Doanh nghiệp vẫn nặng gánh kiểm tra hàng hóa

Thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu là tồn tại, vướng mắc nổi cộm nhất hiện nay, gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu...

Mỗi năm, doanh nghiệp phải gánh 1.600 - 1.700 tỷ đồng chi phí kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Tiên Giang

Nhiều đề xuất sửa đổi, bổ sung pháp luật chuyên ngành đã được đưa ra tại Hội thảo Rà soát pháp luật Việt Nam với các cam kết EVFTA về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. 

Thủ tục rườm ra, quản lý chồng chéo

Ông Phạm Thanh Bình, một chuyên gia về lĩnh vực hải quan, cho rằng, hiện còn rất nhiều bất cập trong quản lý và kiểm tra chuyên ngành. Danh mục hàng hóa thuộc diện điều chỉnh của nhiều luật chuyên ngành. Một mặt hàng như nồi cơm điện nhưng phải gánh trên mình sự điều chỉnh của 3 luật khác nhau.

“Theo tính toán của chúng tôi dựa trên số liệu thống kê của Chi cục Hải quan TP.HCM trong 6 tháng cuối năm 2015, quy ra một năm cho cả nước, chi phí kiểm tra chuyên ngành lên tới 1.600 - 1.700 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí không chính thức mà doanh nghiệp phải bỏ ra. Trong khi đó, các lô hàng qua kiểm tra phát hiện không đạt chất lượng chưa tới 1%” - ông Bình cho biết.

So sánh pháp luật trong nước với những cam kết quốc tế tại các hiệp định thương mại tự do như TPP, EVFTA, ông Bình cho biết, theo kết quả rà soát của Trung tâm WTO, hiện có 6 nội dung chưa tương thích. Trong số đó, cái nổi bật nhất là chúng ta chưa áp dụng phương pháp quản lý hiện đại, tức là chưa áp dụng quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan. Những nội dung chưa tương thích khác như đơn giản hóa thủ tục; thủ tục thực hiện có hiệu quả...

“Thời gian kiểm tra chuyên ngành trung bình là 8,2 - 19,7 ngày. Thời gian như thế là rất dài. Đằng sau thời gian còn nói lên rất nhiều vấn đề về thủ tục chuyên ngành. Điều này không chỉ dẫn đến việc chậm trễ, kéo dài thời gian lưu kho, lưu bãi..., mà còn ảnh hưởng tới cơ hội kinh doanh, tới năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, từ đó ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh quốc gia” - ông Bình nhấn mạnh. 

Cần tích hợp kiểm tra chuyên ngành

Các bộ ngành cần đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, từ thủ tục hải quan ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, tiếp nhận xử lý thông tin kiểm tra chuyên ngành... tiến tới mạng thông tin một cửa quốc gia
Theo ông Phạm Thanh Bình, nếu xét về thời gian thông quan, ¾ thủ tục ảnh hưởng tới thời gian thông quan là nằm ở pháp luật chuyên ngành. Trên thực tế, thủ tục hải quan đã được rút ngắn đi rất nhiều so với trước đây nhờ áp dụng mô hình hải quan điện tử... Thế nhưng, thủ tục hải quan dù có nhanh đến mấy, mà thủ tục chuyên ngành khác không nhanh thì vấn đề thông quan vẫn không thể giải quyết được triệt để.
Ông Bình cho biết, hiện nay Việt Nam có chỉ số thông quan ở mức khá thấp, đứng thứ 93/118 quốc gia và vùng lãnh thổ, mặc dù tăng 15 bậc so với năm 2015. Để đạt được mục tiêu mà Nghị quyết 19 đặt ra (đứng thứ 50 về chỉ số thông quan), rất cần sự tập trung nỗ lực của các bộ ngành.

Về giải pháp, ông Bình đề xuất, cần chủ động công nhận chứng nhận chất lượng của nước ngoài. Các bộ quản lý chuyên ngành phối hợp rà soát, sửa đổi danh mục hàng hóa quản lý chuyên ngành theo hướng một mặt hàng chỉ chịu điều chỉnh bởi 1 luật, do một bộ quản lý, như vậy mới khắc phục được tình trạng chồng chéo về danh mục hàng hóa chịu sự quản lý chuyên ngành.

Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan của Tổng cục Hải quan đề xuất, nên chuyển sang kiểm tra sau thông quan để giảm áp lực thông quan. Các bộ ngành cần đẩy mạnh kiểm tra chuyên ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ thông tin, từ thủ tục hải quan ngay từ khâu tiếp nhận hồ sơ, tiếp nhận xử lý thông tin kiểm tra chuyên ngành... tiến tới mạng thông tin một cửa quốc gia. Đồng quan điểm, ông Bình cho rằng, nếu áp dụng các phương pháp kiểm tra hiện đại, sẽ giảm được hầu hết lượng kiểm tra, giảm được 70 - 80% thời gian thông quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cũng lưu ý đối với những nội dung được cho là đã tương thích, nhưng cần tiếp tục nghiên cứu khoảng cách giữa quy định và việc thực thi để kịp thời có giải pháp nâng cao hiệu quả thực thi.

Theo Bích Thủy/Đấu thầu

Có thể bạn quan tâm