Giá nhà khó giảm và có xu hướng tăng chậm vào năm 2024

Khi nguồn cung sản phẩm trên thị trường bất động sản đang thiếu hụt, trong khi sức cầu vẫn cao thì giá nhà sẽ không giảm như sự mong đợi của nhiều người…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
thi-truong-bat-dong-san-1709 (1).jpg
Giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua

Nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng giá bất động sản sẽ tăng đối với các thị trường thiếu nguồn cung, đặc biệt là ở các loại hình bất động sản có nhu cầu cao. Tốc độ tăng có thể chậm hơn so với giai đoạn trước.

NHU CẦU THỰC LÊN NGÔI

Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, chỉ số giá đất nền duy trì mức tăng ổn định từ 2018 đến nay và có xu hướng phân hóa giữa các vùng, khu vực cụ thể trong năm 2023.

Sau một giai đoạn dài từ quý 1/2018 đến quý 3/2023, giá rao bán đất nền miền Nam đã tăng 71%, miền Bắc tăng 54%. Như vậy, trong vòng 5 năm qua, mức độ tăng giá trung bình của đất nền miền Nam cao hơn miền Bắc.

Tuy nhiên, xét riêng năm 2023, giá đất nền 2 miền đã có chiều hướng dịch chuyển khác biệt. Giá rao bán trung bình đất nền miền Bắc vẫn duy trì xu hướng tăng, đến quý 3/2023 đã tăng 4,9% so với quý 4/2022. Trong khi đó, biểu đồ giá đất nền miền Nam có dấu hiệu đi xuống, từ cuối năm ngoái đến nay đã giảm 26,2%.

Ở thị trường bất động sản thấp tầng toàn quốc rơi vào trầm lắng với lượng giao dịch suy giảm. Báo cáo quý 3/2023 của Batdongsan.com.vn nhận định, rào cản lớn nhất với người mua ở thời điểm hiện tại vì các loại hình bất động sản thấp tầng có giá cao hơn nhiều so với mặt bằng thu nhập của người dân và sản phẩm có giá trị lớn khó thực hiện vay để mua.

Giá rao bán trung bình nhà phố vào quý 3/2023 là 333 triệu đồng/m2 tại Hà Nội, và 209 triệu đồng/m2 tại TP.HCM.

Trong khi đó, nhà liền kề, biệt thự tại các khu đô thị vùng ven khá tiềm năng nhờ mạng lưới cơ sở hạ tầng tương lai hỗ trợ cho xu hướng kéo giãn các đô thị ra vùng ven và lân cận​. Nhiều khu đô thị ven đô chứng kiến tốc độ tăng giá biệt thự, liền kề tốt trong những năm qua.

Đối với nhà riêng, mức độ quan tâm và giá rao bán vẫn giữ sự ổn định ở Hà Nội, do đây là loại hình phục vụ nhu cầu ở thực nên nhu cầu vẫn được duy trì. Trong quý 3/2023, giá rao bán nhà riêng ở nhiều quận vẫn tăng từ 4% - 9% so với cùng kỳ 2022. Còn tại TP.HCM, giá rao bán và mức độ quan tâm nhà riêng đang có xu hướng giảm nhưng mức giảm không quá 10% so với quý 3/2022.

Riêng chung cư là loại hình bất động sản ít bị ảnh hưởng nhất bởi các tác động tiêu cực của thị trường trong năm qua, do loại hình này phục vụ nhu cầu ở thực. Quý 3/2023, mức độ quan tâm chung cư đã có dấu hiệu phục hồi, nhu cầu tìm mua cư tăng 1% và tìm thuê tăng 6% so với quý trước. Trong đó, các căn hộ có giá từ 2 - 4 tỷ đồng được tìm kiếm nhiều nhất.

Ảnh màn hình 2023-11-17 lúc 09.05.53.png
Nguồn: Batdongsan.com

Trong năm 2023, giá rao bán chung cư không có nhiều thay đổi, chỉ tăng nhẹ từ 1% - 5% tại Hà Nội và gần như đi ngang ở TP.HCM. Tuy nhiên, xét trong giai đoạn dài từ năm 2015 đến nay, chỉ số tăng giá chung cư Hà Nội và TP.HCM đã vượt tốc độ tăng thu nhập của người dân. Sau 8 năm, giá chung cư TP.HCM và Hà Nội tăng lần lượt là 82% và 56%, trong khi thu nhập của người dân khu vực thành thị chỉ tăng 39%.

KHÓ GIẢM VỀ GIÁ

Chia sẻ về giá cả bất động sản thời gian qua, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, mặt bằng giá đã tăng trưởng cao sau một khoảng thời gian dài. Xét riêng về các thành phố, đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc Đà Nẵng thì mặt bằng giá ở đây sẽ rất khó có chuyện giá sẽ giảm mạnh ở các khu vực này.

Lý giải cho việc giá bất động sản khó giảm là quan hệ giữa cung và cầu. Hiện tại ở các thành phố nhu cầu về nhà nó rất là lớn, bởi vì mật độ dân số cao, ví dụ, Hà Nội mật độ gấp 8 lần và TP.HCM gấp 14 -16 lần trung bình cả nước, đồng thời, xu hướng một năm là đô thị hóa tại các thành phố lớn tăng từ 1 – 2%.

Còn nguồn cung chỉ có hai loại hình là sơ cấp và thứ cấp. Về thứ cấp bản chất khó có thể mọc thêm được quá nhiều, Còn đối với sơ cấp, thời gian qua nhiều dự án đang phải gỡ vướng pháp lý. Từ năm 2019 đến nay, nguồn đưa ra thị trường bất động sản không có nhiều, kết hợp với việc cầu tăng cao, nên mặt bằng nhà khó có xu hướng giảm mạnh.

Đối với các địa phương khác, xu hướng chung giá nằm ở mức phù hợp. Tuy nhiên, những địa phương này khó thu hút người dân đến ở, do thiếu đầu tư về fdi, việc làm…. Nếu giá có tăng lên do “cơn sốt” như giai đoạn dịch Covid–19, thì thị trường cũng đang tự điều chỉnh về đúng mặt bằng giá.

Sẽ có 3 chỉ báo quan trọng báo hiệu điểm đảo chiều của thị trường bất động sản"

image003-16691112484031426806583.jpg
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Batdongsan.com.vn

Thứ nhất, về lãi suất ngân hàng, ở giai đoạn khủng hoảng trước đây, tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước có động thái hạ trần lãi suất cho đến lúc thị trường bất động sản bắt đầu đảo chiều là phải mất 1,5 năm.

Nếu như giai đoạn 2008 -2012, thị trường mất đến 4 năm mới có dấu hiệu điều chỉnh lãi suất ngân hàng thì ở giai đoạn này, ngay từ quý 1/2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều đợt điều chỉnh giảm giảm lãi suất điều hành, tiếp theo đó là các đợt giảm nhiều loại lãi suất.

Thứ hai, về tăng trưởng tín dụng, xét lại câu chuyện năm 2012, tăng trưởng tín dụng giảm từ 20% xuống còn 7%, đồng thời lạm phát lên tới 8%. Sang năm 2013, tăng trưởng tín dụng tăng lên 12% và lạm phát 6%. Ngay trong năm thực hiện nới lỏng tín dụng, thị trường bất động sản có ngay tín hiệu đảo chiều.

Ở bối cảnh thị trường hiện tại, từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 là 14 - 15%, so với mức 14% của năm 2022, đây là một tín hiệu tích cực.

Thứ ba, về chính sách bất động sản. Năm 2008, thanh khoản thị trường bất động sản lao dốc, nhưng phải đến năm 2013 mới có các chính sách hỗ trợ thị trường như gói hỗ trợ 30.000 tỷ và ban hành Luật Đất đai sửa đổi.

Còn năm 2022, thị trường lặp lại diễn biến trầm lắng khi tín dụng bị siết, lãi suất tăng, thanh khoản giảm. Tuy nhiên ngay từ cuối năm 2022, Chính phủ đã liên tiếp thực hiện các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản như gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng, Nghị định 08 giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp, Nghị quyết 33 góp phần khơi thông cho thị trường bất động sản, Nghị định 35 cho phép UBND tỉnh quy định khu vực được phân lô bán nền…

Như vậy, dựa vào những phân tích các chỉ báo trên, ông Nguyễn Quốc Anh cho rằng, thị trường bất động sản có khả năng phục hồi vào khoảng quý 2 đến quý 4/2024”.

GIẢI QUYẾT MẮT XÍCH

Kể từ năm 2018 đến nay, chính sách liên quan đến nguồn vốn cùng các quyết định của cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát thị trường bất động sản khiến nguồn cung bất động sản nhà ở sụt giảm nghiêm trọng. Nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây “áp lực" lên nguồn cung, thúc đẩy giá bất động sản liên tục thiết lập mặt bằng mới.

Trong 10 năm qua, giá địa ốc đã tăng hàng chục lần. Riêng năm 2021, giá nhà bình quân đã tăng trưởng hai chữ số, thậm chí gấp nhiều lần so với cùng kỳ. Lãi suất thấp cùng với lạm phát cao kỷ lục là những yếu tố góp phần làm giá nhà tăng mạnh, nhưng cốt lõi của vấn đề là tình trạng sụt giảm nguồn cung.

Theo nghiên cứu của Hội môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), giá cả bất động sản sẽ tăng với tốc độ khác nhau ở các khu vực và thị trường khác nhau, chủ yếu phụ thuộc vào cán cân cung - cầu. Tuy nhiên, nhìn chung giá nhà có thể sẽ không tăng nhiều vào năm 2024.

Thực tế hiện nay, những giải pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản đã phát huy tác dụng. Phía cung của thị trường đã tiếp cận được dòng vốn tín dụng. Tuy nhiên, cho vay nhà ở lại đang có chiều hướng giảm dần. Bởi trong bối cảnh kinh tế khó khăn, vay mua nhà phục vụ nhu cầu ở thực không phải là ưu tiên hàng đầu của người dân ở thời điểm hiện tại.

Hơn thế nữa, nguồn cung hiện hữu trên thị trường cũng không phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của số đông này. Đồng thời, điều kiện vay vốn “ngặt nghèo", khó thỏa mãn cùng với môi trường đầu tư, kinh doanh rủi ro buộc nhà đầu tư phải thận trọng hơn, khiến lượng khách hàng tiềm năng tham gia thị trường cũng suy giảm.

Để tăng khả năng tiếp cận nhà ở an toàn với giá hợp lý cho người dân trong bối cảnh gia tăng dân số và đô thị hóa, cần giải quyết được mắt xích tăng giá bất động sản quan trọng nhất là thiếu nguồn cung, do đất đai chưa được sử dụng tối ưu. Đồng thời cũng phải sử dụng các công cụ điều tiết cung cầu để thị trường phát triển thực chất.

Để thị trường sớm phục hồi, theo VARS, cần siết chặt kỷ cương về lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện quy hoạch. Cơ quan có thẩm quyền cần sử dụng hiệu quả công cụ lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, điều tiết nguồn cung bằng cách bố trí quỹ đất phát triển nhà ở ngay khi lập quy hoạch.

Đồng thời, người dân phải có cơ hội được biết và tham gia góp ý cho quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Để đất đai được sử dụng đúng mục đích, tiết kiệm, phát huy cao nhất “giá trị sử dụng”.

f50361ce3729ec77b538-1674803474267173017532.jpg
Nhu cầu về nhà ở không ngừng tăng, gây “áp lực" lên nguồn cung

Thêm nữa, cần xóa quy hoạch "treo", xây dựng hành lang pháp lý riêng cho việc mua bán đất đai trong những khu đã quy hoạch. Cùng với đó, cần kiểm soát chặt chẽ kinh nghiệm quản lý, năng lực tài chính của chủ thầu để đảm bảo tiến độ dự án, tránh gây thất thoát tài chính, lãng phí tài nguyên.

Cầu đầu cơ càng lớn, càng nằm ngoài kiểm soát, thì giá bất động sản càng tăng cao và biến động với biên độ lớn, làm giảm khả năng tiếp cận nhà ở của người dân.

Do đó, cần nghiên cứu phương án áp dụng mức thuế phù hợp với tài sản lũy kế theo số lượng, quy mô bất động sản sở hữu để làm giảm động lực đầu cơ. Bên cạnh đó, nên có các chính sách tín dụng làm hạn chế việc đầu cơ như áp dụng lãi suất cao hơn khi mua bất động sản thứ 2, thứ 3...

Có thể bạn quan tâm