Ngày 14/12, giá thu mua lợn hơi tại các tỉnh trên cả nước biến động không đồng đều. Cụ thể, miền Nam giảm nhẹ 1.000 đồng/kg và miền Trung – Tây Nguyên giữ nguyên giá. Chỉ riêng các tỉnh tại miền Bắc ghi nhận đà tăng cao nhất 2.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Bắc
Lợn hơi tại miền Bắc có giá tăng tại nhiều địa phương, dao động trong khoảng 49.000 - 51.000 đồng/kg.
Theo đó, sau khi tăng 2.000 đồng/kg, Thái Bình đang thu mua lợn hơi ở mức 51.000 đồng/kg, mức giá cao nhất cùng với Yên Bái. Ngược lại, Ninh Bình có giá thấp nhất cả nước với 49.000 đồng/kg.
Các địa phương gồm Bắc Giang, Lào Cai, Nam Định, Phú Thọ và Tuyên Quang ghi nhận mức 50.000 đồng/kg sau khi cùng tăng 1.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi tại miền Trung – Tây Nguyên
Tại khu vực này, giá lợn hơi hôm nay dao động trong khoảng 47.000 - 49.000 đồng/kg. Cụ thể, mức giá thấp nhất khu vực 47.000 đồng/kg được ghi nhận tại Hà Tĩnh, Bình Định, Đắk Lắk và Ninh Thuận.
Bên cạnh đó, mức giá cao nhất khu vực ghi nhận tại Quảng Bình, Quảng Ngãi và Lâm Đồng với 49.000 đồng/kg. Giá lợn hơi tại các địa phương còn lại ổn định.
Giá lợn hơi tại miền Nam
Giá lợn hơi giảm nhẹ 1.000 đồng/kg, dao động quanh mức 47.000 - 51.000 đồng/kg. Theo đó, sau khi giảm 1.000 đồng/kg, Vĩnh Long và Bến Tre đang có giá giao dịch lợn hơi là 48.000 đồng/kg. Mức giá cao nhất khu vực 51.000 đồng/kg được ghi nhận tại Cà Mau.
Ngoài ra, giá thu mua thấp nhất khu vực 47.000 đồng/kg được ghi nhận tại Bình Phước, Đồng Nai, TP.HCM, Bình Dương. Các địa phương khác không ghi nhận sự biến động mới về giá.
Trong 10 tháng đầu năm, thịt và các sản phẩm từ thịt của Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là các loại như thịt lợn tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt khác và phụ phẩm dạng thịt ăn được sau giết mổ của động vật khác tươi, ướp lạnh hoặc đông lạnh, thịt và phụ phẩm ăn được sau giết mổ của gia cầm…
Mới đây, Trung Quốc đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu đối với ba nhà xuất khẩu thịt đỏ lớn nhất tại Australia. Trong thông báo, cơ quan hải quan Trung Quốc nêu rõ dỡ bỏ lệnh cấm nhập khẩu thịt bò và thịt cừu từ các nhà máy của công ty thực phẩm toàn cầu JBS tại Australia cũng như các công ty Australian Lamb Company và Teys Australia.
Bộ trưởng Nông nghiệp Australia cho rằng đây là tin vui đối với nông dân và các nhà chế biến thịt trong nước. Đồng thời, nhấn mạnh việc bình thường hóa quan hệ thương mại mang lại lợi ích lớn đối với ngành nông nghiệp vì Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Australia.
Từ năm 2020, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu thịt đỏ từ 11 nhà sản xuất tại Australia. Ngành chăn nuôi của Australia ước tính đã chịu thiệt hại tới hàng trăm triệu USD do các lệnh cấm của Trung Quốc. Hiện vẫn còn 8 cơ sở giết mổ gia súc nằm trong diện cấm. Hiệp hội ngành thịt của Australia khẳng định sẽ tiếp tục nỗ lực vận động dỡ bỏ các lệnh cấm còn lại nhằm duy trì năng lực tiếp cận thị trường Trung Quốc.