Được gì sau 2 năm thí điểm Uber, Grab?

Sau hai năm thí điểm, Uber, Grab giúp người dân có thêm sự lựa chọn, đồng thời buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện.
Được gì sau 2 năm thí điểm Uber, Grab?

Loại hình chở khách có ứng dụng công nghệ như Grab, Uber từ khi thí điểm tại Việt Nam giúp người dân có thêm sự lựa chọn với chất lượng dịch vụ và giá cước tốt hơn, đồng thời buộc các hãng taxi truyền thống phải tự đổi mới. Tuy nhiên, về mặt pháp lý, xã hội, sau hai năm thí điểm, vẫn còn một số bất cập cần phải tiếp tục hoàn thiện.

Thị trường xoay quanh ứng dụng công nghệ

Ngày 7/1/2016, Bộ GTVT có Quyết định 24 ban hành kế hoạch thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng. Công tác thí điểm được triển khai tại 5 tỉnh, thành phố bao gồm: Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh trong vòng hai năm.

Theo Bộ GTVT, việc thí điểm nhằm tạo tiền đề triển khai các dự án ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành vận tải; Từng bước đưa hoạt động kết nối dịch vụ vận tải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin vào nền nếp và phù hợp với khuôn khổ pháp luật. Sau thời gian thí điểm, Bộ GTVT sẽ đánh giá kết quả và xem xét việc nhân rộng đề án trên phạm vi cả nước.

Tuy nhiên, trước khi Bộ GTVT thí điểm, ứng dụng gọi xe Grab và Uber đã gia nhập thị trường Việt Nam từ năm 2014, làm thay đổi cách vận hành của cả thị trường taxi. Sự dịch chuyển một lượng lớn khách hàng đang sử dụng taxi truyền thống sang sử dụng gọi xe qua ứng dụng đã cho thấy một sự vận động rất khác của nhu cầu trong thời đại số. Chỉ trong một thời gian ngắn, Uber, Grab đã lấn át các hãng taxi và xe ôm truyền thống, chiếm lĩnh thị trường với một cộng đồng đông đảo khách hàng tin tưởng và sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, sự tham gia của Uber và Grab đã làm thay đổi thị trường taxi. Uber, Grab đã trở thành đối thủ cạnh tranh lớn của tất cả các hãng taxi truyền thống, gây sức ép lên taxi truyền thống, buộc họ phải đổi mới. Doanh nghiệp taxi nhanh chóng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, tái cấu trúc lại doanh nghiệp để giảm chi phí, phục vụ khách hàng với mức giá tốt hơn.

Chuyên gia vận tải, PGS. TS. Từ Sỹ Sùa cho rằng, Grab, Uber là loại hình kinh doanh tiên tiến, huy động xe không sử dụng hết công suất, dùng công nghệ thông tin để tiếp cận và phục vụ khách hàng bằng dịch vụ công khai, minh bạch từ khâu đặt xe, lộ trình đến tính tiền cước. Uber hay Grab đều có một đặc điểm chung là xây dựng trên nền tảng lợi ích của người tiêu dùng. Có thể nói, loại hình này đang mang lại lợi ích cho cộng đồng, xã hội, giảm chi phí cho xã hội, người dùng và doanh nghiệp vì nếu Grab và Uber phát triển mạnh thì sẽ giảm thiểu được ô tô cá nhân.

“Grab, Uber chỉ là thách thức bước đầu đối với taxi truyền thống. Trong tương lai không xa, với taxi tự lái, taxi truyền thống khó thể tồn tại được”, TS. Sùa nói.

Trước sức ép của Uber, Grab, từ năm 2015 đến nay, thị trường taxi chứng kiến sự nở rộ của ứng dụng gọi xe qua smartphone tương tự như Uber, Grab như: Taxi Vinasun (V.Car), Mai Linh Taxi (Mai Linh Car), Taxi Thành Công (Thanh Cong Car), Nội Bài Online… ra đời. Các doanh nghiệp taxi phải nỗ lực chuyển mình, bắt đầu phản công để giành lại thị phần. Các thương hiệu taxi công nghệ liên tục ra đời, đưa thị trường taxi vào cuộc đua mới.

Đầu tiên là Vinasun, đơn vị thống lĩnh thị phần thị trường taxi Việt Nam đã không thể đứng yên nhìn miếng bánh thị phần của mình bị bào mòn. “Ông lớn” trong ngành taxi này cũng chấp nhận sử dụng một ứng dụng tương tự hai đối thủ nước ngoài để cạnh tranh. Sau đó, Mai Linh cũng đưa ra ứng dụng gọi xe với phương thức hoạt động không mấy khác biệt.

Uber, Grab có là taxi?

Trước “cơn bão” Uber, Grab đổ bộ, làm các hãng vận tải truyền thống đau đầu, không ít lần Hiệp hội Taxi Hà Nội, TP HCM đưa ra đề xuất cấm hoặc siết điều kiện kinh doanh như taxi truyền thống hoặc dừng thí điểm Uber, Grab.

Ông Đỗ Quốc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, phải dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ taxi của Uber và Grab vì không có nhận diện riêng và vi phạm quy định về giá cước. Quá trình thực hiện thí điểm Uber, Grab đã bộc lộ nhiều sai phạm và gây bất ổn cho xã hội, vì số lượng không kiểm soát lên tới 50 nghìn xe đã phá vỡ quy hoạch taxi, gây ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, hiệp hội cũng chỉ ra sai phạm khi Grab ngang nhiên cho triển khai dịch vụ GrabShare, Uber với dịch vụ Uber Pool dù lãnh đạo Bộ GTVT đã yêu cầu dừng.

Ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM cho rằng, về bản chất của loại hình vận tải khách bằng hợp đồng điện tử (tiêu biểu là Uber và Grab) đang thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT chính là taxi. Ông Hỷ khẳng định, loại xe này có nhiều điểm tương đồng vì cùng là xe dưới 9 chỗ, cùng đối tượng phục vụ khách tại các đô thị, cùng thu tiền cước của khách theo hành trình từng chuyến đi. Loại xe này chỉ khác ở cách tính tiền qua mạng thương mại điện tử.

Cho rằng bản chất kinh doanh của taxi truyền thống và Uber, Grab là giống nhau, ông Hỷ kiến nghị cần thống nhất các điều kiện kinh doanh vận tải đối với Uber, Grab giống taxi truyền thống như: Cùng phải in hóa đơn khi tính tiền, cùng áp dụng niên hạn xe giống nhau, cùng áp dụng thời hạn kiểm định kỹ thuật giống nhau và cùng áp dụng kê khai giá hoặc không phải kê khai giá.

“Cần quy định taxi công nghệ cũng phải có chỉ dẫn thương hiệu để dễ nhận diện khi kinh doanh như: Có hộp đèn, màu sơn khác nhau, phải dán phù hiệu taxi và logo của đơn vị kinh doanh vận tải”, ông Hỷ kiến nghị.

Bên cạnh câu chuyện phá vỡ quy hoạch giao thông, việc thu thuế đối với Uber, Grab cũng là bài toán cần phải giải với cơ quan quản lý. Ông Trương Đình Quý, Phó giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun) cho biết, với số lượng xe gấp 1,5 lần taxi tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng nghĩa vụ thuế của Uber, Grab cũng như các đối tác nộp rất thấp. Giai đoạn 2014–2016, Tổng cục Thuế cho biết, Grab có doanh thu 1.755 tỷ đồng nhưng chỉ nộp thuế 9,5 tỷ đồng, bằng 1/130 lần số thuế Vinasun nộp trong cùng thời gian.

Về phía Uber, Cục Thuế TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền trên 66 tỷ đồng. “Lỗ hổng thuế là do Uber, Grab đã không kê khai đủ doanh thu cũng như 80% cước vận tải của các đối tác là các hợp tác xã, lái xe đều chưa được kê khai thuế”, ông Quý khẳng định.

Ông Nguyễn Văn Thanh cũng cho rằng, Uber, Grab cần được cấp phù hiệu, phải có logo và phải đăng ký hoạt động kinh doanh vận tải. Nếu không, đây là hoạt động “chui”, phải tịch thu xe khi lực lượng chức năng phát hiện. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cần thanh tra việc nộp thuế của Uber, Grab trong những năm qua.

“Nếu không thực hiện, chúng tôi sẽ kiến nghị Nhà nước xử lý. Thậm chí, sẽ kiến nghị xử lý hình sự về hành vi trốn thuế”, ông Thanh nói.

Trả lời đề xuất của Hiệp hội Taxi TP HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Bộ GTVT đang giao Tổng cục Đường bộ VN và Vụ Vận tải phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu nội dung kiến nghị để đề xuất nội dung quản lý trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo thay thế Nghị định 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải trình Thủ tướng Chính phủ trước 31/12/2017.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cũng cho biết, Uber và Grab đang được quản lý chặt thông qua các hành lang pháp lý như: Nghị định 86, Thông tư 63. “Tất cả các xe Uber, Grab đều phải đăng ký xe vận tải theo hình thức xe hợp đồng, đơn vị kinh doanh có đầy đủ hồ sơ, tiêu chí theo quy định nộp cho Sở GTVT họ kiểm tra rồi mới cấp giấy phép kinh doanh vận tải. Từng xe đều phải dán phù hiệu, phải trang bị thiết bị giám sát hành trình, phải dán phù hiệu và niêm yết bên cạnh xe cùng số điện thoại của xe. Hàng tháng, Uber, Grab đều gửi báo cáo về các sở GTVT”, bà Hiền nói.

Sau hai năm, ngoài hai ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab Car) còn có 8 đơn vị khác tham gia Đề án thí điểm kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng theo Quyết định 24 của Bộ GTVT bao gồm: Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (V.Car), Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (Thanh Cong Car), Công ty CP Sun Taxi (S.Car), Công ty CP Phát triển Thương mại và Du lịch quốc tế Ngôi Sao (Vic.Car), Công ty CP Hợp tác đầu tư và Phát triển (Home Car), Công ty CP Tập đoàn Mai Linh (Mai Linh Car), Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Linh Trang (LB.Car), Công ty TNHH Phúc Xuyên (Emddi-Quảng Ninh).

Theo Báo Giao thông

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...