Đổi biển trắng sang vàng là một sự tiến bộ của xã hội

Đây là nhận định chung của giới chuyên gia và doanh nghiệp vận tải về quy định đổi biển trắng sang vàng tại Thông tư 58/2020 mà Bộ Công an vừa ban hành.
Đổi biển trắng sang vàng là một sự tiến bộ của xã hội

Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 58/2020 quy định về quy trình cấp, thu hồi đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đường bộ. Theo đó, tại điểm Đ Khoản 6 Điều 25 của Thông tư quy định ô tô kinh doanh vận tải bao gồm xe taxi, xe công nghệ, xe khách, xe tải… phải có biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen, kể từ ngày 1/8/2020. Với các xe đã cấp biển trắng và đang hoạt động sẽ buộc phải chuyển sang biển vàng, hạn cuối vào ngày 31/12/2021.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng việc xe ô tô kinh doanh vận tải phải chuyển sang biển số màu vàng để phân biệt với ô tô không kinh doanh vận tải cần phải xem xét toàn diện dựa trên cơ sở pháp lý và thực tiễn.

"Qua tìm hiểu tôi được biết, tại Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 19/2/2019, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an: Bổ sung quy định liên quan đến đăng ký xe để đảm bảo nâng cao hơn nữa hiệu quả xử phạt vi phạm giao thông; màu biển kiểm soát xe ô tô phân biệt khác nhau giữa xe thuộc cơ quan Nhà nước, xe cá nhân, xe kinh doanh, xe không kinh doanh, xe của lực lượng vũ trang".

Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội

"Việc Chính phủ chỉ đạo như vậy xuất phát từ thực tiễn: Hiện nay, những xe ô tô tham gia kinh doanh vận tải như taxi, xe từ 4-7 chỗ ngồi ứng dụng công nghệ gọi xe kiểu Grab hay loại xe limousine cũng có biển số như xe cá nhân… Những xe này chạy trên đường rất khó phân biệt và quản lý. Vì thế, nhiều tuyến đường cấm xe taxi, xe Grab hoạt động, nhưng những xe này vẫn đi vào mà lực lượng chức năng không phát hiện được", ông Hùng nêu rõ.

"Mặt khác, lâu nay có rất nhiều xe ô tô kinh doanh vận tải hoạt động trá hình kiểu “xe dù”, “bến cóc” nhằm trốn tránh các loại thuế, phí và tùy tiện đi vào khu vực không được phép hoạt động mà chúng ta không phát hiện và quản lý được, dẫn đến gây mất trật tự vận tải, nguy cơ mất an toàn giao thông và thất thu thuế, đồng thời cạnh tranh không lành mạnh với các xe ô tô kinh doanh vận tải làm ăn chân chính", ông Hùng cho biết thêm. 

Trong khi đó, việc thực hiện việc đổi màu biển số xe ô tô kinh doanh vận tải tuy có gây một chút tốn kém, ông Hùng cho rằng vì trật tự văn minh chung của ngành vận tải và toàn xã hội thì chi phí đó là không đáng kể.

"Muốn bảo đảm tốt trật tự an toàn giao thông thì phải tăng cường công tác quản lý bằng các chế tài, giải pháp mạnh, cương quyết chứ không thể bỏ bớt các quy định cần thiết mà lại quản lý tốt được. Chúng ta chủ trương giảm các điều kiện kinh doanh không còn phù hợp với thực tế, riêng những điều kiện liên quan đến trật tự an toàn giao thông thì không thể “thả lỏng” mà ngược lại càng phải siết chặt, vì tính mạng con người là trên hết, không thể vì sự tiện lợi của một số người, một số doanh nghiệp mà gây nguy hiểm cho cả cộng động xã hội", Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội nêu quan điểm.

Thực tế trên thế giới cũng có nhiều nước quy định màu biển số riêng cho xe kinh doanh vận tải, như: Thái Lan, Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc... Chính vì vậy, ông Hùng cho rằng việc quy định màu sắc biển số của xe kinh doanh vận tải để dễ dàng phân biệt và thuận tiện trong quản lý là rất cần thiết.

"Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cần giải thích rõ cho người dân hiểu, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ xe đổi biển số. Bên cạnh đó, Nhà nước nên hỗ trợ chi phí đổi biển số trong thời gian đầu để các doanh nghiệp có nhiều xe kinh doanh vận tải bớt khó khăn và tự giác thực hiện", ông Hùng cho hay.

Đồng ý với quan điểm này, ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh, cho rằng việc đổi biển số ô tô kinh doanh vận tải là một sự tiến bộ của xã hội, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng nhiều năm qua, tạo sự công bằng cho hoạt động kinh doanh vận tải. 

"Là doanh nghiệp hoạt động trong ngành vận tải hành khách, Tập đoàn Mai Linh sẵn sàng xung phong áp dụng Thông tư 58/2020 đầu tiên và làm càng sớm càng tốt để khách hàng, người dân và các cơ quan quản lý Nhà nước nhìn doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở góc độ minh bạch, công bằng và có trách nhiệm với xã hội; Hình ảnh giữa xe cá nhân và xe kinh doanh cũng được phân biệt rõ ràng hơn", ông Hồ Huy nói. 

Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh
Ông Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT, Chủ tịch Tập đoàn Mai Linh

Về chi phí đề xuất thay đổi biển số vào khoảng 150.000 đồng/xe, ông Huy cho biết, cả nước hiện có khoảng 1,6 triệu xe ô tô kinh doanh vận tải. Nếu tính ra, tổng chi phí đổi biển số chỉ khoảngng vài trăm tỷ. Nhưng trong tương lai, Nhà nước sẽ thu về hàng nghìn tỷ đồng tiền thuế từ cá nhân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật, trách nhiệm với xã hội.

Vì vậy, theo ông Huy, Nhà nước nên nghiên cứu, xem xét đơn giản hoá các thủ tục đổi biển số cùng mức chi phí hợp lý để tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện.

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...