Đường nội dần lấy lại vị thế, ngành gạo đón đầu xu hướng tăng giá

Trong báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán VNDirect về ngành nông nghiệp, nhóm nghiên cứu cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất đường và ngành gạo sẽ hưởng lợi khi giá đường trong nước và giá gạo xuất khẩu tăng.

Theo VNDirect, nhờ các biện pháp bảo hộ từ Chính phủ sẽ tạo động lực cho nông dân mở rộng diện tích trồng mía trong niên vụ 2022-2023, giá đường nội địa tăng mạnh thời gian gần đây. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, dự kiến sẽ tăng 3% cho diện tích mía, 16,5% sản lượng mía chế biến và 16,6% sản lượng đường so với cùng kỳ.

Đồng thời, giá đường nội địa sẽ tiếp tục tăng trong 2023, ước tính giá đường nhập lậu sau khi áp thuế chống bán phá giá sẽ cao hơn giá đường nội địa khoảng 15%, do đó mức thuế mới sẽ tạo lợi thế cạnh tranh cho mía đường trong nước. Ngoài ra, nguồn cung đường trong nước mới chỉ đáp ứng được 35-40% nhu cầu nội địa do đó giá đường trong nước sẽ theo xu hướng giá đường thế giới. 

Giá đường nội địa đã tiệm cận với giá đường tại các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc (đồng/kg) Nguồn: Vindirect Research, bloomerg
Giá đường nội địa đã tiệm cận với giá đường tại các nước khu vực ASEAN và Trung Quốc (đồng/kg)
Nguồn: Vindirect Research, bloomerg

“Trong quý 3/22, giá đường nội địa tăng khoảng 10-14% so với đầu tháng 7/2022, tức thời điểm trước khi áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đường nhập khẩu từ các nước ASEAN), tương đương với giá đường trong khu vực ASEAN và Trung Quốc”, báo cáo ghi.

Với các lợi thế như trên, báo cáo của VNDirect nhấn mạnh 2023 sẽ là một năm thuận lợi đối với các doanh nghiệp sản xuất đường nhờ diện tích trồng mía dự kiến sẽ mở rộng vào năm 2023.

Thực tế, theo tính toán của nhóm nghiên cứu đến hết tháng 9 năm 2022, ước tổng doanh thu của các doanh nghiệp sản xuất đường niêm yết tăng 16,7% và lợi nhuận ròng tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Trước đó, trong năm 2021, đa số các doanh nghiệp đường ngoài việc ép đường trực tiếp từ mía cũng phải nhập khẩu đường thô để tinh luyện, điều này phần nào khiến chi phí tăng và lợi nhuận doanh nghiệp bị giảm xuống. Năm 2021, Công ty Cổ phần Thành Thành Công (SBT) đã sản xuất 708.000 tấn đường, trong đó khoảng 210.000 tấn từ mía và phần còn lại là từ đường thô nhập khẩu. Trong khi đó, công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi (QNS) cũng lên kế hoạch nhập khẩu 5,000 tấn đường thô để tinh luyện đường RE. Vậy nên QNS và SBT sẽ bị ảnh hưởng bởi biến động tỷ giá với các mức độ khác nhau.

Như đã nêu, báo cáo cũng có điểm qua về ngành gạo Việt Nam. VNDirect cho biết, hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới, chỉ sau Ấn Độ và Thái Lan, tuy nhiên ngành gạo Việt Nam sẽ sớm lên vị trí đầu.

Bởi lẽ, các thị trường đối thủ của Việt Nam đang gặp nhiều vấn đề. Thời tiết khắc nghiệt gần đây ở các nước xuất khẩu gạo lớn tại châu Á như thiếu mưa ở Ấn Độ và hạn hán ở Trung Quốc và lũ lụt ở Bangladesh đã ảnh hưởng đến triển vọng sản xuất trong niên vụ 2022-23. Mặt khác theo theo bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), nhu cầu đang tăng lên do sản lượng trong nước giảm, nhập khẩu gạo của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên mức kỷ lục 6 triệu tấn trong giai đoạn 2022/23

Bên cạnh đó, do điều kiện thời tiết không thuận lợi tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam nên nhu cầu nhập khẩu tại các nước này đang liên tục tăng. Trong đó, tại Philippines, việc tồn kho cho năm 2023 khá thấp và sản lượng của ngành gạo nước này được dự báo sẽ giảm do thiệt hại mùa màng từ hậu quả của cơn bão Noru. Với nguồn cung trong nước của Philippines thấp, đây được xem là khách hàng nhập khẩu lớn nhất của ngành gạo Việt Nam.

ngành gạo
Tỷ trọng các thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam
Nguồn: Vindirect Research, bloomerg

Như vậy, với sự gia tăng bảo hộ mậu dịch của các nước trên thế giới nhằm đảm bảo an ninh lương thực từ khi những tranh chấp địa chính trị gần đây và nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ổn định, ngành gạo thế giới và gạo xuất khẩu Việt Nam sẽ còn tiềm năng tăng giá trong 2023.

Theo quan điểm của VNDirect, giá gạo Ấn Độ đang có vị thế cạnh tranh yếu hơn do chịu mức thuế cao hơn, từ đó thúc đẩy người mua chuyển hướng sang gạo của Thái Lan và Việt Nam.

Do đó, trong nhóm các công ty ngành gạo đang niêm yết, nhóm chuyên gia đánh giá, công ty tập đoàn Lộc Trời (LTG) sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ xuất khẩu gạo nhờ là một trong những nhà phân phối gạo đến cả hai thị trường trọng yếu trong thời điểm này là Châu Âu và Trung Quốc.

Trong khi đó, công ty Nông nghiệp Công nghiệp cao Trung An (TAR) sẽ được hưởng lợi từ việc sản lượng tại Trung Quốc giảm và Ấn Độ hạn chế xuất khẩu gạo do hạn hán. Ngành gạo là mảng kinh doanh chính của  TAR với tỷ trọng xuất khẩu chiếm gần 15% tổng doanh thu. Hiện tại, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu gạo chủ lực của doanh nghiệp này với tỷ trọng lên tới 27% tổng doanh thu xuất khẩu.

Có thể bạn quan tâm

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng đồng loạt bật tăng mạnh

Giá xăng, dầu đồng loạt tăng trở lại trong kỳ điều hành mới nhất của liên Bộ Công Thương - Tài chính, gây không ít bất ngờ cho người tiêu dùng và các doanh nghiệp...

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

Xuất nhập khẩu Kein: Bị phạt nặng và "tước quyền" công bố 230 mỹ phẩm

230 sản phẩm bị “tước quyền” công bố mỹ phẩm, bị tạm ngừng xem xét và tiếp nhận hồ sơ công bố mỹ phẩm trong 6 tháng, bị xử phạt hành chính 120 triệu đồng, kéo theo chuỗi cung ứng hàng bị đứt gãy… sự việc đang diễn ra tại Cty Kein, đơn vị quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Nhật nội địa KeinShoku Gyomu.