FED tăng lãi suất tác động nhiều chiều đến Việt Nam

Động thái tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) được cho là sẽ có tác động nhiều chiều tới kinh tế Việt Nam.

Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất cơ bản đồng USD, lần thứ hai trong vòng ba tháng qua, được đánh giá sẽ có tác động đáng kể đối với kinh tế Việt Nam. Không như các sự kiện khác đột biến gây tác động đến thị trường Việt Nam, quyết định của FED đã được các chuyên gia dự báo từ trước.

FED tiết lộ khả năng điều chỉnh lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay và 3 lần trong năm 2018. Trong khi đó, tại Việt Nam, trần lãi suất huy động USD hiện vẫn áp 0%/năm, chưa có bất kỳ thay đổi nào trong khi chính sách lãi suất của FED thay đổi rõ nét.

Các bước tăng lãi suất của FED không quá đột ngột nên khi FED công bố tăng lãi suất thì không có tác động ngay lập tức đến thị trường Việt Nam, đặc biệt đối với giá vàng và USD.

Giá USD vẫn chưa "nóng"

Trong ngày đầu tiên đón sự kiện trên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tỷ giá trung tâm là 22.252 VND/USD, giảm so với mức 22.262 VND/USD áp dụng cho ngày hôm qua (15/3).

Chiều nay, tại ngân hàng Vietcombank, giá mua - bán USD ở mức 22.740 - 22.810 VND/USD. Trong khi đó, giá USD tại Vietinbank được giao dịch quanh 22.725 - 22.800 (mua vào - bán ra), tăng nhẹ so với đầu phiên hôm nay.

Về lâu dài, tác động của việc FED tăng lãi suất cơ bản đồng USD đối với tỷ giá USD/VND cũng được các chuyên gia dự báo. 

Theo nhận định của TS. Nguyễn Trí Hiếu  - chuyên gia tài chính ngân hàng, khi đồng USD tăng giá thì việc điều chỉnh tỷ giá trong nước là tất yếu. Có thể, sẽ tạo ra làn sóng đầu cơ và gây áp lực lên tỷ giá chính thức.

Ông Hiếu cũng cho rằng, sự chuyển dịch từ VND sang USD là điều có thể xảy ra. Các ngân hàng khi đó sẽ tăng lãi suất tiền gửi USD, dẫn đến sự chênh lệch lãi suất VND khiến lãi suất huy động cũng tăng theo. Trong thời gian tới, việc điều chỉnh lãi suất theo hướng đi lên là khó tránh khỏi.

Khi chính sách lãi suất của FED đã định hình rõ ràng hơn, từ cuối 2015 đến nay, về cơ bản các chính sách tiền tệ như lãi suất và tỷ giá của Việt Nam vẫn chưa thay đổi nhiều, dù nhiều chuyên gia lần lượt khuyến nghị xem xét lại chính sách trần lãi suất 0% đối với tiền gửi USD.

Nhà đầu tư vào Việt Nam sẽ hưởng lợi?

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, khi đồng USD tăng giá, giá hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đi Mỹ và các thị trường khác, trong đó có châu Âu, sẽ tăng lên.

Ngoài ra, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam cũng có sự thay đổi khi nhà đầu tư rót vốn vào có lợi còn khi rút vốn về thì lại bất lợi nếu USD tăng giá, TS. Hiếu đánh giá.

Cùng góc nhìn trên, trước thềm đợt tăng lãi suất USD lần này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) chia sẻ trên trang cá nhân: "Lãi suất FED tăng và USD tăng sẽ tác động tiêu cực đến đầu tư gián tiếp, tuy nhiên chỉ một số quỹ ETF sẽ bị phản ứng tiêu cực ngay, còn các quỹ nước ngoài khác khi đầu tư vào Việt Nam phần lớn ở dạng quỹ đóng nên không dễ để dịch chuyển dòng vốn".

Mặt khác, theo ông Hưng, nhà đầu tư trực tiếp quan tâm tới lợi thế dài hạn của thị trường nội địa hơn 90 triệu dân và các lợi thế so sánh của Việt Nam với các khu vực khác, cũng như chiến lược lâu dài toàn cầu của các công ty đa quốc gia nên cũng không ảnh hưởng nhiều.

Ở khía cạnh khác, trước tác động khiến tỷ giá tăng lên, hay đồng nội tệ giảm giá, thì xuất khẩu Việt Nam sẽ có lợi. Tuy nhiên, ngược lại, hoạt động vay nợ, nhất là các khoản vay của Chính phủ bằng USD, cùng với chi phí là lãi suất có áp lực tăng lên, sẽ chịu tác động bất lợi về chi phí.

vov.vn

Có thể bạn quan tâm