Doanh nghiệp FDI bức tử người nuôi tôm

Mục tiêu xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD sẽ không còn nhiều ý nghĩa, nếu phần lớn lợi nhuận từ con tôm tiếp tục rơi vào túi các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho tôm, trong khi người nuôi vẫn trong cảnh b
Doanh nghiệp FDI bức tử người nuôi tôm

Chiếm tới 2/3 chi phí sản xuất tôm, giá thức ăn quá cao đang khiến người nuôi trở thành kẻ làm thuê, bán sức lao động rẻ mạt cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn cho tôm, bởi sau mỗi kỳ thu hoạch, tiền tỷ bán tôm cũng chỉ đủ… trả nợ.

Người nuôi phá sản, đại lý giàu to

Từng bỏ tiền tỷ đầu tư vào tôm, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy sản Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) cho hay, năm nay, ông đã nghỉ nuôi sau khi mất trắng 5 tỷ đồng vào năm ngoái.

Nuôi tôm mừng tính theo ngày, nhưng lo thì tính từng giờ, bởi từ khi tôm xuất hiện bệnh đến khi chết trắng ao chỉ trong vòng một tiếng. Nuôi tôm nếu được 60 - 70 ngày mới tính đến chuyện có lời, nuôi 30 ngày may lắm mới chỉ đủ trả tiền thức ăn cho đại lý, nếu như dịch bệnh thì mất trắng”, ông Hải nói.

Hơn 40 năm gắn bó với con tôm, con cá, ông Hải cho hay, giá thức ăn quá cao và qua nhiều cấp trung gian, khiến người nuôi tôm trở thành kẻ “làm giúp” cho các đại lý thức ăn. Trong khi thức ăn chăn nuôi thường chỉ có đại lý cấp 1, cấp 2, thì riêng với thức ăn tôm, đại lý trung gian có thể lên tới 3, 4 cấp. Giá thức ăn tôm ở nhà máy chỉ khoảng 22.000 đồng/kg, song khi xuống đến đại lý cấp 3, cấp 4, giá bị đội lên hơn 30.000 đồng/kg.

“Ở Đồng bằng sông Cửu Long, người nuôi tôm vẫn nghèo, trong khi đa phần đại lý và nhà máy thức ăn tôm thì sắm nhà lầu, xe hơi. Nông dân mỗi ngày làm từ 4 giờ sáng tới 10 giờ đêm, nhưng được mùa thì mất giá, thất mùa cũng mất giá, chỉ có doanh nghiệp sản xuất thức ăn là sống khỏe. Làm mà buồn, sức lao động của người nông dân sao mà rẻ rúng quá vậy”, ông Hải chua xót nói.

Câu chuyện doanh nghiệp thức ăn tôm - chủ yếu là doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) - mạnh tay chi hoa hồng cho đại lý, đẩy giá lên cao, kiếm bộn tiền trên lưng người nuôi tôm đã được cơ quan chức năng xác nhận. Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) thừa nhận, kết quả thanh tra liên ngành của 5 bộ thực hiện trong năm 2016 cho thấy, tiền chiết khấu, hoa hồng của các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản lên tới 30%. Ngoài khoản hoa hồng hậu hĩnh, nhiều đại lý còn được công ty tặng thưởng ô tô tiền tỷ.

Bán rẻ sức lao động, chấp nhận ô nhiễm môi trường, hao tổn tài nguyên để nuôi béo doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn tôm, song người nuôi đang ở trong cuộc chơi thiếu công bằng. Hai năm nay, giá nguyên liệu sản xuất thức ăn tôm như ngô, bột mỳ, đậu tương, bột cá… giảm mạnh, song giá thức ăn tôm trong nước vẫn chưa từng hạ nhiệt. Thay vì giảm giá bán ra, các công ty thức ăn lại tăng chiết khấu cho các đại lý.

Đây cũng là lý do khiến giá tôm khởi sắc, song người nuôi không mấy mặn mà thả giống. Năm 2014, xuất khẩu tôm của cả nước đã đạt trên 4 tỷ USD, nhưng 2 năm qua tụt xuống chỉ còn khoảng 3 tỷ USD/năm.

“Lợi nhuận ngành tôm rơi hết vào túi mấy doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn, còn người nuôi may lắm chỉ lấy công làm lãi”, PGS-TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA) khẳng định.

Không chỉ vét gần hết lợi nhuận của người nuôi tôm, giá thức ăn chăn nuôi cao cũng khiến xuất khẩu tôm của nước ta chật vật hơn do giá xuất khẩu cao hơn 1 - 2 USD/kg so với các nước đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia.

Sự thao túng mang tên FDI

Diện tích nuôi tôm hiện nay của cả nước khoảng 700.000 ha, với sản lượng tôm gần 660.000 tấn. Với sản lượng này, nhu cầu thức ăn tôm trên thị trường lên tới 700.000 - 800.000 tấn, tương đương trị giá khoảng 1 tỷ USD.

Nếu thực hiện mục tiêu nâng xuất khẩu tôm lên 10 tỷ USD vào năm 2025 (gấp 3 lần hiện nay), thì nhu cầu thức ăn có thể lên tới 2,1 - 2,4 triệu tấn, tương ứng khoảng 3 tỷ USD. Thế nhưng, thị trường rộng lớn và béo bở hàng tỷ USD này lại đang nằm trọn trong tay doanh nghiệp FDI.

Do nắm gần như 100% thị phần, các doanh nghiệp FDI có rất nhiều “bài” để thao túng thị trường, bắt tay nâng giá, thế nhưng người nuôi tôm vẫn phải cắn răng chấp nhận vì không còn lựa chọn nào khác.

Được biết, hầu hết các tập đoàn sản xuất thức ăn tôm lớn trên thế giới đều có mặt tại nước ta. Trong đó, chiếm số lượng nhiều nhất và có thị phần lớn nhất là các doanh nghiệp đến từ Đài Loan và Trung Quốc, như Grobest, Uni President, Dinh dưỡng Á Châu, Thăng Long, Tongwei, Hoa Chen, Việt Hoa, Thiên Bang… Ngoài ra, còn có các doanh nghiệp đến từ Thái Lan (CP), Hàn Quốc (CJ Master), Pháp (Tomboy), Mỹ (Cargill).

Riêng 4 công ty Grobest, Uni President, Tongwei và CP đã chiếm gần 80% thị phần. Thăng Long và Việt Hoa chiếm khoảng 10% thị phần. Các doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm trên 10% thị phần.

Giới chuyên gia thủy sản cho hay, các doanh nghiệp FDI sản xuất thức ăn tôm có cách làm rất bài bản khi tiếp cận thị trường Việt Nam.

Cách thứ nhất là “tấn công chiều dọc”. Theo đó, họ đầu tư và chiếm lĩnh phân khúc con giống, tiếp đến là phân khúc thức ăn, khiến người nuôi từ phụ thuộc con giống đến thức ăn (cách làm tương tự như gia cầm). Cho đến nay, các doanh nghiệp FDI đã cung cấp hàng chục tỷ con giống tôm cho thị trường Việt Nam.

Cách thứ hai là đầu tư mạnh vào dịch vụ tư vấn (cử kỹ thuật viên đến tận ao tôm tư vấn cho người dân), đầu tư mô hình trình diễn, quảng bá thương hiệu, mạnh tay chi cho đội ngũ tiếp thị, đại lý, chi hoa hồng đậm cho đại lý… để phủ sóng mạng lưới đến từng hộ gia đình.

Đơn cử, Công ty Uni President Việt Nam đầu tư 2,7 triệu USD để sản xuất tôm giống, với chiến lược kinh doanh thức ăn kết hợp với trại nuôi tôm giống và nhà máy gia công đông lạnh. Hiện Uni President Việt Nam là công ty có vốn đầu tư lớn nhất khu vực Đông Nam Á của Tập đoàn Uni President và đang tham vọng cùng với Uni President Đài Loan, Uni President Trung Quốc tạo lập thế kiềng ba chân vững mạnh trong khu vực châu Á.

Dù không công bố lợi nhuận, song việc liên tục thành lập nhà máy, mở rộng quy mô sản xuất cho thấy, các doanh nghiệp này đang sống khỏe. Số liệu công bố chính thức trên trang web của Công ty Uni President Việt Nam cho thấy, doanh thu của Công ty trong giai đoạn 2004 - 2007 tăng 30 - 60%/năm - một con số trong mơ với bất kỳ doanh nghiệp nào.

Là doanh nghiệp nội hiếm hoi trụ lại trong ngành sản xuất thức ăn tôm, ông Nguyễn Trọng Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thức ăn thủy sản TomKing cho hay: “Tỷ lệ sinh lời trong lĩnh vực thức ăn tôm rất tốt. Đặc biệt, với lợi thế vốn rẻ, nguyên liệu rẻ, dày dạn kinh nghiệm như doanh nghiệp FDI thì tỷ suất lợi nhuận càng lớn”.

Đầu tư sớm, cách làm bài bản, lại có những lợi thế riêng vô cùng lớn so với doanh nghiệp trong nước, nên không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp FDI nhanh chóng thâu tóm toàn bộ thị trường, hất cẳng hầu hết doanh nghiệp nội ra khỏi cuộc chơi. Cho đến nay, doanh nghiệp nội chỉ còn vài cái tên hiếm hoi như TomKing, Proconco (trước đây cũng là doanh nghiệp FDI).

Theo lý giải của ông Nguyễn Trọng Huy, sở dĩ doanh nghiệp FDI có thể thao túng thị trường thức ăn tôm, bởi các doanh nghiệp này có rất nhiều lợi thế so với doanh nghiệp trong nước, như dày dạn kinh nghiệm; khả năng tiếp cận nguồn vốn rẻ và dồi dào; có thương hiệu; có thể mua nguyên liệu giá rẻ; nắm được mạng lưới đại lý sâu rộng khắp cả nước do chiết khấu cao…

Tất cả những lợi thế của doanh nghiệp FDI lại là bất lợi, khó khăn với doanh nghiệp trong nước. Điều này khiến doanh nghiệp nội dần yếu thế, mất thị phần và phải nhường lại toàn bộ sân chơi cho doanh nghiệp ngoại. Khi quyền điều khiển cuộc chơi nằm hoàn toàn trong tay doanh nghiệp FDI, khả năng liên kết giá, thao túng giá, ép giá, chuyển giá, trốn thuế… là hoàn toàn có thể xảy ra. Khi đó, dù xuất khẩu tôm có đạt 10 tỷ hay 20 tỷ USD, thì phần lớn lợi nhuận của ngành tôm vẫn chảy vào túi doanh nghiệp FDI. Còn người nông dân, dù lao tâm khổ tứ, đổ mồ hôi nước mắt bên đìa tôm, song phần lợi nhuận nhận về lại quá ít ỏi.

“Thức ăn chiếm 65 - 70% giá thành tôm. Nếu khâu thức ăn mà không giải quyết được thì liệu Việt Nam có thể trở thành công xưởng tôm của thế giới?”, ông Nguyễn Trọng Huy lo lắng đặt câu hỏi.

Theo Đầu tư

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…