Giá Bitcoin tăng lên 106.000 USD, cao nhất 4 tháng

Bitcoin đã tăng vọt lên hơn 106.000 USD, mức cao nhất trong 4 tháng, khi thị trường tiền mã hóa bùng nổ nhờ hiệu ứng “short squeeze” lan rộng, dòng tiền từ tổ chức và kỳ vọng lãi suất Mỹ giảm…

Giá Bitcoin tăng lên 106.000 USD, cao nhất 4 tháng

Sáng 20/5 theo giờ Việt Nam, Bitcoin, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới, tăng 1,24% lên 106.292 USD. Hầu hết các đồng altcoin đều “chạy” theo đà hưng phấn của Bitcoin, với Ether “nhảy vọt” 6,99% đạt 2.581 USD. XRP, Solana lần lượt leo 0,62% và 2,6%.

Đối với nhóm meme coin, Dogecoin thêm 1,88% và đồng TRUMP tăng 1,04%.

Tổng vốn hóa thị trường tiền mã hóa toàn cầu hiện ở mức 3,37 nghìn tỷ USD, với khối lượng giao dịch trong 24 giờ qua đạt 136,72 tỷ USD.

btcusdt-2025-05-20-10-28-34.png
Diễn biến giá Bitcoin

Đà tăng của thị trường tiền số tiếp tục được củng cố, với Bitcoin “chọc thủng” mốc 106.000 USD, hiện chỉ thấp hơn khoảng 3% so với ngưỡng đỉnh lịch sử 109.228 USD ghi nhận hồi đầu năm.

Động lực tăng giá lần này được cho là đến từ sự kết hợp giữa thanh khoản mỏng và các lệnh mua tự động theo thuật toán tại các ngưỡng kỹ thuật quan trọng. Loạt yếu tố đó đã kích hoạt một đợt “bán non” (short squeeze) kinh điển. “Short squeeze" là hiện tượng xảy ra khi giá của một tài sản (điển hình như Bitcoin) tăng mạnh, buộc các nhà đầu tư trong vị thế bán khống (short) phải mua lại để cắt lỗ nhằm hạn chế thiệt hại. Lực mua đột ngột ngày càng khiến giá càng tăng cao hơn nữa, tạo nên hiệu ứng "ép" mạnh.

Tính từ đầu tháng 5 đến nay, Bitcoin đã tăng hơn 11%, chủ yếu nhờ kỳ vọng hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng tác động đến thị trường tiền mã hoá, ví dụ các báo cáo lạm phát yếu hơn dự kiến tại Mỹ trong tuần trước đã thúc đẩy hy vọng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trong năm nay, dù giới đầu tư vẫn thận trọng với khả năng lạm phát có thể tăng trở lại nếu các mức thuế mới được áp dụng. Trường hợp lạm phát duy trì ở mức thấp và triển vọng lãi suất giảm thường làm suy yếu đồng USD, từ đó khiến các tài sản thay thế như Bitcoin trở nên hấp dẫn hơn.

Bên cạnh đó, dòng tiền từ các nhà đầu tư tổ chức cũng đóng vai trò quan trọng cho đà tăng hiện tại. Mới đây, Strategy Inc đã chi khoảng 764,9 triệu USD để mua vào 7.390 Bitcoin, cho thấy niềm tin ngày càng lớn của doanh nghiệp đối với Bitcoin như một tài sản chiến lược. Tổng lượng Bitcoin mà công ty nắm giữ nay đã tăng lên 576.230 Bitcoin, tương đương 60 tỷ USD tính theo giá trị hiện tại. Thương vụ được tài trợ thông qua nguồn vốn huy động từ việc phát hành cổ phiếu phổ thông và cổ phiếu ưu đãi.

Nhiều sàn giao dịch lớn cũng đang mở rộng hoạt động với tiền mã hóa. Coinbase Global Inc vừa trở thành công ty tài sản số đầu tiên được đưa vào chỉ số S&P 500.

Tâm lý tích cực đối với Bitcoin còn được nâng đỡ nhờ kỳ vọng về môi trường pháp lý thuận lợi dưới thời Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) Paul Atkins. Những bất ổn kinh tế vĩ mô, chẳng hạn như việc Moody's hạ xếp hạng tín nhiệm của Mỹ, đang khiến nhiều nhà đầu tư tìm đến các tài sản lưu trữ giá trị thay thế.

Theo nhà phân tích Rekt Capital, nhiều khả năng thị trường sẽ sớm thiết lập mốc đỉnh mới khi Bitcoin vượt ngưỡng 105.000 USD. Bên cạnh đó, chuyên gia McKenna từ Arete Capital cũng nhắc đến sự trở lại của “Coinbase premium” như một dấu hiệu cho thấy nhu cầu đối với tiền mã hóa tại Mỹ đang gia tăng.

Ở chiều ngược lại, nhà phân tích Willy Woo cảnh báo rằng tốc độ tăng trưởng của Bitcoin đang có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn cao hơn phần lớn các loại tài sản khác. Ông dự đoán tốc độ tăng trưởng trung bình của Bitcoin sẽ ổn định ở mức khoảng 8% mỗi năm trong vòng 15–20 năm tới. Hiện tại, Bitcoin vẫn là một trong những tài sản có hiệu suất tốt nhất trên thị trường tài chính toàn cầu.

Xem thêm

Có thể bạn quan tâm

Cẩn trọng với công cụ tạo hình ảnh cá nhân bằng ChatGPT

Cẩn trọng với công cụ tạo hình ảnh cá nhân bằng ChatGPT

Công cụ tạo ảnh của ChatGPT đã tạo nên những trào lưu “viral” trên khắp các trang mạng xã hội, nhưng việc này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về quyền riêng tư nếu người dùng không thực hiện một vài bước đơn giản để tự bảo vệ danh tính cá nhân…