Về mặt công khai, Liên minh Châu Âu trước đó đã bác bỏ chiến dịch cung cấp vắc xin ngừa Covid-19 của Nga. Nhưng theo các nguồn tin chính thức và ngoại giao của khối tiết lộ với Reuters rằng đằng sau hậu trường, EU đang có ý định quay trở lại bàn thảo luận để có thể cung cấp đủ vắc xin cho 450 triệu người dân của mình.
Hungary và Slovakia đã mua vắc xin của Nga, Cộng hòa Séc hiện đang quan tâm và nước Ý dường như cũng đang xem xét sử dụng lò phản ứng sinh học sản xuất vắc xin lớn nhất của nước này tại nhà máy ReiThera gần Rome để sản xuất Sputnik V.
Brussels đã bị chỉ trích vì việc triển khai vắc xin chậm chạp vào thời điểm mà cựu thành viên Anh đang nới lỏng dần các hạn chế khi chương trình tiêm chủng của họ có tiến triển nhanh chóng. Trong khi đó, các bệnh viện ở Paris gần như quá tải., Đức cảnh báo về làn sóng dịch bệnh thứ 3 và Ý buộc phải kéo dài lệnh phong toả toàn quốc đến hết Lễ Phục Sinh.
EU đã ký thỏa thuận với sáu nhà sản xuất vắc xin phương Tây và tiến hành các cuộc đàm phán với hai nhà sản xuất khác. Cho đến nay, họ đã phê duyệt bốn loại vắc xin nhưng các trục trặc trong quá trình sản xuất và phân phối đã khiến chiến dịch tiêm chủng bị chậm lại và một số quốc gia thành viên đang tìm kiếm giải pháp cho riêng mình.
Nếu Sputnik V gia nhập “kho vắc xin” của EU, đó sẽ là một thắng lợi ngoại giao lớn đối với Nga - đất nước có hoạt động thương mại với EU gặp nhiều cản trở trong nhiều năm bởi các lệnh trừng phạt về việc sáp nhập Crimea và sự can thiệp của họ vào miền đông Ukraine.
Việc này cũng có nguy cơ gây chia rẽ trong khối giữa những quốc gia phản ứng dữ dội trước việc “trao cho Moscow bất kỳ hình thức chiến thắng nào” và những quốc gia ủng hộ việc Brussels có thể hợp tác với Điện Kremlin.
Nguồn: Reuters