Ghế nóng thơm như... miếng tóp mỡ!

Thời của internet, nhờ báo điện tử và các trang mạng xã hội, rất nhiều vấn đề nóng gây nhức nhối đã và đang được đem ra mổ xẻ, gây áp lực đáng kể lên những người có trách nhiệm, dù đó là ai, giữ vị tr

Vì những áp lực đó, rất nhiều "ghế nóng", của các cấp lãnh đạo chính quyền hay của chủ doanh nghiệp dẫu vẫn là "ghế thơm" nhưng đó là mùi thơm của miếng… tóp mỡ.

Mơ thành nhà báo, bị "nhấc" lên Thứ trưởng

Một số tuyến đường mới làm đã hỏng do xây dựng trên nền đất yếu, ngập nước và “không có xe lưu thông” Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường.

Đó là giấc mơ "oái oăm" nhất của một lãnh đạo cao cấp Bộ Y tế - Thứ trưởng Trương Quốc Cường.

Thời điểm này của 2 năm trước, khi bác còn giữ chức vụ Cục trưởng Cục quản lý Dược - Bộ Y tế, ngành y tế xảy ra tình trạng hỗn loạn khi tiêm chủng vắc xin dịch vụ loại 5 trong 1; 6 trong 1. Do thiếu nguồn cung nên người dân đã phải chen lấn, xếp hàng để được tiêm chủng. Điển hình là tại phòng khám của Công ty Polyvac ở 182 phố Lương Thế Vinh (Hà Nội), có người đã bị ngất xỉu vì chen lấn để lấy suất tiêm vắc xin cho con… Dĩ nhiên là tình trạng này được báo chí dành mối quan tâm đặc biệt. Trong cuộc họp báo do Bộ Y tế tổ chức, Cục trưởng Cục Quản lý Dược đã phải "than" rằng: "Không có vắc xin cũng khổ, mà có kiểu này còn khổ hơn". Bác cũng nhân đà "than" mà bày tỏ: "Nếu có kiếp sau, tôi không làm ngành y nữa mà làm nhà báo".

"Kiếp sau làm nhà báo" chỉ là lời nói chia sẻ, tìm sự đồng cảm từ phía các nhà báo, nó thoảng qua, theo gió bay đi ngay và không mấy người chú ý. Nhưng đúng 11 tháng sau, bác Cục trưởng được cất nhắc lên Thứ trưởng Bộ Y tế. Thông tin này thì không thể bỏ qua.

Cũng không phải chờ đợi lâu. Chỉ mấy tháng sau đó, vụ công ty VN Pharma nhập thuốc chữa ung thư giả, kém chất lượng bị lật tẩy. Việc Cục trưởng Cục Quản lý Dược, người đứng đầu cơ quan trực tiếp xét duyệt, cấp phép nhập khẩu số thuốc trên lại được bổ nhiệm chức Thứ trưởng khi vụ việc vẫn chưa sáng tỏ lẽ dĩ nhiên trở thành tâm điểm của báo chí và dư luận.

Dư luận sục sôi, báo chí lao vào phanh phui, hòng làm sáng tỏ vụ việc. Đã có cả những nghi ngờ VN Pharma là công ty sân sau, liên quan đến nhóm lợi ích và gia đình Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Trong khi bà khẳng định với báo chí "Công ty này không liên quan gì đến người thân của tôi" thì cựu Tổng Giám đốc công ty này lại thừa nhận: "Em chồng của Bộ trưởng là Phó giám đốc phụ trách đầu tư của chúng tôi". Sức ép dư luận tiếp tục dồn những người có trách nhiệm của Bộ Y tế vào "Bức tường sự thật", nơi những quanh co chỉ còn biết "chạy lòng vòng".

Cũng giống như lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội từng thừa nhận "Đường Trường Chinh có cong nhưng mà là "cong mềm mại" (dư luận nghi ngờ đường bị cong để né nhà quan chức), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khi thanh minh cho Bộ trưởng đã "thật thà" mà rằng: "Bộ trưởng không nói chứ không phải nói không có em chồng làm việc tại VN Pharma".

Khi nói câu này, không biết bác Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến có mơ ước "kiếp sau làm nhà báo" như bác Thứ trưởng Trương Quốc Cường (hồi còn là Cục trưởng Cục Quản lý Dược) hay không?!

Những chuyện lùm xùm ở Bộ Y tế đang trong quá trình thanh tra. Tiếc là buổi họp công bố Quyết định thanh tra gần đây, báo chí đã không được tham dự, chỉ được đứng ngoài hành lang "hóng tin".

"Ghế nóng" như miếng tóp mỡ

Nếu chịu khó theo dõi quan luận và dư luận những năm gần đây, không khó để thấy, làm "người có trách nhiệm" thời nay thật chẳng dễ dàng. Chỉ cần "soi" vào những việc họ làm, những quyết định đặt bút ký và sự quan tâm không mệt mỏi của dư luận sẽ thấy rõ điều đó. Không ít những quyết định đã được ký một cách vội vàng và khi thực hiện lại phô bày hết cái sự dở như nó vốn có. Người ta đã từng lên tiếng nhiều lần về chuyện thay gạch, đá vỉa hè Hà Nội. Trước sức ép dư luận, việc này từng được tạm dừng rồi sau đó bài ca "Ta lại đào vỉa hè" tiếp tục vang lên.

Giờ đây, khi những viên đá được ca ngợi là thiên nhiên, bền chắc vừa thay đã sụt lún thì người ta mới bảo nhau "dừng lại để xem xét". Nó có khác đâu chuyện thay cây cho các tuyến phố Hà Nội mấy năm trước đây, quyền lợi của người dân và của những người có trách nhiệm dường như có xung đột. Chả thế mà khi người ta thực hiện việc chặt phá thì không ít người dân Thủ đô đã ôm chặt cây xanh một cách quyết liệt và đầy tình thương mến. Và cuối cùng tình yêu Hà Nội, tình yêu thiên nhiên đã thắng!

Với sự phát triển như vũ bão của internet và mạng xã hội, báo chí – truyền thông giờ đây như thể con nước mà những chiếc ghế nóng là những chiếc thuyền giữa tâm bão dư luận. Phải tài – đức, bản lĩnh và có cái tâm sáng thì mới có thể đứng vững.

Khi những vụ việc tương tự như trên xảy ra, khổ nỗi, những người có trách nhiệm buộc phải trả lời trước dư luận, báo chí và đó là một công việc thực sự khó khăn. Thậm chí, sự đối mặt này còn khó khăn hơn cả khi đặt bút ký các quyết định chưa hợp với lòng dân. Chả thế mà các bác lắm khi lâm vào tình thế "câu nói chẳng nói, nói câu không".

Xin đưa ra đôi ví dụ: Những ngày gần đây, dư luận được dịp "mắt chữ o, mồm chữ a" khi nghe bác Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP HCM Bùi Xuân Cường phát biểu: "Đường không có xe lưu thông cũng nhanh hỏng". Không kém cạnh, bác Giám đốc Sở Giao thông Hà Nội Vũ Văn Viện cũng rất hồn nhiên: "Người dân ủng hộ tăng giá trông giữ xe". Bác lấy dẫn chứng là trên cổng thông tin điện tử của thành phố, các ý kiến đều đồng tình với việc tăng giá giữ xe tại các điểm trông xe trong thành phố.

Có tới... 15 ý kiến đóng góp cho “Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của HĐND thành phố Hà Nội” về việc tăng giá trông giữ xe - Ảnh: Vietnamnet

Người viết đã lẩn mẩn tìm kiếm trên Cổng giao tiếp điện tử của Hà Nội (hanoi.gov.vn), thì tại mục "Lấy ý kiến" về các dự thảo đúng là có tới… 15 ý kiến đóng góp cho "Dự thảo Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 20/2016/NQ-HĐND ngày 06/12/2016 của HĐND thành phố Hà Nội" về việc tăng giá trông giữ xe. Trong 15 ý kiến ấy thì có 2 ý kiến của cùng 1 người với tên và số điện thoại giống nhau, còn lại có 5/14 ý kiến đề nghị giữ nguyên mức giá cũ.

Trong khi đó, ông Hứa Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường Thành Công (Ba Đình) thì trả lời báo chí rằng "Việc lấy ý kiến tăng phí lòng đường, hè phố thì tôi chưa nghe thấy. Chắc là lấy ý kiến của MTTQ thành phố hoặc quận còn dưới cơ sở thì không hề có việc đó". Với "chất lượng" của phần lấy ý kiến như vậy, quả thật đáng nể khi bác Giám đốc Sở Giao thông đưa ra một lời khẳng định chắc nịch như vậy.

Ấy vậy mà, những chuyện nói hớ với dư luận và công luận vẫn còn là chuyện nhỏ so với vụ án đang chấn động dư luận mấy ngày qua. Giới báo chí phải thừa nhận rằng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nguyên Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Đinh La Thăng là bậc thầy về truyền thông. Ông rất biết đối với báo chí thì cần phải thế nào… Thế mà vì những sai phạm ở PVN và Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, ông đã bị bắt tạm giam để điều tra vụ án…

Báo chí là diễn đàn của mọi tầng lớp nhân dân. Nhưng báo chí giờ đây không còn nắm thế độc quyền thông tin nữa. Với sự phát triển như vũ bão của internet và mạng xã hội, báo chí - truyền thông giờ đây như thể con nước mà những chiếc ghế nóng là những chiếc thuyền giữa tâm bão dư luận. Phải tài - đức, bản lĩnh và có cái tâm sáng thì mới có thể đứng vững.

Vì thế, những chiếc ghế nóng giờ đây dù còn rất thơm nhưng đó là mùi thơm của miếng tóp mỡ. Ai ngồi vào đó sẽ phải thận trọng, biết liệu sức mình.

Có thể bạn quan tâm