Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 2 trên thế giới, được giới thiệu là nơi huy động vốn cho hàng nghìn doanh nghiệp với tổng vốn hóa 10.100 tỷ USD
Công ty cổ phần VNG vừa ký thỏa thuận sơ bộ với nhà điều hành sàn Nasdaq (Mỹ) về khả năng chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và niêm yết tại sàn chứng khoán lớn thứ 2 thế giới, xét về giá trị vốn hóa. Theo thỏa thuận được ký bên lề chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, phía Nasdaq sẽ hỗ trợ cho VNG trong việc chuẩn bị kế hoạch, đưa công ty này trở thành doanh nghiệp đầu tiên có đăng ký kinh doanh tại Việt Nam được niêm yết ở nước ngoài.
Trước đó một ngày (28/5), CEO hãng hàng không Vietjet - bà Nguyễn Thị Phương Thảo cũng chia sẻ với Bloomberg mong muốn tương tự về việc trở thành doanh nghiệp đầu tiên niêm yết bên ngoài thị trường Việt Nam. "Một số sàn giao dịch như London, Hong Kong hay Singapore đã tìm đến chúng tôi. Họ đều khá hứng thú với cổ phiếu VietJet", bà Thảo cho biết.
Với mục tiêu tiếp cận thị trường vốn khổng lồ trên thế giới, VNG và Vietjet Air không phải là những doanh nghiệp đầu tiên có ý định niêm yết ở nước ngoài. Trước đó, một số tập đoàn lớn như Vinamilk, Vingroup, Hoàng Anh Gia Lai hay FLC cũng từng công bố kế hoạch tương tự tại Singapore, London hay Hong Kong (Trung Quốc)... song hiện chưa thể hiện thực hóa vì nhiều lý do khách quan và chủ quan.
Một trường hợp khác là Cavico Corporation - doanh nghiệp hoạt động chủ yếu tại Việt Nam nhưng đăng ký và có trụ sở tại Mỹ - từng lên sàn Nasdaq trong khoảng 2 năm. Đến năm 2011, đơn vị này đã bị hủy niêm yết do công bố báo cáo tài chính không đúng hạn và thị giá của cổ phiếu CAVO giảm xuống dưới 1 USD trong thời gian dài.
Trao đổi với VnExpress, bà Tạ Thị Thanh Bình - Vụ trưởng Phát triển thị trường (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước) cho biết, sau khi có Nghị định 58/2012 và Nghị định 60/2015, việc chào bán và niêm yết chứng khoán của doanh nghiệp ở nước ngoài về cơ bản đã có hành lang pháp lý rõ ràng.
Như trường hợp của VNG, việc IPO sẽ cần 3 yếu tố chính là quyết định của Đại hội đồng cổ đông, công ty đáp ứng các quy định về chào bán cổ phiếu lần đầu tại Mỹ và được sự chấp thuận của các cơ quan Nhà nước. Còn để niêm yết, điều kiện bao gồm thêm việc lưu ký và tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa.
Sàn Nasdaq hiện có gần 3.200 cổ phiếu giao dịch, thuộc 3 lĩnh vực chính là công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe và tài chính. Trong số này có 112 cổ phiếu từ các doanh nghiệp của châu Á, chủ yếu từ Trung Quốc (gồm cả Đài Loan, Hong Kong) và Singapore. |
Với sàn Nasdaq, các doanh nghiệp không những phải đáp ứng yêu cầu về doanh thu, lợi nhuận, thanh khoản cổ phiếu... mà còn cả những yếu tố khác như dòng tiền, số lượng cổ đông, quy mô vốn. Các chỉ tiêu này được phân thành 2 hợp phần về tài chính (financial requirements) và thanh khoản (liquidity requirements).
Riêng về tài chính, Nasdaq đưa ra 4 bộ tiêu chí về thu nhập, dòng tiền, vốn hóa và tài sản (doanh nghiệp phải đáp ứng tất cả các yêu cầu của 1 trong 4 bộ tiêu chí). Đơn cử, tổng thu nhập trước thuế của doanh nghiệp trong 3 năm tài chính gần nhất phải đạt từ 11 triệu USD trở lên, không có năm nào ghi nhận kết quả âm và lợi nhuận của 2 trong số 3 năm xem xét phải lớn hơn 2,2 triệu USD.
Dù vậy, theo các chuyên gia, điều kiện để niêm yết cổ phiếu có thể chưa phải là yếu tố khó khăn nhất của sàn giao dịch có vốn hóa hơn 10.000 tỷ USD. Chia sẻ với VnExpress, ông Bùi Nguyên Khoa - Trưởng nhóm Vĩ mô thị trường Công ty Chứng khoán BIDV cho rằng, vướng mắc với những doanh nghiệp Việt Nam khi ra thị trường quốc tế không phải là điều kiện niêm yết mà chủ yếu là những vấn đề phát sinh sau đó. Từ sự khác biệt giữa chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) với chuẩn mực kế toán quốc tế (IFRS), vấn đề chi trả cổ tức liên quan đến ngoại hối, cho đến các quy chuẩn về quản trị...
Như việc quản trị doanh nghiệp, Nasdaq đã đưa ra 12 bộ quy định với những tiêu chuẩn được đánh giá là cao nhất, từ việc công bố các báo cáo tới cổ đông, lượng thành viên hội đồng quản trị và thành viên điều hành độc lập, cho tới các quyền của cổ đông...
Với VNG, theo báo cáo tài chính năm 2016, doanh nghiệp này đạt 676 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tổng lợi nhuận trước thuế trong 3 năm gần nhất đạt trên 1.240 tỷ đồng, tương đương khoảng 55 triệu USD - đáp ứng được các tiêu chuẩn về tài chính. Tuy nhiên, VNG chưa niêm yết tại thị trường chứng khoán nên các quy định về thanh khoản và vốn hóa vẫn là một yếu tố cần xem xét. Bên cạnh đó, với những nhà đầu tư, việc tìm hiểu các số liệu tài chính của VNG hiện cũng khá khó khăn với các nội dung được công bố trên website doanh nghiệp.
Theo số liệu từ Cổng thông tin doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), cập nhật đến ngày 24/3/2017, VNG có vốn điều lệ gần 331 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư nước ngoài sở hữu gần 45%. Ngoài ra, khoảng 20% vốn đang do chính doanh nghiệp nắm giữ dưới dạng cổ phiếu quỹ (không có quyền biểu quyết).
Số liệu trong hệ thống Thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng ghi nhận các cổ đông sáng lập của công ty sở hữu từ 0,15 tới 1,05% vốn điều lệ, trong đó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc - Lê Hồng Minh có 262.500 cổ phần, tương đương 1,05%. Tuy nhiên, tại báo cáo thường niên 2016 được VNG gửi tới Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, tỷ lệ này được cập nhật là 17,07%.
Theo Minh Sơn/Vnexpress
>> Không phải Vietjet, VNG mới là công ty Việt Nam đầu tiên sẽ niêm yết tại Mỹ?