Gần 4.500 tỷ vốn điều lệ cho hai ngân hàng lấy ở đâu?

Chính phủ đề xuất bố trí 4.482,509 tỷ đồng để cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội, nhưng Bộ Tài chính nói không khả thi.
Gần 4.500 tỷ vốn điều lệ cho hai ngân hàng lấy ở đâu?

Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh việc cấp vốn cho hai ngân hàng phải được thực hiện đúng luật.

“Có hợp hiến không?”

Sáng 22/12, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016.

Tại đây, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương cho biết, tổng số kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 50.000 tỷ đồng. Đến tháng 11 các bộ ngành địa phương mới giải ngân đạt 74,9% kế hoạch. Nhiều nơi không có khả năng giải ngân.

Chính phủ dự kiến cắt giảm kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 5.854,91 tỷ đồng. Đồng thời đề xuất bổ sung kế hoạch vốn nước ngoài năm 2016 là 14.235,46 tỷ.  Trong đó, cấp vốn điều lệ cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam 1.782,509 tỷ và Ngân hàng Chính sách xã hội 2.700 tỷ.

Thẩm tra nội dung này, nhiều ý kiến trong Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách tán thành với đề xuất của Chính phủ và cho rằng, việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng đã được đề xuất nhiều lần nhưng vẫn chưa được đáp ứng. Vì thế việc bố trí cấp vốn điều lệ để hai ngân hàng này thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao là cần thiết. Hơn nữa, phần vốn cấp cho hai ngân hàng cũng nằm trong hạn mức vốn dự kiến bố trí theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị Chính phủ giải trình rõ việc sử dụng vốn vay ODA để cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách có bảo đảm phù hợp với các hiệp định vay đã ký kết hay không hoặc có nằm trong các khoản vay của Chính phủ để xử lý cân đối ngân sách cho đầu tư xây dựng cơ bản đã bố trí năm 2016 nhưng nay chưa sử dụng có thể cân đối cho việc bố trí vốn điều lệ cho hai ngân hàng hay không. Nếu có mới có thể trình để xử lý được.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Đức Hải cho biết, có ý kiến cho rằng, các hiệp định vay vốn nước ngoài năm 2016 đã được ký kết gắn với nhiệm vụ của từng chương trình, dự án cụ thể nên việc điều chỉnh này là chưa bảo đảm tuân thủ các hiệp định đã ký kết và các nguyên tắc bố trí vốn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. 

Do đó, cần cân nhắc việc sử dụng nguồn vốn này để bổ sung vốn điều lệ cho hai ngân hàng chính sách. Đề nghị bố trí nguồn vốn này cho các dự án có nhu cầu bổ sung vốn. Việc cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng trên cần bố trí vào kế hoạch trung hạn đến 2020.

“Bổ sung vốn cho hai ngân hàng không có trong dự toán thì chi số tiền đó có hợp hiến không? Nếu không có dự toán thì không được chi mà chỉ được ứng”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

“Cần cấp vốn đúng luật”

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, với trên 44 ngàn tỷ nguồn của các chương trình dự án thì vốn của dự án nào thì giải ngân cho dự án đó, ghi thu ghi chi cho từng dự án thì không thể lấy để cấp cho hai ngân hàng chính sách.

Nguồn thứ hai của vốn nước ngoài là hỗ trợ bằng tiền trực tiếp cho ngân sách Nhà nước của chương trình biến đổi khí hậu và phát triển giáo dục đại học trên 5.000 tỷ. Nguồn này chỉ còn 1.300 tỷ của chương trình biến đổi khí hậu, nếu có sử dụng vốn hỗ trợ trực tiếp thì tối đa cũng chỉ được 1.300 tỷ chưa phân bổ này, nhưng khi chương trình này thực hiện thì lại phải bù.

Ông Hà cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn Ngân hàng Thế giới (WB) hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh nhưng nguồn này đã được cân đối vào ngân sách năm 2017 và khó có thể rút vốn năm 2016. 

Nhấn mạnh sự đồng tình cần cấp vốn điều lệ cho hai ngân hàng, nhưng Thứ trưởng Hà cho rằng nếu sử dụng ngân sách 2016 thì không phù hợp về nguồn vốn, có thể sử dụng vốn 2017 nhưng phải điều chỉnh để đưa vào kế hoạch.

Thứ trưởng Nguyễn Thế Phương cho rằng, dù số tiền chi cho hai ngân  hàng chưa có trong dự toán, tuy nhiên nếu được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phép thì vẫn là phù hợp. Vì khoản tài trợ nói trên của WB không ràng buộc chi cho khoản nào, mà Chính phủ được toàn quyền.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cần lưu ý ý kiến của Bộ Tài chính để xử lý việc cấp vốn cho hai ngân hàng đúng luật.

Nhấn mạnh chỉ còn 9 ngày nữa là hết năm, mà Chính phủ mới trình điều chỉnh vốn nước ngoài là chậm, Chủ tịch đề nghị Chính phủ cần nghiêm túc rút kinh nghiệm trong điều hành.

Theo Chủ tịch, không chỉ 2016 mà nhiều năm qua đều chưa khắc phục được việc giải ngân vốn Nhà nước chậm, quản lý sử dụng vốn nước ngoài còn nhiều bất cập như là chưa sát tình hình, thậm chí có đơn vị không có nhu cầu hoặc chưa đủ điều kiện vẫn phân bổ, một số nơi giải ngân vượt thì chưa được giải trình rõ nguyên nhân. 

“Đề nghị Chính phủ đánh giá, phân tích rõ nguyên nhân và 2017 không để lặp lại tình trạng trên”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Theo Nguyên Vũ/Vneconomy

Có thể bạn quan tâm

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Ngành ngân hàng 2025: Lợi nhuận trước thuế dự báo tăng 15%, chất lượng tài sản dần cải thiện

Theo dự báo của VCBS, lợi nhuận trước thuế toàn ngành ngân hàng sẽ duy trì mức tăng trưởng ấn tượng khoảng 15% trong cả hai năm 2024 và 2025. Đồng thời, chất lượng tài sản toàn ngành ngân hàng sẽ dần được cải thiện, nhờ vào đà phục hồi của nền kinh tế và hiệu quả từ các chính sách hỗ trợ...