Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú – Nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội nhận định trong cuộc trao đổi với Thương Gia.
Thưa ông, ông nhận định thế nào về năng lực cạnh tranh của các DN Việt Nam thời gian qua?
Cho đến thời điểm này, tôi cho rằng, năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam vẫn còn yếu trong mọi khía cạnh như: Vốn - chi phí vốn, khả năng quản trị, nguồn nhân lực, tính liên kết trong kinh doanh, khả năng sáng tạo đổi mới cũng như chiến lược kinh doanh. Đây là vấn đề đã được bàn đến từ lâu.
Ông Vũ Vinh Phú |
Nguyên nhân khách quan cũng như chủ quan của vấn đề này thì đã được phân tích lâu nay. Khách quan có thể kể đến như lãi suất vay vẫn cao, chi phí logistic quá đắt đỏ (gấp 1,5 lần so với khu vực) hay các thủ tục hành chính, khả năng tiếp cận đất đai của DN vẫn còn hạn chế... Còn chủ quan thì tôi cho rằng đó chính là sự hạn chế về mặt cộng đồng DN khi chính các DN không có ý định vươn lên và hỗ trợ nhau trong kinh doanh.
Tôi lấy ví dụ điển hình là các DN bán lẻ Việt Nam. Họ không thể cạnh tranh được với các DN nước ngoài bởi vì hệ thống phân phối đang bị đứt đoạn, có quá nhiều tầng lớp trung gian. Bên cạnh đó là thực trạng nhà bán lẻ chèn ép nhà cung ứng, điển hình là chi phí trưng bày, chiết khấu sản phẩm đều ở mức cao. Tôi có thể khẳng định rằng, điều đó sẽ giết chết các nhà bán lẻ và khiến khả năng sản xuất của các DN sụt giảm, thậm chí còn có thể bị tiêu triệt. Và khi đó, DN ngoại đương nhiên sẽ tràn vào mạnh mẽ và lấn át thị trường.
“Khả năng cạnh tranh của Dn quyết định bởi 70% là yếu tố nội sinh, còn 30% là Do yếu tố bên ngoài.
Ông nói tính liên kết của DN Việt Nam với nhau còn hạn chế. Ông hãy chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này?
Vấn đề này có thể thấy rõ trong hệ thống kinh doanh của các DN bán lẻ khi quy hoạch bán lẻ chưa thật đầy đủ, thậm chí còn bị phá vỡ. Tôi chỉ đơn cử, chỉ với 700m2 tại khu vực đường Thái Thịnh, Hà Nội mà có đến 3 siêu thị tồn tại thì không thể có đầu vào tốt cho sản phẩm và càng không thể có doanh số tốt. Đây là thực trạng thể hiện rõ tính liên kết giữa sản xuất và phân phối còn yếu kém, sâu xa hơn là giữa nhà cung ứng và nhà phân phối hay nói chính xác là giữa người Việt với người Việt.
Bên lề một hội nghị về liên kết bán lẻ Việt Nam đầu tháng 12 vừa qua, hàng chục DN Việt Nam đã chia sẻ rằng, sản phẩm của họ không thể vào được hệ thống siêu thị vì chiết khấu lên đến 30% trong khi lợi nhuận có khi không thể đạt đến mức độ đó. Chia sẻ này chẳng phải phản ánh DN đang gặp khó khăn sao?
Quay lại thời điểm mấy tháng trước đây, khi giá thịt lợn Việt Nam lao dốc thê thảm thì tại một số siêu thị, giá thịt lợn vẫn không hề suy chuyển theo thị trường. Điều đó phản ảnh thêm một lần nữa về sức hỗ trợ nhau trong kinh doanh của các DN trong nước.
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, khả năng cạnh tranh của DN quyết định bởi 70% là yếu tố nội sinh, còn 30% là do yếu tố bên ngoài. Đặc biệt là với quy mô DN chủ yếu là nhỏ và vừa thì không có cách gì khác là phải hợp sức lại mới có thể nâng cao sức cạnh tranh. Một khi có mạng lưới thì DN ngoại khó lòng lấn át thị trường, đặc biệt hơn là dư địa hỗ trợ hiện nay đã không còn nhiều.
Nói riêng về ngành bán lẻ, thị trường đang có sự xuất hiện “dày đặc” của các DN nước ngoài tiêu biểu là Thái Lan khi tiến hành thâu tóm DN Việt. Theo ông, đó có phải là một xu hướng tất yếu của thị trường khi “sức khoẻ” của DN Việt không tốt?
Mua bán hay sáp nhập DN là quy luật xảy ra ở mọi thị trường trên thế giới chứ không phải là chỉ riêng tại thị trường Việt Nam nên đó là sự tất yếu. Hiện, Nguyễn Kim đã bán đến 49% cổ phần, trước đó là Fivimart cũng với 49% hay mới nhất là Tỷ phú Thái lan mua lại đến hơn 50% cổ phần của Sabeco. Quan điểm của tôi chính là kể cả khi phải bán thì chúng ta cũng phải học tập lại chính các DN đó để "mua lại".
Khoảng 20 năm trước đây, Thái lan cũng gặp phải tình trạng tương tự như Việt Nam, bị các công ty nước ngoài thi nhau thôn tính các DN Thái đơn cử như Walmart. Nhưng sau đó, Thái lan đã có sự lội dòng ngoạn mục và bằng chứng là họ đang chứng tỏ thực lực tại nước ta.
Tôi vẫn còn nhớ rất rõ ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương đã từng nói thế này: “Chúng tôi hỗ trợ các DN bán hàng nội. Nếu không có tiền thuê địa điểm hay khó khăn trong tiếp cận, mở rộng mạng lưới thì chúng tôi hỗ trợ nhưng sau đó, các DN lại bán lại cho các DN nước ngoài thì không khác gì Chính phủ hỗ trợ chính DN nước ngoài”. Cho nên, đối với tôi, câu chuyện thu mua là câu chuyện dài mà ở đó, DN Việt Nam cần phải tính toán kỹ.
Theo ông, so với các DN nước ngoài, DN Việt Nam có những ưu thế gì nổi bật hơn?
Các DN nước ngoài có kinh nghiệm lâu năm, thương hiệu lớn, tiềm lực tài chính rất mạnh và sẵn sàng chịu lỗ vài năm để tiếp tục đầu tư mở rộng chuỗi phân phối với tốc độ ngày càng nhanh hơn. Về cơ bản, họ có nguồn hàng phong phú, có chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá bán ngày càng giảm, có tính cạnh tranh cao, họ là chuỗi thu mua phân phối toàn cầu...
Xét về các mặt thì DN Việt Nam đều thua nhưng có một điểm mà tôi nhận thấy đó là chỉ có DN Việt Nam mới thật sự hiểu đầy đủ về tập quán tiêu dùng của người VN mà thôi. Nhưng chính tiêu chí đó sẽ trở thành điểm sáng của doanh nghiệp khi muốn khai thác thành công thị trường trong nước. Bên cạnh đó, cá thương nhân Việt Nam còn một chút lợi thế về mạng lưới và khách hàng thời kì trước.
“Nếu mất hệ thống phân phối thì chắc chắn sẽ mất cả nền sản xuất quốc gia.
Vậy theo ông, để tăng năng lực cạnh tranh, DN Việt Nam cần làm gì?
Tôi lấy ví dụ thế này, có những DN muốn bán hoặc đành phải bán công ty vì nhiều yếu tố nhưng vẫn vẫn có một số nhà đầu tư còn trụ vững và phát triển như SaigonCoop và Vingroup, đang rất tích cực phát triển mạnh lưới cho mình. Vậy nên tôi nghĩ rằng, DN Việt Nam vẫn có cơ hội “đảo chiều” chiến thắng.
Từ lĩnh vực bán lẻ, tôi muốn nhấn mạnh rằng, cần nhận thức đúng vai trò và tầm quan trọng của hệ thống phân phối nội địa. Nếu mất hệ thống phân phối thì chắc chắn sẽ mất cả nền sản xuất quốc gia.
Bên cạnh đó,là sự hỗ trợ từ phía Nhà nước như đầu tư hợp lý và hiệu quả, cơ sở hạ tầng cho thương mại, giảm các chi phí sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, cạnh tranh lành mạnh...
Về phía DN, tôi muốn nhấn mạnh rằng, DN nội cần liên kết với nhau, thúc đẩy kết nối dây chuyền từ sản xuất cho đến tiêu thụ và cả văn hoá phục vụ để tạo dựng niềm tin và uy tín. Đó là con đường cạnh tranh khôn ngoan và hiệu quả nhất cho các doanh nghiệp VN hiện nay và mãi mãi về sau.
Xin cảm ơn ông!
Ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch TT Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM: Tiếc khi các DN Việt dần đổi chủ Doanh nghiệp nước ngoài mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam về vốn, tiềm lực tài chính, nếu doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước cùng muốn mua một doanh nghiệp thì khả năng phần chiến thắng sẽ giành về doanh nghiệp nước ngoài. Ta có thể thấy rất rõ trường hợp doanh nghiệp Thái lan đã làm chủ công ty Metro Cash & Carry Việt Nam. Việc một số thương hiệu lớn như: bia Sài Gòn, bánh kẹo Kinh Đô,sữaVinamilk...đã bị nước ngoài “thâutóm” cho thấy một thực tế doanh nghiệp nước ngoài họ đang hướng đến các thương hiệu đã và đang phát triển, là những thương hiệu được người Việt Nam tin yêu, đang có thế mạnh... thì họ mới sẵn sàng đầu tư mua. Đối với doanh nghiệp Việt thì việc huy động nguồn vốn rất khó khăn, ngay cả những thương hiệu lớn, tuy nhiên cũng có một số doanh nghiệp họ chọn cách bán một phần nhỏ cũng có đủ một nguồn vốn rất lớn. Ta có thể thấy trường hợp của Vinasun họ đã chọn cách bán một phần nhỏ để từ đó lấy nguồn vốn đó phát triển, tiếp tục mở rộng lên. Đây cũng là quy luật của nền kinh tế thị trường, chúng ta không tránh khỏi, không chỉ Việt Nam mà các quốc gia khác trên thế giới cũng có những trường hợp tương tự như vậy. Có thể thấy ngày càng có nhiều công ty Trung Quốc sở hữu một phần hoặc toàn bộ các thương hiệu lớn có ảnh hưởng đến đời sống hằng ngày của người dân Mỹ. Tuy vậy, có lẽ không chỉ riêng tôi mà hầu hết người dân Việt Nam chúng ta chứng kiến thực tế những thương hiệu Việt dần dần bị đổi chủ như vậy đều có chung một nỗi niềm day dứt, tiếc nuối không vui. |
Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Chủ tịch thứ nhất Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch công ty Nhiệt điện An Khánh DN Việt cần liên kết và chia sẻ Ở góc độ cá nhân, tôi cho rằng trước làn sóng thâu tóm của các doanh nghiệp ngoại, doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh và trụ vững, nhưng số này chưa nhiều và họ có quan tâm, quyết tâm, mong muốn đầu tư vào lĩnh vực đang được chào bán và cổ phần hóa hay không. Tại thời điểm này, đa phần các Doanh nghiệp Việt quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực thu hồi vốn trong ngắn hạn và lợi nhuận cao như nhà hàng, khách sạn, bất động sản, khoáng sản và các dự án BT... Để có đủ sức cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại mạnh về vốn, thương hiệu, doanh nghiệp Việt phải liên doanh, liên kết, chia sẻ thế mạnh và lợi nhuận giữa các doanh nghiệp Việt với nhau và kể cả với các doanh nghiệp nước ngoài và xác định thương hiệu là sống còn, hiện tại và tương lai. Ngoài sức mạnh nội tại của doanh nghiệp, các doanh nghiệp Việt cần được hỗ trợ về pháp lý, thị trường, giải pháp cụ thể về chính sách. Về vốn Chính Phủ có thể tổ chức đấu giá công khai, chọn mức giá cao nhất. Nếu có doanh nghiệp Việt tham gia, vẫn đồng ý và cho phép, chấp nhận mức giá do doanh nghiệp Việt chào mua nhưng có thể cho phép giãn thời gian nộp tiền tùy từng trường hợp cụ thể và quy định cụ thể bằng thiết chế pháp lý. Ví dụ: Nghị quyết của Quốc Hội trong 05 năm tới, Chính Phủ cổ phần hóa đạt mức 300 nghìn tỷ trở lên. Nhưng số tiền này Chính Phủ không được sử dụng mà do Quốc hội quyết định để đầu tư cơ sở hạ tầng. Như vậy cũng phải cần một khoảng thời gian tương ứng để lập, trình, phê duyệt thực hiện nguồn vốn này. Thời gian này áp dụng cho giãn nộp tiền đối với các doanh nghiệp Việt thì các doanh nghiệp Việt mới có điều kiện và mạnh dạn tham gia và nếu thành công thì đã khắc phục được những lo lắng trước áp lực bị các doanh nghiệp nước ngoài nhòm ngó và thâu tóm. |