Công ty Cổ phần Đầu tư IDJ Việt Nam (mã chứng khoán: IDJ) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Mạnh Cường giữ chức Tổng Giám đốc thay ông Nguyễn Đoàn Tùng, từ ngày 14/11/2024.
Theo tìm hiểu, ông Nguyễn Mạnh Cường sinh năm 1995, có trình độ Thạc sỹ Xây dựng, bắt đầu làm Thành viên Hội đồng quản trị IDJ từ ngày 28/5/2024. Ông từng là trợ lý Ban Tổng Giám đốc tại Công ty Cổ phần Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán: API) từ năm 2022 - 2024. Ông Cường hiện còn là Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại và Du lịch Kim Bôi.
Trước đó, vào ngày 13/11, ông Nguyễn Đoàn Tùng đã có đơn xin từ nhiệm chức Tổng Giám đốc IDJ và được Hội đồng quản trị công ty thông qua việc miễn nhiệm từ ngày 14/11/2024. Ông Tùng mới được bổ nhiệm vào vị trí Tổng Giám đốc IDJ từ ngày 1/4/2024.
Ông Tùng sinh năm 1994, có trình độ Cử nhân Tài chính Ngân hàng. Ông từng là chuyên viên phân tích tại IDJ từ năm 2020-2021; Trưởng phòng Đầu tư chứng khoán Công ty Cổ phần Chứng khoán Châu Á - Thái Bình Dương (mã chứng khoán: APS) từ năm 2022đến tháng 4/2024. Đến tháng 6/2024, ông Tùng được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản trị APS.
IDJ, API và APS đều là 3 doanh nghiệp trên sàn chứng khoán thuộc nhóm APEC do ông Nguyễn Đỗ Lăng sáng lập. Vào cuối tháng 6/2023, ông Lăng đã bị khởi tố, tạm giam trong vụ án hình sự “thao túng thị trường chứng khoán” xảy ra tại nhóm Apec.
Sau biến cố trên, nhóm Apec có nhiều động thái “trẻ hoá” nhân sự chủ chốt. Trong đó, đáng chú ý là việc bà Nguyễn Đỗ Hoàng Lan (sinh năm 2001), con gái ông Nguyễn Đỗ Lăng, tham gia vào Hội đồng quản trị APS.
Về tình hình kinh doanh, lũy kế 9 tháng đầu năm 2024, Đầu tư IDJ ghi nhận 489 tỷ đồng doanh thu thuần, 88,5 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt giảm 18% và tăng 30% so với 9 tháng đầu năm 2023, tương ứng vượt 48% kế hoạch doanh thu và 70% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024.
Tuy nhiên, bức tranh tài chính không hoàn toàn tích cực khi dòng tiền kinh doanh của IDJ ghi nhận âm 62 tỷ đồng, đây được xem là "điểm nóng" trong hoạt động của IDJ. Báo cáo kiểm toán bán niên năm 2024 đã đưa ra ý kiến ngoại trừ liên quan đến một số tài sản.
Tính đến ngày 30/6/2024, IDJ có khoản cho vay quá hạn thanh toán với tổng gốc và lãi lần lượt là 522 tỷ đồng và 53 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo cho khoản vay này là cổ phần tại Công ty Cổ phần Apec Thái Nguyên và Công ty TNHH Lộc Phát Bình Thuận. Tuy nhiên, công ty chưa có động thái cụ thể để xử lý tài sản đảm bảo nhằm thu hồi nợ. Kiểm toán viên cũng không đủ cơ sở để xác định số tiền cần trích lập dự phòng cho khoản vay này.
Một vấn đề đáng chú ý khác là khoản tạm ứng cho nhân viên trị giá 209 tỷ đồng, nhằm phục vụ việc đầu tư và triển khai các dự án tiềm năng. Đến nay, khoản tiền này vẫn chưa được thu hồi đầy đủ, trong đó 104 tỷ đồng liên quan đến các nhân viên đã nghỉ việc. Kiểm toán cho biết chưa nhận được tài liệu đầy đủ để xác định tính chính xác của các khoản này.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu “họ” Apec trượt dài sau vụ việc liên quan đến nhóm ông Nguyễn Đỗ Lăng. Cả 3 mã API, APS và IDJ đều đang nằm trong diện cảnh báo, thậm chí API còn bị kiểm soát. Kết thúc phiên giao dịch ngày 18/11, mã API hiện đang ghi nhận ở mức 7.200 đồng/cổ phiếu; mã APS là 6.400 đồng/cổ phiếu; mã IDJ là 6.400 đồng/cổ phiếu.