EVN bị "nhắc nhở" về khoản vay 9,7 tỷ USD

Tổ công tác của Thủ tướng truyền đạt ý kiến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu EVN báo cáo, làm rõ một số vấn đề, trong đó có việc EVN giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công t
EVN bị "nhắc nhở" về khoản vay 9,7 tỷ USD

Ngày 21/6, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ do Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục, Tổ phó Tổ công tác dẫn đầu đã kiểm tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Đây là lần thứ hai Tổ công tác kiểm tra doanh nghiệp này.

Theo Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục, tại phiên họp Chính phủ tháng 5, Thủ tướng đã giao Tổ công tác kiểm tra một số tập đoàn, trong đó có EVN, về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đồng thời kiểm tra tình hình triển khai Chỉ thị 24 của Thủ tướng về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017. Thông qua Tổ công tác, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc truyền đạt một số ý kiến đề nghị EVN cần lưu ý, làm rõ.

Thứ nhất, sản xuất và phân phối điện là một trong 4 ngành công nghiệp nhóm 1, theo yêu cầu của Thủ tướng, phải đạt tăng trưởng 11,5% trong năm 2017, bảo đảm điện cho nền kinh tế, cung ứng điện cho miền Nam, không để xảy ra thiếu điện…

“Cung ứng đủ điện là một giải pháp để bảo đảm tăng trưởng chung của nền kinh tế, nhưng trong năm 2017 đã có tình trạng quá tải cục bộ gây mất an toàn ổn định vận hành hệ thống điện. Trong 4 ngày nắng nóng đầu tháng 6/2017, đã có tới 12.632 cuộc gọi tới Trung tâm Chăm sóc khách hàng của EVN liên quan đến sự cố, an toàn và mất điện. EVN cần nêu rõ trách nhiệm và các giải pháp, kế hoạch để không xảy ra tình trạng này”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục nêu thực tế.

Thủ tướng cũng lưu ý EVN về công tác vận hành các nhà máy thủy điện, nhiệt điện. Trong thời gian qua đã có một số vụ việc gây bức xúc như 4 học sinh bị đuối nước, tử vong tại khu vực hạ lưu Thủy điện sông Ba Hạ (Phú Yên); sự cố công trình Thủy điện Sông Bung 2 vào tháng 9/2016 khiến 2 công nhân tử vong.

Cùng với đó, tình trạng ngập lụt ở các tỉnh từ Bình Định đến Ninh Thuận và Đắk Lắk, tình trạng ngập lụt tại Hà Tĩnh vào cuối năm 2016 diễn biến phức tạp, một số ý kiến đặt vấn đề về việc các thủy điện liên quan xả lũ. Gần đây, nhiệt điện Phả Lại cũng gặp sự cố. Thủ tướng đã chỉ đạo, “không thể để tình trạng xả lũ làm tăng ngập cho dân vùng hạ lưu rồi lại trả lời là xả đúng quy trình. Vậy cái quy trình đó là sai, không thể chấp nhận được”. EVN báo cáo các giải pháp để không xảy ra sự cố ảnh hưởng tới người dân.

Một vấn đề khác là việc đầu tư một số dự án thuộc Quy hoạch điện VII bị chậm so với dự kiến do các nguyên nhân chủ quan và khách quan, như thu xếp nguồn vốn khó khăn, vướng mắc thủ tục đầu tư xây dựng… EVN có giải pháp gì để đẩy nhanh tiến độ các dự án này, bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.

"Thủ tướng cũng yêu cầu báo cáo về kết quả tái cơ cấu EVN. Dựa trên số liệu báo cáo tài chính hợp nhất năm 2015, EVN giữ vị trí “quán quân” về nợ vay so với các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước khác. Vốn vay của EVN phần lớn là nợ vay được Chính phủ bảo lãnh. Theo báo cáo được Bộ Tài chính trình lên Chính phủ, Công ty mẹ EVN năm 2015 vay thêm 2 tỷ USD, nâng mức bảo lãnh nợ vay của Chính phủ đối với EVN lên 9,7 tỷ USD.

“EVN cần tăng hiệu quả sử dụng vốn, đa dạng hóa ngoại tệ đi vay để giảm rủi ro tỉ giá. EVN cần báo cáo về giải pháp tái cơ cấu, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp, tăng hiệu quả đầu tư”, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đề nghị.

Giải phóng mặt bằng "thực sự nan giải"

Theo Tổng Giám đốc EVN Đặng Hoàng An, dự kiến cả năm 2017, sản lượng điện ước đạt 196,8 tỷ kWh, tăng 11,1% so với cùng kỳ. Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt gần 288,5 nghìn tỷ  đồng. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) nhóm ngành sản xuất và phân phối điện sẽ đạt 11,5%.

Đáng lưu ý, theo ông An, quy mô hệ thống điện của Việt Nam hiện đứng thứ 2 trong các nước ASEAN và thứ 30 của thế giới.

Ông Đặng Hoàng An cũng khẳng định Tập đoàn sẽ bảo đảm khối lượng đầu tư cả năm 2017 là 137.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng cuối năm tiếp tục đưa vào vận hành 5 tổ máy, hoàn thành 238 công trình lưới điện từ 110-500kV và khởi công 244 công trình.

Về công tác cổ phần hóa, EVN đã trình và được phê duyệt đề án tổng thể sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN. Hiện EVN đang tiếp tục thực hiện cổ phần hóa các Tổng công ty Phát điện 3 (dự kiến chuyển thành công ty cổ phần trong năm nay), Phát điện 1 và Phát điện 2 (hoàn thành cổ phần hóa trong năm 2018). Tập đoàn sẽ thoái vốn xong tại Công ty Tài chính Điện lực trong năm 2017.

EVN cũng khẳng định đã khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế trong thời gian qua. Rút kinh nghiệm các dự  án trước đây, các dự án điện than đưa vào vận hành các năm vừa qua đã vận hành ổn định, tin cậy hơn nhiều ngay sau chạy thử nghiệm. Chủ động hơn nữa trong việc ứng phó với thiên tai, lũ lụt, các tình huống bất thường đe dọa an tòan các thủy điện, lưới điện.

“Chúng tôi sẽ siết chặt kỷ luật vận hành không để xảy ra sự cố chủ quan”, ông Đặng Hoàng An khẳng định.

Đồng thời, quyết liệt giảm 2.990 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh điện so với kế hoạch đầu năm. Theo EVN, mức tổn thất điện năng 7,57% hiện nay là bằng với Thái Lan, Malaysia và thấp hơn Indonesia hay Philippines.

Liên quan tới cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, mới đây nhất trong tháng 5, EVN đã ban hành quy trình kinh doanh mới, tiếp tục rút ngắn thời gian làm thủ tục tiếp cận điện năng cho khách hàng xuống còn 7 ngày (giảm 3 ngày so với quy định của Bộ Công Thương). EVN phấn đấu tới năm 2020, thủ tục tiếp cận điện năng của Việt Nam sẽ vào nhóm 4 nước tốt nhất ASEAN.

Tuy nhiên, lãnh đạo EVN cũng nêu nhiều khó khăn. Trong đó, với việc tăng giá bán than trong nước cho sản xuất điện và cập nhật các thông số đầu vào thì tổng chi phí sản xuất kinh doanh của EVN sẽ tăng 7.230 tỷ đồng trong năm nay.

Còn trong công tác đầu tư xây dựng, việc giải phóng mặt bằng còn gặp nhiều khó khăn. “Hôm nay tôi cũng đề nghị VPCP giúp đỡ việc giải phóng mặt bằng tại Từ Sơn (Bắc Ninh) với dự án đường dây từ Long Biên đi Phố Nối. Với các dự án hiện nay thì tiền, kỹ thuật, năng lực xây lắp thì không còn vướng, nhưng giải phóng mặt bằng thực sự là nan giải”, ông Đặng Hoàng An cho biết.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Cao Lục đánh giá cao EVN đã báo cáo đầy đủ, toàn diện về các vấn đề mà đoàn công tác đặt ra. Đặc biệt, EVN đã giải quyết thấu đáo, trách nhiệm về 16 vấn đề tồn tại mà Tổ công tác của Thủ tướng lưu ý trong đợt kiểm tra cuối năm 2016.

Phó Chủ nhiệm yêu cầu Tập đoàn Điện lực thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng giao, nhất là tại Chỉ thị 24 mới đây về thúc đẩy tăng trưởng trong các ngành, lĩnh vực và tiếp tục quan tâm xử lý các vấn đề mà Thủ tướng nhắc nhở.

Đặc biệt quan tâm kiểm soát kỹ vấn đề vốn vay, bảo đảm hiệu quả đầu tư các dự án, kiểm soát chặt chẽ chi phí, bảo đảm an toàn, chất lượng trong vận hành các nhà máy điện và giảm tối thiểu những ảnh hưởng tới đời sống người dân.

Về các kiến nghị, Tổ công tác sẽ báo cáo đầy đủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sắp tới. Hiện VPCP đang lấy ý kiến các bộ ngành về dự thảo Chỉ thị mới của Thủ tướng yêu cầu tăng cường tiết kiệm điện.

Còn các kiến nghị của EVN liên quan tới vướng mắc trong thủ tục đầu tư xây dựng, về điều lệ tổ chức hoạt động của Tập đoàn… sẽ được Chính phủ, Thủ tướng xem xét, xử lý trong tổng thể các vấn đề chung có liên quan.

“Riêng kiến nghị của EVN về công tác giải phóng mặt bằng, tôi vừa trao đổi lại thì được biết Vụ Công nghiệp (VPCP) đã nhận được hồ sơ. Đề nghị Tập đoàn có vướng mắc gì thì báo cáo ngay, VPCP sẽ xử lý ngay, trình Thủ tướng”, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Cao Lục đề nghị.

Có thể bạn quan tâm