước rất nhiều sai phạm hàng loạt sai phạm trong quá trình hoạt động, kinh doanh của ACV vừa được Bộ Tài chính chỉ ra, thì việc đề xuất giao cho Tổng Công ty này thực hiện dự án xây dựng Nhà ga T3 Tân Sơn Nhất của Bộ Giao thông có quá vội vàng? Và nếu xảy ra sai phạm như nhiều dự án kể trên thì ai nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...