Fitch Solutions - đơn vị nghiên cứu vĩ mô của hãng dịch vụ tài chính Fitch Group - cho hay tín hiệu tăng trưởng tốt trong quý 3/2019 là cơ sở quan trọng để Fitch Solutions nâng dự báo tăng trưởng GDP năm 2019 lên 6,9%. Năm 2020, GDP Việt Nam sẽ tăng 6,8%, Fitch Solutions dự báo.
Các chuyên gia Fitch Solutions đánh giá, sự tăng tốc 7,3% của kinh tế Việt Nam trong quý 3/2019 một phần nhờ cú hích từ dòng dịch chuyển của doanh nghiệp và nhà đầu tư từ Trung Quốc do lo ngại tác động của thương chiến Mỹ-Trung.
Tuy nhiên, làn sóng dịch chuyển này lại gia tăng sức ép về cơ sở hạ tầng và lực lượng lao động cho Việt Nam. Nếu không được giải quyết thấu đáo, các sức ép đó có thể “cản đường” tăng trưởng kinh tế trong các quý tới.
Tăng trưởng kinh tế quý 3/2019 bứt tốc cũng nhờ lực đẩy của hoạt động sản xuất chế tạo với mức tăng 12,0% so với cùng kỳ năm ngoái và cao hơn mức tăng 10,0% trong quý 2. Trong khi đó, ngành xây dựng tăng trưởng 9,7% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức 9,1% trong quý 2. Tổng quan lại, hoạt động sản xuất chế tạo và xây dựng là hai lĩnh vực then chốt giúp ngành công nghiệp đóng góp 3,6 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, mức cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Lĩnh vực dịch vụ vẫn tăng trưởng ổn định ở mức 6,8% trong quý 3/2019, thấp hơn so với mức tăng 6,9% trong quý 2 nhưng đóng góp 2,7 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.
So với các ngành khác, nông nghiệp tăng trưởng khá khiêm tốn. Hạn hán tiếp tục tác động xấu tới sản lượng nông nghiệp, trong khi dịch tả lợn châu Phi lan rộng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành chăn nuôi trong nước. Theo đó, sản xuất nông nghiệp trong quý 3/2019 tăng nhẹ 2,0% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng cao hơn mức 1,7% trong quý 2 và đóng góp 0,33 điểm phần trăm vào tăng trưởng chung.
Các chuyên gia Fitch Solutions cảnh báo các nút thắt về logistics, hạ tầng giao thông và nhân lực sẽ kìm sức tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo trong các quý tới. Dù ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam đang hưởng lợi từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, rõ nhất là sự thay đổi cơ cấu sản xuất hàng điện tử cấp thấp và dệt may do sự dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, nhưng cũng chính sự dịch chuyển này đang gây sức ép đáng kể lên hệ thống hạ tầng trong nước, các chuyên gia phân tích.
Theo Đầu tư