Trước khi bỏ phiếu tán thành dự Luật dân chủ ở cơ sở, Quốc hội cũng đã thảo luận về thành lập ban thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp.
Theo đó, nhiều ý kiến lo ngại việc thành lập ban thanh tra nhân dân ở các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp tư nhân sẽ chồng chéo lên nhiệm vụ của tổ chức công đoàn.
Sau khi thảo luận, Quốc hội quyết định vẫn thành lập ban thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay.
Tuy nhiên, luật không quy định phải thành lập ban thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
Cụ thể, đối với doanh nghiệp, tổ chức khác có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước thì thực hiện theo các quy định chung tại Chương I của Luật dân chủ ở cơ sở này; đồng thời dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật về lao động và quy định khác của pháp luật có liên quan về thực hiện dân chủ tại nơi làm việc (Điều 82).
Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Trong 5 dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp này, dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở là luật mới, lần đầu được xem xét thông qua.