Doanh nghiệp nội địa muốn được ưu đãi như Samsung

Tổng Giám đốc Công ty Nhật Minh cho rằng, các doanh nghiệp nội địa cần được ưu đãi hỗ trợ như với Samsung hoặc ít nhất cũng phải bằng 50%.
Doanh nghiệp nội địa muốn được ưu đãi như Samsung

Hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của Việt Nam đều là doanh nghiệp nhỏ và vừa, nguồn lực đầu tư hạn chế khiến công nghệ thấp, sản phẩm rất khó tiếp cận vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hãn hữu doanh nghiệp nào có sản phẩm chất lượng tốt thì giá thành lại cao, không thể cạnh tranh được với nhiều nhà cung cấp nước ngoài.

Quy chuẩn chất lượng chưa rõ ràng

Từ kết quả khảo sát 194 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ chuyên sản xuất linh kiện kim loại, linh kiện điện, điện tử và linh kiện nhựa, cao su, ông Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương) nêu thực tế, số lượng doanh nghiệp nội địa cung ứng cho các công ty đa quốc gia, các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam còn rất hạn chế, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất, lắp ráp ô tô, điện tử, máy công nghiệp...

Theo chia sẻ của TS. Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu thấp, chỉ đạt 21% trong khi doanh nghiệp Thái Lan là 30%, Malaysia là 46%.

“Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không thay đổi được cách thức quản trị và đáp ứng các yêu cầu cao của nhà đầu tư nước ngoài, sẽ rất khó có được sự liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam cũng như khó có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của các công ty đa quốc gia từ Nhật Bản”, TS. Lương Văn Khôi lưu ý.

Từ phía các doanh nghiệp, trăn trở của ông Tô Văn Nhật, Giám đốc Công ty TNHH Nhựa châu Âu Xanh cho thấy, hiện doanh nghiệp đang gặp khó về đầu ra của sản phẩm khi những quy chuẩn về chất lượng và giá cả chưa rõ ràng. Vì vậy, doanh nghiệp cần sớm có một bộ phận hỗ trợ, đánh giá độc lập về chất lượng của sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, cũng như có thể đưa ra một mức giá chuẩn cho từng sản phẩm.

Riêng đối với lĩnh vực CNHT cho ngành sản xuất ô tô hiện nay, dù đã hình thành nhưng mới chỉ sản xuất được một số ít chủng loại phụ tùng đơn giản, có hàm lượng công nghệ thấp, ông Đỗ Hữu Hào, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam chỉ rõ, quy mô thị trường ô tô Việt Nam còn nhỏ trong khi số lượng doanh nghiệp lắp ráp lại quá nhiều, từ đó không đáp ứng được yêu cầu về hiệu quả kinh tế đối với việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào phát triển CNHT cho ngành sản xuất ô tô.

“Chính sách liên quan đến công nghiệp ô tô thời gian vừa qua chưa đồng bộ, đặc biệt là chính sách thuế chưa phù hợp, hay thay đổi nên chưa hỗ trợ hiệu quả việc phát triển ngành ô tô. Trong khi đó, CNHT cho sản xuất ô tô còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nhưng khả năng tài chính cũng như công nghệ của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, trình độ quản lý, trình độ khoa học công nghệ còn yếu đã khiến cho CNHT cho sản xuất ô tô khó phát triển”, ông Hào nói.

Cần lựa chọn sản phẩm chủ lực

Nhiều doanh nghiệp CNHT bày tỏ quan ngại, mặc dù muốn đầu tư để phát triển sản phẩm nhưng khâu thủ tục xin chứng nhận doanh nghiệp CNHT khá phức tạp. Bà Phan Nhật Minh, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Minh cho rằng, các doanh nghiệp nội địa cần được ưu đãi hỗ trợ như với Samsung hoặc ít nhất cũng phải bằng 50%. Ngoài ra, một số ý kiến doanh nghiệp còn cho rằng, chính sách hỗ trợ ngành CNHT hiện nay còn chưa thật sự hiệu quả, tính rủi ro cao.

Theo Chủ tịch Công ty Thăng Long TECH Nguyễn Anh Tuấn, chính sách hỗ trợ máy móc, trang thiết bị cho CNHT chưa tốt, rủi ro cao. Bản thân các doanh nghiệp CNHT khi muốn giới thiệu sản phẩm, nếu đem sản phẩm đi triển lãm tại hội chợ ở nước ngoài cũng cần ưu tiên vào những sản phẩm liên kết với các doanh nghiệp trong khối, nhằm tạo thành chuỗi cung ứng. “Doanh nghiệp CNTH cần tận dụng chuỗi giá trị để tạo ra chuỗi cung ứng, thay vì cố len vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI”, ông Tuấn chỉ rõ.

Theo TS. Lương Văn Khôi, để Việt Nam có được một chiến lược phát triển CNHT tốt, cần phải thiết kế theo một chuỗi giá trị, theo hình thức mỗi ngành 1 sản phẩm, có chính sách thu hút để doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi theo từng công đoạn của chuỗi đó, thì mức độ đóng góp của doanh nghiệp Việt Nam sẽ mạnh hơn, sẽ tác động trực tiếp tới các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Như thế, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp Việt Nam có thể sẽ giảm…

Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, để tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, qua đó phát triển công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cần lựa chọn cho được các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng nằm trong các chuỗi mà doanh nghiệp có thể tham gia.

Đồng thời, phải làm tốt 3 yếu tố, đó là sản xuất được nguồn nguyên liệu đầu vào có chất lượng; xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và phải có các cụm công nghiệp hỗ trợ, các khu phức hợp về công nghệ hỗ trợ. “Việc xây dựng các khu phức hợp về công nghiệp hỗ trợ phải là hướng ưu tiên… thậm chí phải thành lập các sàn giao dịch cho công nghiệp hỗ trợ”, TS. Nguyễn Minh Phong lưu ý.

Theo Nguyễn Quỳnh/VOV

Có thể bạn quan tâm

TS. Nguyễn Sĩ Dũng

"Khoán 10" của thế kỷ 21 và hơn thế nữa

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị "Về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia" có thể được ví như "Kkhoán 10" của thế kỷ 21, khi nó đặt nền móng cho một kỷ nguyên phát triển mới, chuyển mình mạnh mẽ của dân tộc Việt Nam...

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

Chủ tịch VACOD-HBA Nguyễn Hồng Sơn: Văn hóa trà gợi mở mối liên hệ với hoạt động kinh doanh

TS. Nguyễn Hồng Sơn gợi mở nhiều suy nghĩ về mối liên hệ giữa văn hóa trà và hoạt động kinh doanh. Thưởng thức trà là một cách để con người ta kết nối, việc đưa văn hóa trà vào Bữa sáng Doanh nhân sẽ tạo ra một không gian giao lưu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp…

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Chính sách kiểm soát giá cả: Bài học thành công từ Pháp, Singapore và thất bại của Venezuela,Zimbabwe

Kiểm soát giá cả là một công cụ quan trọng trong chính sách công, giúp điều chỉnh và ổn định giá các mặt hàng thiết yếu như thực phẩm, năng lượng và dịch vụ công. Vai trò của nó không chỉ nằm ở việc ngăn chặn sự bất ổn của thị trường mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế quý 4 năm 2024 qua các con số

Theo nhận định của Ngân hàng HSBC, năm 2024, Việt Nam có khả năng lấy lại danh hiệu "ngôi sao" với mức tăng trưởng GDP dự kiến lên đến 7% (cao nhất trong khu vực Đông Nam Á), qua đó khẳng định sự phục hồi và phát triển vượt bậc của nền kinh tế Việt Nam…