Giá điện tăng 3% tác động thế nào đến các ngành sử dụng nhiều điện?

EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp…
giá điện

Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vừa ký quyết định tăng giá bán điện bình quân kể từ ngày 4/5/2023. Theo đó, giá bán điện bình quân sẽ tăng thêm 55,93 đồng/kWh, tương đương tăng 3%. Như vậy, giá điện bán lẻ bình quân đã được điều chỉnh tăng sau 4 năm đứng giá…

Điều chỉnh sau 4 năm chuẩn bị

Quyết định 24/2027 của Thủ tướng về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân nêu rõ trên cơ sở kế hoạch cung cấp điện, vận hành hệ thống điện, kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm trước liền kề, ước kết quả sản xuất kinh doanh điện trong năm, EVN sẽ tính toán giá bán điện bình quân. 

Trường hợp giá giảm so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá quy định, EVN có trách nhiệm giảm giá tương ứng. 

Nếu giá bán điện bình quân tăng 3-5% so với mức giá hiện hành, EVN được quyết định điều chỉnh giá. Nếu mức giá bán lẻ bình quân tăng từ 5% đến dưới 10% thì thẩm quyền thuộc Bộ Công Thương và tăng từ 10% trở lên thì sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến.

Quyết định cũng quy định thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

Như vậy, với quy định này giá điện có thể được điều chỉnh tăng, giảm theo biến động của các thông số đầu vào.

Thực tế, trước các biến động trên thế giới, giá các loại nhiên liệu cung ứng cho sản xuất điện như than, xăng dầu, khí đều tăng rất cao. Năm 2022, giá than pha trộn tăng bình quân từ 34,7% đến 46,4%; than nhập khẩu tăng 163%, đặc biệt có thời điểm tăng 411% so với bình quân năm 2021, dẫn đến chi phí mua điện từ các nhà máy sử dụng than cũng tăng cao. Giá khí thị trường bình quân năm 2022 tăng 27,4%.

Trong khi đó, theo cơ cấu chi phí mua điện năm 2022, chi phí mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than chiếm tỷ trọng 47,9%, từ thủy điện chiếm 20,9%, từ nhiệt điện khí chiếm 12,7%, từ năng lượng tái tạo chiếm 17,1% và phần còn lại từ nhập khẩu và nhiệt điện dầu chiếm 1,4%, dẫn đến chi phí mua điện cao hơn so với thông số tính toán giá bán lẻ điện bình quân hiện hành. 

Số liệu giá thành sản xuất kinh doanh điện 2022 được Bộ Công Thương công bố cuối tháng 3, giá sản xuất là 2.032,26 đồng một kWh, tăng 9,27% so với năm 2021. Tức là với mức giá bán lẻ bình quân hiện hành 1.864,44 đồng, EVN đang bán lỗ gần 168 đồng một kWh.

Theo một chuyên gia ngành điện, trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện tăng, giá bán điện bình quân hiện hành giữ nguyên từ năm 2019 cho đến nay đã làm cho giá không bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh, dẫn đến ngành điện gặp nhiều khó khăn. 

Tuy nhiên, theo quyết định 24/2017 của Chính phủ giá điện đã có thể được điều chỉnh thường xuyên hơn theo biến động của các thông số đầu vào, có tăng và giảm. Vì vậy đặt ra một vấn đề, liệu các chính sách hiện hành có đang đi chậm hơn so với thực tế?

Theo Nikkei Asia, giá than dùng cho sản xuất điện đã giảm về mức trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine cách đây một năm. Tính đến cuối tháng 2, giá than chất lượng cao giao ngay vận chuyển từ cảng Newcastle (Australian) giao dịch ở mức 179 USD/tấn, giảm gần 60% so với ngưỡng kỷ lục thiết lập hồi tháng 9 năm ngoái.

Đà tăng giá than kéo dài đến giữa tháng 1/2023, giao dịch quanh mức 400 USD/tấn sau đó giảm dần do các nước tìm kiếm nguồn cung thay thế cho than của Nga.

Với tình hình giá than, giá xăng đang trên đà giảm, câu hỏi đặt ra là chi phí cho sản xuất điện có giảm theo và giá điện có được điều chỉnh giảm trong thời gian tới hay không?

Lợi nhuận ngành thép, hóa chất, xi măng sẽ giảm

Nhận định về tác động của việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện, các chuyên gia chứng khoán khoán Mirae Asset nhận thấy việc tăng giá điện lần này chưa có tác động tích cực một cách rõ nét.

Đối với ngành điện, trên thực tế các công ty đã thỏa thuận dài hạn khi ký hợp đồng mua bán điện với EVN, nên việc tăng giá bán điện bình quân trong ngắn hạn chưa thể tác động đến doanh thu doanh nghiệp sản xuất.

Cụ thể như Nhiệt điện Phả Lại, Quảng Ninh..., những dự án lớn ký hợp đồng thỏa thuận trong 25 năm, giá mua bán điện được đàm phán qua từng giai đoạn. Với những doanh nghiệp phân phối điện, việc tăng giá điện có thể tác động tích cực, vì hợp đồng đã ký dài hạn với giá rẻ, nay bán giá cao, giúp lợi nhuận doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ tăng.

Ngoài ra, việc tăng giá bán lẻ điện xét trên nhiều phương diện, phòng phân tích Mirae Asset nhận thấy một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy.

Theo ước tính của các chuyên gia, chi phí điện chiếm khoảng 9 - 10% giá vốn hàng bán đối với doanh nghiệp sản xuất thép, mức này cũng tương đương với doanh nghiệp thuộc ngành hóa chất.

Riêng lĩnh vực xi măng chiếm khoảng 14 - 15% trên giá vốn hàng bán, trừ những doanh nghiệp lớn có lò quay xi măng thì chi phí điện chiếm khoảng 9 -10% giá vốn hàng bán.

Với doanh nghiệp sản xuất giấy, ước tính chi phí điện chiếm tỷ trọng thấp hơn một vài ngành khác, chiếm trung bình 4 - 5% trên chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.

Với giả định, nếu chi phí điện tăng thêm, doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang người tiêu dùng. Mirae Asset ước tính, chi phí điện tăng 3% làm cho giá vốn hàng bán

tăng thêm, thì tổng lợi nhuận trước thuế của từng ngành có thể giảm tối đa tương ứng.

Cụ thể, lợi nhuận trước thuế ngành thép giảm 15%, ngành giấy giảm 2%, ngành xi măng giảm 13%, ngành hóa chất giảm 1%. 

“Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp có thể chuyển chi phí điện tăng, bằng cách tăng giá bán cho người tiêu dùng thì có thể làm giảm ảnh hưởng việc gia tăng chi phí đầu vào”, nhóm phân tích nhấn mạnh.

Nhìn tổng thể bức tranh EVN tăng giá điện bán lẻ sẽ làm giá vốn hàng bán của các doanh nghiệp sản xuất tăng làm giảm lợi nhuận, đâu đó sẽ ảnh hưởng phần nào tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Đối với các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất điện dường như không được hưởng lợi trong ngắn hạn, niềm vui vẫn thuộc về doanh nghiệp phân phối điện. Về dài hạn, giá điện bán lẻ tăng lên cùng sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn để các doanh nghiệp điều chỉnh tăng giá bán điện, phản ánh đúng tỉ lệ cung cầu trên thị trường điện. 

Xem thêm

Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện mới

Bộ Công Thương đề xuất biểu giá điện mới

Bộ Công Thương vừa có văn bản lấy ý kiến các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá biểu giá bán lẻ điện mới. Theo đề án mới, mức giá điện này hướng tới đảm bảo ổn định giá điện cho các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội có mức sử dụng điện thấp (chiếm 33,48% số hộ)

Có thể bạn quan tâm