Bên cạnh tăng trưởng về doanh thu an toàn thông tin mạng, tỷ lệ các chủng loại sản phẩm, giải pháp an toàn thông tin mạng do doanh nghiệp Việt Nam sản xuất năm 2022 đạt 95,5%, đạt mục tiêu đề ra năm 2022.
Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá vẫn còn tồn tại không ít khó khăn trong lĩnh vực an ninh mạng.
Trong đó, cụ thể như nguồn nhân lực chuyên trách về an toàn thông tin cấp tỉnh còn thiếu, hầu hết cán bộ phụ trách, kiêm nhiệm về an toàn thông tin chưa được đào tạo chuyên sâu, chưa có nhiều kinh nghiệm thực tế trong việc rà soát đánh giá xử lý các sự cố an toàn thông tin.
Nguồn nhân lực và trình độ kỹ năng về an toàn thông tin cho công chức, viên chức chuyên trách công nghệ thông tin còn thiếu và yếu.
Bên cạnh đó là nhận thức về an toàn thông tin mạng đang còn thấp, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị chưa ý thức về công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng, đại đa số người dân còn mơ hồ về vấn đề an toàn thông tin mạng.
Ngoài ra, kinh phí đầu tư từ nguồn ngân sách cho an toàn thông tin mạng còn hạn chế. Hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước còn phân tán, chưa được quản lý và bảo đảm an toàn thông tin đồng bộ, thống nhất theo quy định.
Các nguy cơ tấn công mạng ngày càng gia tăng trong quá trình chuyển đổi số, các giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng có xu hướng không theo kịp.