Tính đến 12/8, chỉ số hợp đồng hàng hoá có kỳ đáo hạn không đổi của UBS đã giảm khoảng 11% so với mức đỉnh hồi đầu tháng 6. Nhưng chỉ số này vẫn tăng khoảng 16% tính từ đầu năm đến nay.
Lý do được cho là do triển vọng tăng trưởng xấu hơn, đồng USD mạnh hơn và thị trường bất động sản Trung Quốc rơi vào khủng hoảng, nền kinh tế toàn cầu đang đối mặt nhiều khó khăn, thử thách.
Trong báo cáo mới, các chiến lược gia của UBS Global Wealth Management (GWM) nhận định các hạn chế từ phía nguồn cung - yếu tố từng làm bệ đỡ cho đà tăng giá hàng hoá trong nửa đầu năm, cũng đang tác động đến triển vọng chung.
Mặc dù giá hàng hoá có thể giảm hơn nữa trong trường hợp nền kinh tế thế giới suy thoái sâu, Giám đốc đầu tư Mark Haefele của UBS GWM và cấp dưới cho rằng xác suất một cuộc “hạ cánh mềm” xảy ra cũng tương đương với xác suất của một cuộc suy thoái.
CNBC dẫn lời các chuyên gia tại hãng quản lý tài sản lớn nhất thế giới còn lưu ý thêm rằng những nhận định bi quan trên thị trường hàng hoá hiện không nhìn nhận đầy đủ các động lực từ phía cung.
“Về cơ bản, nguồn cung đang trở nên hạn chế do tình trạng không đầu tư trong nhiều năm. Tồn kho của nhiều hàng hoá đang ở mức thấp, chưa kể các yếu tố liên quan đến thời tiết và địa chính trị. Chúng tôi nhận thấy nhu cầu sẽ tăng trong thời gian tới”, ông Haefele bày tỏ.
UBS kỳ vọng nhu cầu của Trung Quốc sẽ phục hồi. Các dữ liệu về hoạt động sản xuất và lĩnh vực bất động sản cho thấy chính phủ Trung Quốc cần phải bơm thêm tiền để kích thích nền kinh tế.
Dù thừa nhận một gói kích thích “khủng” là rất khó xảy ra, ông Haefele cho rằng Bắc Kinh sẽ tung ra nhiều hỗ trợ hơn trong những tháng tới để góp phần ổn định nhu cầu đối với các hàng hoá như quặng sắt và kim loại công nghiệp.
Cũng theo các chiến lược gia của UBS, nói nền kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ rơi vào suy thoái là phán đoán quá vội vàng. Họ cảm thấy nhận định sẽ có cơ sở hơn khi báo cáo việc làm tháng 7 được công bố.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tạo thêm 528.000 việc làm trong tháng 7, vượt xa các dự báo đồng thuận của giới chuyên gia. Đồng thời, lạm phát giá tiêu dùng đã hạ nhiệt, cho thấy Fed không cần phải thắt chặt chính sách mạnh mẽ như dự kiến ban đầu.
“Trong khi tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế Mỹ cũng đang quay trở lại mô hình trước đại dịch. Hàng hoá và dịch vụ sẽ trải qua sự phân hoá. Khi sản xuất chững lại, các dịch vụ sẽ phát triển hơn. Khi phân hoá, dữ liệu thường cho thấy nhu cầu hàng hoá và dịch vụ sẽ trở nên đồng đều”, ông Haefele giải thích.
Ngoài ra, UBS cho rằng thị trường nhiều khả năng sẽ lại lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung. Các kim loại công nghiệp và thép - vốn cũng là các thành phần cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, sẽ là trung tâm của chu kỳ tăng giá mới trên thị trường.
“Mặc dù quan điểm này không mới, nhưng chúng tôi tin rằng thế giới vẫn chưa chuẩn bị kịp cho một đợt tăng giá hàng hoá bắt nguồn từ quá trình chuyển đổi xanh”, Giám đốc đầu tư của UBS GWM nói.
“Hơn nữa, dù giá hàng hoá đã tăng cao hơn, thu nhập bấp bênh của các nhà khai thác trong hơn một thập kỷ qua và những lo ngại về môi trường, xã hội và quản trị (ESG) đã hạn chế đầu tư vào nguồn cung tương lai của nhiều kim loại quan trọng như đồng”, ông nói tiếp.
Điều đó đồng nghĩa rằng nguồn cung sẽ khó bắt kịp khi nhu cầu gia tăng, ông Haefele nhận định. Trên thị trường dầu mỏ, nơi cũng chứng kiến tình trạng thiếu đầu tư tương tự, các nhà sản xuất tại OPEC+ hiện không còn hoặc còn rất ít công suất dự phòng.
UBS cũng nhận thấy rằng sự chênh lệch cung cầu đối với các mặt hàng nông nghiệp sẽ kéo dài sang năm sau, do chiến sự tại Ukraine tiếp tục, giá năng lượng leo thang, trang trại thiếu lao động và thời tiết khắc nghiệt.
Ông Haefele cho rằng về tổng thể, thị trường hàng hoá đang bị “quá tải” và các nhà đầu tư sẽ bắt đầu bớt quan tâm tới tăng trưởng ngắn hạn mà chuyển sang lo ngại hơn về áp lực từ phía nguồn cung. UBS dự đoán lợi nhuận trả về từ các khoản đầu tư vào thị trường hàng hoá trong 6 đến 12 tháng tới rơi vào khoảng 15 - 20%.