Elizabeth sắp được mua nhà

Từ bên kia quả địa cầu, tiếng đứa con gái ríu rít: “Cháu sẽ được mua nhà ở Việt Nam cô ơi. Bố mẹ cháu đang ghen tỵ với cháu này”...

z5631019840073-329400f58b9b9699e546cd0e79d48694-8702.jpg
Mua được một căn nhà ở trong nước là ước muốn của rất nhiều bà con Việt kiều

Giọng nó trong veo, đầy phấn khích, với một niềm tin chắc chắn rằng, sau ngày 1/8 tới, tên của nó sẽ được gắn với một ngôi nhà ở Việt Nam mà nó là chủ sở hữu.

NHỮNG KHÁT VỌNG ĐƯỢC "CỞI TRÓI"

Khoảng 5,5 triệu người Việt Nam hiện sống ở nước ngoài. Dù là “một bộ phận quan trọng không tách rời khỏi dân tộc Việt Nam”, có nhiều đóng góp trong công cuộc xây dựng đất nước, đặc biệt là kiều hối, nhưng theo luật hiện hành, người Việt định cư ở nước ngoài, không có quốc tịch Việt Nam sẽ không có quyền mua, đứng tên nhà, đất.

Cách đây hơn hai chục năm, tôi đến một khu người Việt ở California, Mỹ. Nghe nói có một phụ nữ Hà Nội từ Việt Nam sang, ông Hùng, người gốc Hà Nội khi ấy đã 75 tuổi được con trai đưa đến để gặp tôi. Từ chỗ ông ấy đến chỗ tôi khoảng 150 km. Ông bị tai biến từ 15 năm trước, di chứng để lại là tay phải và chân phải bị hạn chế vận động nên đi lại khá khó khăn.

“May mà trí não của bố tôi không bị ảnh hưởng nhiều, vẫn nói chuyện bình thường, chỉ quên những gì mới diễn ra chứ những gì thuộc về kỷ niệm thì ông nhớ lắm”, anh Lân con trai ông kể.

Ông Hùng kể, đời ông có gần 50 năm xa Hà Nội và 25 năm xa đất nước, chưa ngày nào ông không nghĩ về nơi chôn rau cắt rốn của mình, trong khu phố cổ Hà Nội. Ông hỏi tôi về tháp Hòa Phong bên hồ Gươm, xưa có ông già người Tàu bán lạc rang húng lìu giờ thế nào? Quán cà phê góc phố Lý Thường Kiệt, Phan Chu Trinh ra sao?...

Xen giữa những câu hỏi, câu chuyện kể của ông là những giọt nước mắt. Ông bảo, đời ông được mất đã nhiều, điều đáng sợ nhất với ông là từ nay đến lúc ông đi xa vĩnh viễn, ông không được nhìn thấy Hà Nội của ông. Ông sẽ phải nằm lại ở một xứ sở dù đã gắn bó mấy chục năm vẫn cứ là xa lạ.

Anh Lân con trai ông nói, nếu có một ngôi nhà ở Hà Nội, tôi sẽ tìm cách đưa bố mẹ trở về. Cả hai ông bà đều là dân phố cổ Hà Nội, rất buồn lòng vì đã quá già để còn được nhìn thấy quê nhà. Ở thời điểm Việt Nam mới mở cửa, quan hệ Việt - Mỹ cũng mới bình thường được vài năm… bà con Việt kiều trở về thăm quê còn ít nhiều vướng mắc, huống chi đến việc có một ngôi nhà để ở?!

Dễ đến chục năm sau tôi mới có dịp hỏi thăm ông thì nghe tin ông mới mất. Thế là điều mà ông sợ nhất cũng đã không buông bỏ ông!

Ông Hùng hay ông Bính, ông Giang…mà tôi đã gặp ở thời điểm ấy đều có chung một tâm trạng như nhau. Nói như ông Bính: “Tôi ở nhà Mỹ, kiếm tiền đô la, hít thở khí trời Mỹ nhưng tâm hồn tôi vẫn thuộc về Việt Nam, về Hà Nội. Giá mà có nhà ở Hà Nội để trở về, chiều chiều được ngồi đánh cờ với mấy bạn già, có chết trên quê hương cũng đáng”.

Đấy là câu chuyện của hai mươi năm về trước. Từ đó đến nay, mọi sự đã thay đổi rất nhanh khi Việt Nam hòa nhập với nền kinh tế toàn cầu. GDP liên tục tăng trưởng vào top nhanh nhất thế giới, đời sống được cải thiện đáng kể, bộ mặt đất nước cũng liên tục đổi mới với hạ tầng cơ sở được xây dựng căn bản hơn rất nhiều. Trong xu thế toàn cầu hóa, người Việt đi học tập, làm ăn, định cư ở nước ngoài hay trở về nước đầu tư, kinh doanh cũng tăng lên đáng kể. Thực tế cho thấy, nhu cầu của người Việt Nam ở nước ngoài về nước mua nhà ngày càng trở nên cấp thiết. Chỉ riêng với nhiều người lớn tuổi, vòng tuần hoàn “ra đi để trở về” đang dần khép kín. Thật khó khăn để chấp nhận cuộc sống đơn côi ở xứ người khi mà con cái đã có cuộc sống riêng. Cực chẳng đã mới phải gửi lại nắm xương tàn nơi xứ lạ.

Luật Đất đai sửa đổi mới bắt đầu có hiệu lực từ 1/8/2024 đã mở ra một chương mới cho những khát vọng mua nhà trong nước của người Việt ở nước ngoài - còn giữ quốc tịch Việt Nam hay những thế hệ F1, F2 chứng minh được nguồn gốc là người Việt Nam.

Tuy nhiên, từ luật đến thực tế, người Việt hải ngoại muốn sở hữu nhà trong nước còn phải vượt qua những “cửa ải” mà nhiều người chưa thể hình dung.

CÓ CÔNG NGHỆ 4.0, HỆ THỐNG VẪN CHỦ YẾU CHẠY BẰNG... CƠM

Ở các nước phát triển như Mỹ, Canada, Úc… thủ tục mua bán nhà đất, thế chấp vay tiền ngân hàng được thực hiện dễ dàng – thông qua môi giới và luật sư. Người mua và người bán chỉ cần ký hợp đồng dịch vụ với luật sư, hai bên mua – bán ký hợp đồng online hoặc trên giấy, hợp đồng bảo hiểm nhà, hợp đồng vay tiền với ngân hàng (hầu hết người mua nhà có việc làm, thu nhập đều vay ngân hàng để mua nhà. Họ sử dụng chính tài sản mua để thế chấp cho ngân hàng).

Mọi việc còn lại như thông báo với thành phố, tất toán khoản vay với ngân hàng (không cần thủ tục thế chấp và giải chấp tài sản ở cơ quan quản lý đất đai, cũng không cần Xác nhận tình trạng hôn nhân vì trên hệ thống đã có sẵn thông tin, nếu là tài sản riêng của vợ/chồng thì người này chỉ cần viết cam kết với luật sư rằng đó là tài sản của người kia).

Cả việc quyết toán với các đơn vị cung cấp điện, gas, nước, internet, nộp thuế mua nhà… đã có luật sư lo. Khi việc mua/bán hoàn tất, toàn bộ hồ sơ của quá trình mua/bán sẽ được luật sư đóng gói và chuyển cho thân chủ để kiểm tra và lưu lại.

Tất cả các công đoạn trên đều có thể thực hiện qua online. Người ở xa cũng có thể mua hoặc bán nhà (với người bán khi ký hợp đồng bán nhà nếu ở trong nước sẽ không bị mất phí nhà vắng chủ). Bên mua không biết mặt bên bán. Người bán cứ dọn nhà, chuyển đi, trao lại chìa khóa nhà cho môi giới để môi giới trao cho luật sư bên mua, luật sư sẽ trao lại chìa khóa cho người mua nhà.

Ở Việt Nam, mặc dù so với trước đây, thủ tục mua bán nhà đất, thế chấp, giải chấp nhà để vay tiền ngân hàng đã được cải thiện nhiều nhưng vẫn còn khiến người dân rất mệt mỏi. Với những người trong độ tuổi hôn nhân mà hiện sống độc thân, Xác nhận tình trạng hôn nhân là vấn đề mệt mỏi đầu tiên. Dù đã khai online nhưng ở khâu cuối cùng vẫn là gặp cán bộ tư pháp phường để trình giấy tờ gốc. Lúc này mới là lúc “thiếu cái nọ, thừa cái kia”.

Người nào qua 2 lần ly hôn thì phải trình 2 cái quyết định công nhận ly hôn của tòa, mặc dù cái quyết định công nhận ly hôn lần 2 đã nói lên đầy đủ lịch sử tình trạng hôn nhân của người đó. Công chứng Hợp đồng mua bán giữa hai bên là khâu đơn giản nhất vì nhờ có các phòng công chứng tư.

anh-man-hinh-2024-07-14-luc-100309-3715.png
Mua được một căn nhà ở trong nước là ước muốn của rất nhiều bà con Việt kiều.

Thường là người mua nhà sẽ đến văn phòng đăng ký đất đai nộp hồ sơ mua bán đã công chứng, sau đó cả bên mua và bên bán cùng đến cơ quan thuế để nộp hồ sơ khai thuế + xác nhận với cơ quan thuế giá mua bán của ngôi nhà > tiếp tục chờ đợi để nhận thông báo số tiền nộp thuế từ cơ quan thuế > nộp thuế và sau đó là người mua nhà sẽ đến văn phòng đăng ký đất đai nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở và quyền sở hữu nhà ở (nếu mọi việc không có khúc mắc gì).

Nhiều người phải đi từ 4 giờ sáng để xếp hàng lấy số cho việc nộp hồ sơ mua bán, đến ngày nhận được sổ đỏ cũng phải mất một ngày xếp hàng. Tương tự, nộp được giấy tờ thế chấp nhà đất tại văn phòng đăng ký đất đai cũng phải mất 1 ngày, bao giờ tất toán được khoản vay với ngân hàng – thêm ít nhất 1 ngày quay lại văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục giải chấp.

Có thể thấy, Chính phủ đã rất quyết tâm cải cách thủ tục hành chính bằng công nghệ 4.0 nhưng hệ thống dịch vụ của ta đa phần vẫn còn chạy bằng …cơm thì việc cải cách ắt sẽ khó mà nhanh như mong đợi.

Với những ai đã “va chạm” với các thủ tục hành chính này, mỗi lần “gặp lại” sẽ cảm thấy ít nhiều ớn lạnh vì sự phức tạp không đáng có của nó. Bản thân người viết bài này từng có 1 ngôi nhà chuyển tên từ bố mẹ sang tên con. Sau 3 năm mà mọi việc vẫn dậm chân tại chỗ vì những đòi hỏi vô lý từ văn phòng đăng ký đất đai (yêu cầu lấy lại toàn bộ hồ sơ giải phóng mặt bằng của cả chục năm trước, căn nhà đã bán qua mấy chủ và ban giải phóng mặt bằng khi mở rộng đường đã giải tán từ lâu). Người viết bài này buộc phải “làm căng” thì việc sang tên mới hoàn tất.

Việt kiều, nhất là thế hệ F1, F2 làm sao mà hình dung nổi khi các thủ tục từ chứng minh nguồn gốc Việt Nam, xác nhận tình trạng hôn nhân, nơi ở đều mang tính chất “xuyên biên giới”, sau đó mới đến việc làm thủ tục mua bán nhà tại Việt Nam – mà đến người trong nước còn thấy mệt.

Luật đã “cởi trói” cho những mong muốn của người Việt ở nước ngoài được mua nhà, cần lắm thông tư hướng dẫn cụ thể, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch để những ai mong muốn sở hữu nhà tại Việt Nam đều không bị chùn tay.

NIỀM VUI CỦA ELIZABETH NGUYEN

Bố mẹ của Elizabeth Nguyen đến Canada vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Vào cuối thập niên 90, họ đã chuyển tiền mua nhà, dãy kiots bán hàng tại Việt Nam thông qua bà con họ hàng. Thời gian đầu thì tốt, sau bà con khó khăn, thế là bán mất tài sản của họ mà chẳng cần phải có ý kiến đồng ý, vì tài sản không đứng tên bố mẹ cô. Cãi nhau cũng chẳng giải quyết được gì, chỉ mất tình cảm, thế là bố mẹ của Elizabeth cạch không dám gửi tiền về mua nhà hay đầu tư làm ăn nữa.

Không ít người đã rơi vào hoàn cảnh tương tự như bố mẹ của Elizabeth Nguyen. Họ mang quốc tịch Mỹ, Canada, Úc… lầm lũi đi làm nơi xứ người, gửi tiền về nước để mua nhà với mong muốn khi quay về sẽ có nơi trú chân. Có người kết hôn với người trong nước nhưng nhà cửa thì không có tên của người Việt hải ngoại dù tiền mua nhà đất là do họ chuyển về.

Rất nhiều hệ lụy từ việc tranh chấp đã xảy ra khiến mối quan hệ hôn nhân, ruột thịt hay họ hàng gần xa bị ảnh hưởng, mong muốn được sở hữu nhà để có nơi quay về gặp nhiều trở ngại.

Luật Đất đai 2024 sắp có hiệu lực sẽ thu hút một lượng vốn rất lớn từ nước ngoài chuyển về, sẽ là đòn bẩy cho thị trường bất động sản vốn đang bị đóng băng. Nó mở ra cơ hội cho những người như Elizabeth Nguyen muốn chuyển về Việt Nam đầu tư làm ăn, có nhà cửa đàng hoàng để ở và đón bố mẹ về.

Elizabeth chưa hình dung được rằng, ngoài việc có tiền chuyển về để mua nhà, thực sự có được ngôi nhà đứng tên mình trên giấy chứng nhận, chặng đường tiếp theo còn khó khăn thế nào. Cô nói trong hy vọng: “Cháu sẽ thực hiện được ước mơ của bố mẹ cháu là đưa được bố mẹ cháu quay trở về nhà để sống trong chặng cuối cuộc đời. Về các thủ tục để có thể sở hữu nhà, cháu tin khi đã có luật, mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ dần”.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Trung tâm thương mại hút khách thuê

Giá thuê trung bình tăng tới 16,2% tại Hà Nội và 15,4% tại TP.HCM, khẳng định sức hút ngày càng lớn của trung tâm thương mại đối với các nhà đầu tư và thương hiệu…