Thực tế dù có thế nào, thì 8.000 lao động mà Vinasun vừa công bố cắt giảm do kinh doanh bết bát sẽ hết cơ hội tìm kiếm lợi ích từ đây. Còn hàng ngàn lao động từ hơn 37.000 doanh nghiệp đã quyết định tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2017, chắc chắn sẽ không được lợi gì.
Nhưng câu hỏi đặt ra là, những lao động còn việc làm sẽ thực sự hưởng lợi gì từ các quyết định tăng lương?. Câu trả lời từ phía doanh nghiệp sẽ là “không nhiều” trong bối cảnh kinh doanh hiện tại.
Theo logic, nếu muốn tăng lương cho người lao động thực chất theo đà điều chỉnh tăng lương tối thiểu, doanh nghiệp phải có mức tăng doanh thu tương ứng. Trong khi miếng bánh chưa to thêm, chủ doanh nghiệp buộc phải tuân thủ bằng cách hoặc tăng quỹ lương để bù vào các phần trích nộp bảo hiểm và kinh phí công đoàn, hoặc cắt giảm nhân sự để duy trì mức chi phí có thể chịu đựng được.
Trở lại hoạt động của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Suốt 5 năm qua, kể từ khi được thành lập (năm 2013), dường như tháng 7 nào, Hội đồng cũng họp để bàn, kiến nghị Chính phủ phương án tiền lương và hầu như năm nào, tiền lương tối thiểu cũng tăng. Nếu tính xa hơn, thì 10 năm qua (từ 2007 đến nay), năm nào, lương tối thiểu cũng tăng với tốc độ tăng trung bình khoảng 12%.
“Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, chi phí lao động ở Việt Nam đang ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan
Trong cuộc họp lần đầu cách đây 1 tháng, đại diện giới sử dụng lao động (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) đề xuất không tăng lương để khoan sức doanh nghiệp. Ý kiến này tiếp tục được bảo lưu ngay trước thềm cuộc họp lần hai và ngay cả khi Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, trong vai đại diện người lao động đưa ra mức tăng 13,3% so với năm 2016 để bù đắp cho nhu cầu sống tối thiểu.
Có 3 phương án được Hội đồng Tiền lương quốc gia đề xuất để bàn lần này: đó là tăng 5%, 6% hoặc 6,8% lương tối thiểu so với năm 2017. Song không thấy Hội đồng đề cập phương án theo hướng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ từ đầu năm đên nay là nghiên cứu giảm tối đa chi phí cho doanh nghiệp.
Cũng phải nhắc lại rằng, tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ tháng 6/2017, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đã bày tỏ lo ngại về tốc độ tăng lương của thị trường Việt Nam. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cho rằng, mức lương tối thiểu hiện tại của Việt Nam (ở khu vực 1) cao hơn mức lương ở lĩnh vực công nghiệp chính của Philippines. Thậm chí, nếu tính chi phí phúc lợi xã hội và công đoàn, thì chi phí lao động ở Việt Nam ngang bằng với chi phí lao động ở Thái Lan.
Trong khi đó, năng suất lao động của Việt Nam năm 2015, theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ bằng 4,4% của Singapore; 17,4% Malaysia; 35,2% Thái Lan; 48,5% Philippines và 48,8% của Indonesia.
Với những con số biết nói này, nếu tiếp tục tăng lương tối thiểu, mà không cân nhắc các bài toán kinh tế, thì không biết, môi trường đầu tư - kinh doanh Việt Nam sẽ nằm ở đâu trong các kế hoạch kinh doanh của giới đầu tư nước ngoài?.
Riêng với doanh nghiệp Việt, liệu có cần giao thêm cho họ bài toán tuân thủ lương tối thiểu thể nào trong khi doanh nghiệp và thậm chí cả nền kinh tế, đang phải thắt lưng buộc bụng để tối đa hóa hiệu quả mọi nguồn lực, để tận dụng tối đa tiềm lực nhằm đạt tốc độ tăng trưởng theo kỳ vọng.
“Nước nổi, bèo nổi”. Có lẽ, đây là lúc cần bàn sâu việc phải làm gì để chiếc bánh hiệu quả của nền kinh tế to thêm, chưa nên bàn sâu việc ăn chia chiếc bánh đó như thế nào.
Theo Bảo Duy/Baodautu.vn