Trong đó, đáng chú ý là đề xuất cho khu vực tư nhân tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Dự thảo nêu rõ các hình thức tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với khu vực tư nhân, bao gồm: Tiếp cận và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong khuôn khổ hạn mức tín dụng cho vay đến tổ chức tài chính, tín dụng trong nước để thực hiện các hoạt động phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi và tuân thủ quy trình cho vay của tổ chức tài chính, tín dụng.
Doanh nghiệp tư nhân tham gia với tư cách một bên góp vốn trong các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) có sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi làm vốn đầu tư của Nhà nước; Vay lại nguồn vốn ODA/Vay ưu đãi qua hệ thống ngân hàng thương mại theo phương thức ngân hàng thương mại chịu rủi ro tín dụng; Tham gia thực hiện chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản.
Về quy trình quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi đối với chương trình, Bộ Kế hoạch đưa ra 7 bước.
-Vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi
-Xây dựng và lựa chọn đề xuất chương trình, dự án
-Lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án
-Lập, thẩm định, quyết định đầu tư chương trình, dự án
-Đàm phán và ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi
-Quản lý thực hiện chương trình, dự án
-Hoàn thành, chuyển giao kết quả thực hiện chương trình, dự án
Công tác vận động vốn ODA, vốn vay ưu đãi được thực hiện thông qua đối thoại chính sách phát triển với các nhà tài trợ nước ngoài căn cứ vào Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm; Chỉ tiêu an toàn nợ công; Kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm; Chương trình quản lý nợ công 3 năm; Định hướng thu hút vốn ODA, vốn vay ưu đãi; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và quy hoạch phát triển của cả nước, của Bộ, ngành, lĩnh vực và của địa phương.