Được đồng minh ủng hộ, ông Biden đưa thông điệp cứng rắn với Trung Quốc

Các quan chức cho biết Hoa Kỳ sẽ có lập trường không khoan nhượng trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc tại Alaska, trong cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao song phương kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Được đồng minh ủng hộ, ông Biden đưa thông điệp cứng rắn với Trung Quốc

Bắc Kinh đã kêu gọi thiết lập lại các mối quan hệ, hiện đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng Washington cho biết các cuộc đàm phán ở Alaska sẽ chỉ là một lần và bất kỳ sự tiến triển nào trong tương lai sẽ phụ thuộc vào việc Trung Quốc có cải thiện hành vi của mình hay không. 

Sau chuyến thăm với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm nhấn mạnh cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan sẽ có buổi gặp mặt nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ Vương Nghị tại Anchorage, Alaska.

Cuộc gặp Anchorage - cuộc trao đổi trực tiếp cấp cao đầu tiên kể từ tháng 6 năm ngoái khi cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, tổ chức một cuộc gặp với ông Dương Trì Khiết ở Hawaii - có thể sẽ diễn ra trong thời gian ngắn. Do các hạn chế về Covid-19, không có kế hoạch cho bữa ăn chung, vốn như một phần của các cuộc gặp gỡ ngoại giao. 

Và rõ ràng, hai bên đều có những kỳ vọng khác nhau.

Vào thứ Tư (17/3), Hoa Kỳ đã ban hành một loạt các hành động nhắm vào Trung Quốc, bao gồm động thái bắt đầu thu hồi giấy phép viễn thông của Trung Quốc, trát đòi hầu tòa đối với nhiều công ty công nghệ thông tin vì lo ngại an ninh quốc gia và cập nhật các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc. 

Tuy nhiên, trên Twitter, đại sứ Trung Quốc tại Washington Thôi Thiên Khải lại ca ngợi cuộc gặp ở Alaska sắp tới là khởi đầu của sự giao tiếp mang tính xây dựng giữa 2 nước, đồng thời nói thêm: “Áp lực và lệnh trừng phạt đơn phương chỉ dẫn đến ngõ cụt”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã gọi cuộc hội đàm Anchorage là "đối thoại chiến lược cấp cao" và một người ở Bắc Kinh quen thuộc với việc lên kế hoạch cho các cuộc đàm phán nói với Reuters rằng Trung Quốc hy vọng cuộc gặp sẽ giúp thiết lập một khuôn khổ rộng rãi để nối lại cam kết, thay vì giải quyết cụ thể các vấn đề.

Nhưng các quan chức Biden lại nói rõ rằng “Alaska không phải là trở lại đối thoại thông thường”. Phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki cho biết: “Chúng tôi cho rằng có những phần của cuộc trò chuyện có thể sẽ rất khó khăn.”

Một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ cho biết Washington sẽ xem xét "hành động chứ không phải lời nói" nếu Bắc Kinh muốn thay đổi quan điểm của mối quan hệ.

Trên lý thuyết, bối cảnh quan hệ song phương đã thay đổi đối với Bắc Kinh kể từ thời TT Trump, với chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” của ông. TT đương nhiệm Joe Biden đã cam kết khôi phục các liên minh của Mỹ, và các đối tác của họ dường như sẵn sàng để thực hiện điều này. Tuần trước, TT Biden và các nhà lãnh đạo Nhật Bản, Ấn Độ, Australia đã cam kết tại hội nghị thượng đỉnh hợp tác về an ninh hàng hải, mạng và kinh tế, những vấn đề quan trọng đối với bốn nền dân chủ của họ trước những thách thức từ Trung Quốc.

chính quyền TT Biden đã bắt tay vào một “buổi giới thiệu ở Châu Âu” về điều mà các quan chức Hoa Kỳ nhiều lần kêu gọi châu Âu tham gia thảo luận về các vấn đề bao gồm cả “sự trỗi dậy của Trung Quốc”.

Evan Medeiros, một chuyên gia về châu Á trong chính quyền TT Obama, hiện đang giảng dạy tại Đại học Georgetown, nhận xét về cuộc đàm phán ở Alaska là “hiệp đầu tiên của một trận đấu quyền anh” - không có khả năng giải quyết bất kỳ vấn đề lớn nào, nhưng có thể giảm nguy cơ tính toán sai lầm trong tương lai giữa các đối thủ .

“Tôi nghĩ rằng phần lớn cuộc thảo luận sẽ chứa đầy bất bình của cả hai bên.”

Reuters

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...