Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội(mã: SHB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2018. Cụ thể, trong quý 3, thu nhập lãi thuần của SHB tăng trưởng 64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ chỉ đạt 61,2 tỷ đồng, chỉ bằng 7,2% so với số lãi kỷ lục 844,4 tỷ đồng của quý 3 năm trước.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối lãi 24,5 tỷ đồng, giảm gần 5 tỷ so với cùng kỳ năm trước.
Điểm sáng nhất là hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư có lãi 10,5 tỷ đồng trong quý 3. Và tính chung 9 tháng thì mảng này đem về 274,3 tỷ đồng, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm trước.
Lãi thuần từ hoạt động khác của quý 3 chưa đầy 4 tỷ đồng và 9 tháng lãi 33 tỷ đồng, chỉ bằng 20% so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần không đáng kể.
Trong quý 3, chi phí hoạt động tiếp tục tăng lên mức 696,5 tỷ đồng, và luỹ kế chi phí 9 tháng qua là gần 2.000 tỷ đồng, tăng 173 tỷ đồng.
Lợi nhuận thuần từ kinh doanh quý 3 đạt gần 579 tỷ đồng, và luỹ kế 9 tháng đạt 1.872 tỷ đồng, giảm 371 tỷ đồng so với năm trước.
Song do SHB tiếp tục cắt giảm một nửa số dự phòng rủi ro tín dụng trong quý 3 xuống còn 231 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế đạt 348 tỷ đồng và lãi sau thuế 278,6 tỷ đồng.
Tính chung 9 tháng, SHB cũng giảm 55% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ trích 407 tỷ đồng nên lợi nhuận trước thuế đạt 1.465 tỷ đồng và sau thuế 1.172 tỷ đồng.
So với mục tiêu 2.050 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế thì sau 3 quý kinh doanh, SHB đã hoàn thành 71,4% kế hoạch cả năm.
Tại thời điểm 30/9/2018, tổng tài sản của SHB tăng lên mức 299.697 tỷ đồng, tăng thêm gần 10 nghìn tỷ so với hồi đầu năm. Huy động tiền gửi của khách hàng đạt 219.406 tỷ đồng, tăng 12,5%.
Dư nợ cho vay khách hàng giảm 1,7% xuống còn 194.009 tỷ đồng. Số dự phòng rủi ro cuối kỳ tăng lên mức 3.020 tỷ đồng.
Về chất lượng nợ xấu, đến cuối quý 3 SHB có 5.422 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 2,75% dư nợ (tăng so với tỷ lệ nợ xấu hồi đầu năm ở mức 2,33%). Đáng chú ý, nợ nhóm 5- có nguy cơ mất vốn tăng thêm 32% lên tới 3.783 tỷ đồng.
Đáng chú ý, quy mô chứng khoán đầu tư của SHB tăng rất mạnh tới 81% so với hồi đầu năm, đạt 38.392 tỷ đồng. Và đây chính là mảng đem lại lợi nhuận đột biến cho nhà băng. Tuy vậy, ngân hàng tiếp tục phải tăng trích dự phòng rủi ro giảm giá chứng khoán đầu tư với số dư cuối kỳ lên tới 1.963 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng phải trích 122 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán sẵn sàng để bán, trích 1.840 tỷ đồng dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn.
Sau các đợt tăng vốn và sáp nhập, hiện SHB đạt vốn điều lệ 12.036 tỷ đồng. Lợi nhuận chưa phân phối đến cuối kỳ đạt 2.699 tỷ đồng.
Báo cáo quý 3 không công bố số liệu chi tiết về nợ xấu còn lại VAMC nhưng giá trị trái phiếu giữ đến ngày đáo hạn do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành của SHB là 8.647 tỷ đồng. Được biết, số trái phiếu VAMC công bố hồi giữa năm là hơn 8.119 tỷ đồng và ngân hàng đã trích lập dự phòng 2.564 tỷ đồng cho trái phiếu này.
>> SHB tiếp tục mở rộng mạng lưới, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng