Liên tục mò đáy, giá lợn được dự báo sẽ sớm quay đầu và tăng mạnh trở lại

Từ đầu năm đến nay, thị trường lợn hơi trong nước khá ảm đạm, giá thu mua liên tục biến động và chưa có mức tăng vượt bậc. Tuy nhiên, theo dự báo của lãnh đạo Cục Chăn nuôi, giá lợn hơi dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024 sẽ tăng...

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
lon-3-5245.jpg
Giá lợn hơi được dự báo sẽ tăng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024

Từ đầu năm 2023, thị trường lợn hơi Việt Nam đã ghi nhận nhiều biến động về mặt giá cả. Từ tháng 7/2023, mức giá thu mua lợn hơi vẫn chưa có sức bật lớn nhưng được dự báo sẽ tăng khoảng 10 - 15% vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán.

THỊ TRƯỜNG CHƯA CÓ SỨC BẬT

Theo thống kê của Cục Chăn nuôi, thị trường lợn hơi từ đầu năm ghi nhận biến động liên tục. Cụ thể, giá lợn hơi xuất chuồng trung bình trong 4 tháng đầu năm 2023 dao động từ 49.000 - 52.000 đồng/kg. Từ tháng 5 đến tháng 7, giá tăng mạnh lên mức 61.000 đồng/kg sau đó giảm liên tục.

Giá giảm đều ở cả ba miền và giảm mạnh nhất vào tuần cuối tháng 9 và 3 tuần đầu tháng 10, lập đáy mới với giá trung bình ba miền là 49.000 đồng/kg. So sánh với năm 2022, giá lợn hơi xuất chuồng năm 2023 chênh lệch từ 400 - 6.600 đồng/kg. Trong đó, mức giá cao nhất năm được ghi nhận trong tháng 7.

giá lợn 10 tháng đầu năm.JPG
Diễn biến giá lợn hơi tại 3 miền 10 tháng đầu năm 2023

Tại “Hội nghị phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024”, Phó Cục trưởng Cục Thú y Phan Quang Minh cho biết, thời gian gần đây, dịch tả lợn Châu Phi lây lan rộng ra nhiều địa phương, người chăn nuôi lo sợ đành bán tháo đàn. Cung tăng, sức tiêu thụ trên thị trường lại chậm khiến giá bán lợn hơi giảm khá mạnh.

Thực tế, tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã xuất hiện trên 530 ổ dịch bệnh, buộc tiêu hủy trên 20.000 con lợn. Đặc biệt, dịch bệnh có chiều hướng gia tăng tại các địa phương có tổng đàn lớn gây ảnh hưởng tiêu cực đến ngành chăn nuôi lợn.

Liên quan đến tình hình dịch bệnh, Phó Cục trưởng Cục Thú y thông tin thêm, tình trạng nhập lậu gia súc, gia cầm và sản phẩm động vật làm gia tăng nguy cơ dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm xâm nhiễm vào Việt Nam. Đồng thời, việc buôn bán, vận chuyển lợn, giết mổ cuối năm tăng cao dễ lây lan nguồn bệnh nếu không được kiểm soát tốt.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 9 tháng đầu năm, lực lượng chức năng đã thu giữ gần 160.000 động vật, gần 44.000 quả trứng gia cầm, hơn 116.000 kg sản phẩm động vật. Sản phẩm động vật nhập lậu thường được đưa qua các địa bàn biên giới giữa Việt Nam với Lào, Campuchia.

Về thức ăn chăn nuôi, chi phí vẫn duy trì ở mức cao và đi ngang từ đầu quý 3/2023. Giá các loại thức ăn chăn nuôi hầu như tăng nhẹ từ 0,4 - 4,3%. Giá các loại ngũ cốc tăng nhẹ khoảng 4 - 5% và giá các loại thức ăn tổng hợp giảm nhẹ khoảng 0,3 - 5,3%.

thức ăn chăn nuôi.JPG
Nguồn: VCBS

Tại Trung Quốc, giá lợn bật tăng từ đầu tháng 7. Sang tháng 8, thị trường lợn nước này về đà đi ngang và có xu hướng giảm. Giá mặt hàng này đang chịu nhiều áp lực do nguồn cung vượt quá nhu cầu. Vì vậy, mới đây, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) cho biết sẽ dự trữ thịt lợn tại các kho dự trữ trung tâm để bình ổn giá mặt hàng chủ lực này.

Đây sẽ là đợt mua và dự trữ thịt lợn vào các kho trung tâm lần thứ 3 trong năm nay của Trung Quốc. Bên cạnh đó, giá thịt lợn trung bình tại đất nước này so với giá ngũ cốc đã nằm trong mức cảnh báo cao thứ 2 trong hơn 3 tuần liên tiếp.

Như vậy có thể thấy rằng, giá lợn đang chịu áp lực giảm từ mọi phía. Giá nguyên vật liệu đầu vào tăng nhưng nguồn cung cả trong và ngoài nước tăng nhiều hơn, khiến giá lợn không thể đi lên mà còn có xu hướng đi xuống như đã nêu.

GIÁ LỢN DỰ BÁO TĂNG 10 – 15%

Tại “Hội nghị triển khai giải pháp thúc đẩy phát triển chăn nuôi lợn trong tình hình mới”, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng nhận định, chăn nuôi lợn được coi là ngành chủ lực quan trọng, đã và đang chuyển dịch từ chăn nuôi quy mô nhỏ sang chăn nuôi tập trung, hàng hóa, quy mô lớn.

Trong những tháng đầu năm 2023, giá thức ăn chăn nuôi vẫn duy trì ở mức cao so với giai đoạn trước dịch Covid-19 làm giá thành sản xuất chăn nuôi lợn vẫn ở mức cao. Trong khi đó, giá xuất chuồng có thời điểm giảm khá sâu khiến lợi nhuận của người chăn nuôi bị giảm, ảnh hưởng tới khả năng tái đàn và tốc độ tăng trưởng các đàn vật nuôi.

Trong một hội nghị khác, ông Đăng cho biết, tổng đàn lợn và gia cầm năm nay tăng 5%. Nguồn cung các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm cho dịp cuối năm và Tết sẽ được đảm bảo, không lo thiếu. Do đó, thời gian tới, giá các mặt hàng sẽ tăng nhưng mức tăng chỉ khoảng 10 - 15%.

Đồng tình với ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến lý giải giá các mặt hàng này tăng vì nền giá bây giờ quá thấp, nguyên nhân do sức tiêu thụ giảm. Khi sức tiêu thụ trên thị trường tăng, giá bán sản phẩm chắc chắn sẽ tăng theo.

Do vậy, thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán, khi nhu cầu mua hàng của người dân tăng thì giá lợn hơi cũng sẽ được kéo theo. Giá bán tăng, người chăn nuôi thoát cảnh thua lỗ cũng mạnh dạn tái đàn. Như vậy, nguồn thực phẩm những tháng sau đó mới được đảm bảo, tốc độ tăng trưởng của ngành được duy trì.

Về sản lượng năm 2024, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ dự đoán sản lượng thịt lợn Việt Nam trong năm 2024 sẽ tăng 5% lên mức 3,7 triệu tấn nhờ sự phục hồi của nhu cầu trong nước khi các hoạt động kinh tế tăng tốc trở lại, hoạt động chăn nuôi được cải thiện nhờ gia tăng đầu tư và sự hợp nhất trong ngành chăn nuôi.

Liên quan đến phát triển ngành chăn nuôi lợn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, chăn nuôi lợn cần hướng đến xuất khẩu.

“Nếu so sánh với nhiều ngành hàng nông nghiệp khác thì chăn nuôi đang sản xuất được nhiều nhưng xuất khẩu chưa được bao nhiêu”.

thứ trưởng phùng đức tiến.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến

Về giải pháp, các doanh nghiệp phải đầu tư công nghệ, đẩy mạnh chế biến sâu, đa dạng sản phẩm nhằm tiêu thụ ở nhiều thị trường khác nhau. Bên cạnh đó, một trong những yêu cầu hiện nay là phải độc lập, tự chủ được nguồn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Đây cũng là mục tiêu Thủ tướng Chính phủ đặt ra cho Bộ.

Thứ trưởng đã yêu cầu ngành chăn nuôi bám sát 5 đề án ưu tiên thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045 bao gồm phát triển công nghiệp sản xuất giống vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi; phát triển công nghiệp chuồng trại và xử lý chất thải chăn nuôi; phát triển công nghiệp giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh hoạt động khoa học - công nghệ, khuyến nông trong chăn nuôi và tăng cường năng lực quản lý nhà nước ngành chăn nuôi.

Đồng thời, Bộ cũng đã ký kết với một số doanh nghiệp triển khai xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Tây Nguyên. Được biết Việt Nam hiện có khoảng 800.000 ha có thể chuyển sang trồng ngô, đậu tương... để có nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi công nghiệp.

Ngoài ra, nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hoá thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2024, Bộ Công Thương mới đây đã chỉ đạo tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đề nghị thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng khan hàng, sốt giá.

Có thể bạn quan tâm