Đông Nam Á: 3 tâm điểm của dịch COVID-19

Singapore, Indonesia, Philippines là những quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất khu vực Đông Nam Á hiện nay.
Đông Nam Á: 3 tâm điểm của dịch COVID-19

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á ghi nhận 1.063 ca mắc COVID-19 và 50 người tử vong. Indonesia vượt qua Singapore về số ca mắc bệnh mới và tử vong trong ngày.

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23h59' ngày 18/5, các nước ASEAN có tổng cộng 69.860 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, tăng 1.063 ca so với một ngày trước.

Virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của 2.220 người dân trong khu vực, tăng 50 ca so với ngày 17/5. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công hiện là 25.521 trường hợp.

Nhìn chung, dịch COVID-19 chỉ còn diễn biến phức tạp tại 3 nước Indonesia, Singapore và Philippines; nhiều nước ASEAN bắt đầu mở cửa trở lại các hoạt động kinh tế-xã hội sau chuỗi nhiều ngày liên tiếp không có ca lây nhiễm trong cộng đồng.

Các 3 nước có số ca nhiễm vượt ngưỡng 10.000, cụ thể, Singapore có hơn 28.000 người nhiễm, hơn 22 ca tử vong; Indonesia có hơn 17.500 người nhiễm, hơn 1.100 người tử vong và Philippines có hơn 12.500 người nhiễm, hơn 820 người tử vong.

Bộ Y tế Singapore cho biết trong ngày 18/5 nước này ghi nhận 305 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 28.343. Con số ca bệnh mới thấp hơn trong ngày 18/5 một phần là do số lượng xét nghiệm được tiến hành ít hơn khi một phòng thí nghiệm tạm dừng hoạt động để xem xét lại quy trình sau sự cố hiệu chuẩn thiết bị trước đó. Phòng thí nghiệm này sẽ cần thời gian để tăng khả năng xét nghiệm.

Cũng theo cơ quan trên, hiện có 1.036 bệnh nhân đang điều trị tại Singapore, hầu hết tình hình đã cải thiện, chỉ có 12 người trong tình trạng nguy kịch được chăm sóc đặc biệt. Tổng cộng 17.450 công nhân đã bị cách ly và được chăm sóc trong các cơ sở cộng đồng. Tính đến ngày 17/5, có gần 8% công nhân nhập cư tại Singapore có kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Chính phủ Indonesia ngày 18/5 cho biết đang triển khai chương trình kích thích kinh tế trị giá 641.170 tỷ rupiah (43 tỷ USD), lớn hơn khoản tiền được công bố trước đó, nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch COVID-19 đối với các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME), cũng như các doanh nghiệp nhà nước (SOE). Với quy mô của gói kích thích trên, dự kiến, thâm hụt ngân sách năm nay sẽ tăng lên mức 6,27% tổng sản phẩm quốc nội (GDP), cao hơn so với kế hoạch ban đầu là 5,07% GDP.

Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines thông báo nước này đã ghi nhận thêm 205 ca mắc COVID-19 và 7 ca tử vong, nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại đây lên lần lượt là 12.718 và 831 ca. Ngoài ra, Philippines cũng có thêm 94 bệnh nhân hồi phục, đưa tổng số ca phục hồi ở nước này lên 2.729 người.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Philippines cho biết trên 2.400 công dân Philippines ở nước ngoài đã nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó ngày 18/5, có thêm 8 ca nhiễm mới và 2 ca tử vong. Như vậy số người Philippines tử vong vì COVID-19 ở nước ngoài là 279 ca.

Trong khi đó, Bộ Y tế Malaysia ghi nhận 47 ca mắc COVID-19 trong ngày 18/5, nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 tại nước này lên 6.941. Số ca tử vong do dịch bệnh hiện vẫn là 113 ca, không ghi nhận trường hợp tử vong mới trong ngày.

Trước việc dịch bệnh diễn biến phức tạp đặt ra nhiều thách thức cho đất nước, đặc biệt là kinh tế, Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã hối thúc các nghị sĩ đoàn kết, hợp tác hướng tới sự ổn định và tránh làm phức tạp thêm tình hình chính trị. Quốc vương cũng kêu gọi Chính phủ Malaysia tập trung vào nhiệm vụ ổn định cuộc sống và bảo đảm an toàn cho người dân, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Ngày 18/5, Thái Lan cùng ngày xác nhận 3 ca mắc COVID-19 trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á này bước vào giai đoạn 2 nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế sự lây lan của đại dịch này. Hiện tại Thái Lan có tổng cộng 3.031 ca mắc COVID-19, trong đó có 2.857 bệnh nhân đã bình phục, 118 người đang được điều trị và 56 trường hợp tử vong.

Trong khi đó, ngày 18/5, Myanmar ghi nhận 3 ca COVID-19, nâng tổng số ca bệnh lên 187 trường hợp, trong đó 97 người đã hồi phục.

Các quốc gia còn lại trong khu vực gồm Brunei, Campuchia, Timor Leste và Lào đều không ghi nhận ca nhiễm virus và tử vong nào trong ngày.

Hàn Quốc không cách ly bệnh nhân dương tính lần 2

Ngày 18/5, giới chức y tế Hàn Quốc thông báo sẽ bãi bỏ các biện pháp cách ly đối với các bệnh nhân COVID-19 có kết quả xét nghiệm dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 sau khi khỏi bệnh, do không phát hiện bất kỳ bằng chứng nào cho thấy các trường hợp này có nguy cơ lây nhiễm cho người khác.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ không sử dụng thuật ngữ "tái nhiễm" đối với người dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 không có nguy cơ lây bệnh cho người khác. Tính đến nay, Hàn Quốc đã ghi nhận 447 ca dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2, chiếm 4,5% trong tổng cộng 11.065 ca mắc COVID-19 ở nước này.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm