Ông Bùi Anh Tuấn - Phó cục trưởng Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Thưa ông, dư luận đang rất quan tâm về nhận định mới đây là mặc dù số doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng trong thời gian qua, nhưng số doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn chiếm tỷ lệ cao. Ông bình luận thế nào về điều này?
Các doanh nghiệp thành lập năm 2015, 2016 vẫn hoạt động theo đúng quy luật thị trường. Chúng tôi phân tích theo thông tin cập nhật từ Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo năm cho thấy điều này.
Năm 2016, trong 110.100 doanh nghiệp đăng ký thành lập, 91.610 doanh nghiệp đang hoạt động. Nghĩa là tỷ lệ đang hoạt động chiếm 83,2%
Trước đó, năm 2015, trong 94.754 doanh nghiệp đăng ký thành lập còn 69.170 doanh nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ là 73%.
Riêng 10 tháng 2017, tỷ lệ này hiện đạt 97,2%.
Đây là những số liệu cụ thể, định lượng được tình hình phát triển doanh nghiệp trên phạm vi cả nước.
Đó là số doanh nghiệp còn hoạt động. Vậy sức khỏe của các doanh nghiệp có thể “nhìn thấy” được qua các số liệu trên không, thưa ông?
Thứ nhất, doanh nghiệp vẫn tiếp tục đăng ký thành lập mới, nghĩa là thị trường đang ủng hộ các kế hoạch kinh doanh của họ.
Trong 10 tháng đầu năm 2017, tình hình đăng ký doanh nghiệp tiếp tục tăng trưởng tốt so với cùng kỳ các năm. Cả nước có trên 105 nghìn doanh nghiệp (105.125 doanh nghiệp) thành lập mới với số vốn đăng ký trên 1 triệu tỷ đồng (1.021.920 tỷ đồng), tăng 14,6% về số doanh nghiệp và tăng 43,8% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.
Thứ hai, trong 10 tháng đầu năm 2017, có trên 29.000 doanh nghiệp đăng ký bổ sung vốn, với tổng số vốn đăng ký thay đổi để đưa vào thị trường là 1,4 triệu tỷ đồng (1.414.527 tỷ đồng), đạt trung bình 47,9 tỷ đồng mỗi doanh nghiệp.
Đây là những doanh nghiệp thực sự có nhu cầu đầu tư kinh doanh, mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Thứ ba, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 10 tháng 2017 là trên 22.000 doanh nghiệp, tăng 1,2% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là những doanh nghiệp trước đây khó khăn phải ngừng hoạt động, nay có cơ hội kinh doanh nên quay trở lại thị trường.
Đối với nhận định rằng tỷ lệ doanh nghiệp dừng hoạt động vẫn còn cao, ông lý giải thế nào?
Việc doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là điều không ai mong muốn, nhưng đó là quy luật tất yếu của thị trường. Các doanh nghiệp yếu kém, không đủ năng lực cạnh tranh buộc phải bị loại ra khỏi thị trường.
Tôi cho rằng đây là sự cần thiết của thị trường, để thanh lọc doanh nghiệp yếu kém và cũng để các doanh nghiệp nhìn thấy yêu cầu tái cơ cấu, cải thiện năng lực canh tranh khi các đòi hỏi của thị trường ngày càng cao…
Chúng ta cần nhìn nhận khách quan số liệu này.
Chúng tôi cũng có nghiên cứu các nền kinh tế trên thế giới, tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với doanh nghiệp gia nhập thị trường ở Hồng Kông là 70,6%; ở New Zealand là 87,2% (tính từ 2/2016 đến 2/2017); ở Anh năm 2016 là 65,4%...
Rõ ràng, không nên kỳ vọng số doanh nghiệp ngừng hoạt động phải thật thấp bởi điều đó đi ngược lại quy luật cạnh tranh và sự phát triển đa dạng của thị trường. Khi nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ngày càng đa dạng, phong phú, thường xuyên thay đổi thì ngày càng nhiều các doanh nghiệp ra đời nhằm phục vụ các nhu cầu “ngắn hạn” đó.