Gia tăng cạnh tranh để tạo sức ép tăng năng suất lao động

Các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn hoạt động chưa hiệu quả, sử dụng nguồn lực khan hiếm chưa đảm bảo hiệu suất. Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước đã trở nên thiếu năng suất không kém khu vực
Gia tăng cạnh tranh để tạo sức ép tăng năng suất lao động

Trong thách thức chung về tăng năng suất của nền kinh tế, thì tăng năng suất lao động của khu vực doanh nghiệp cũng là một bài toán cần lời giải nhanh chóng.

Khi động lực chưa được phát huy

Khu vực doanh nghiệp chiếm vị trí hết sức quan trọng trong nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động khu vực doanh nghiệp sẽ đóng vai trò quyết định với việc nâng cao năng suất lao động (NSLĐ) của nền kinh tế.

Tuy nhiên, thực tế NSLĐ khu vực doanh nghiệp Việt Nam đang là một thách thức lớn. Trong bài tham luận gửi đến Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF 2017), TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ của nền kinh tế. So với năm 2007, NSLĐ khu vực doanh nghiệp gấp 2,2 lần, trong khi NSLĐ toàn nền kinh tế gấp 2,7 lần. Tốc độ tăng NSLĐ khu vực doanh nghiệp cũng thấp hơn tốc độ tăng tiền lương bình quân một lao động trong khu vực này. Theo giá hiện hành, giai đoạn 2007 - 2013, tiền lương bình quân một lao động khu vực doanh nghiệp tăng 16,9%/năm, trong khi NSLĐ bình quân khu vực doanh nghiệp chỉ tăng 12,9%/năm.

Ông Sudhir Shetty, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Đông Á và Thái Bình Dương của Ngân hàng Thế gới chỉ ra thực trạng doanh nghiệp nhà nước vẫn hoạt động chưa hiệu quả, sử dụng nguồn lực khan hiếm chưa đảm bảo hiệu suất. Trong khi đó, khu vực tư nhân trong nước đã trở nên thiếu năng suất không kém khu vực công. Nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn trong nước – có tiềm năng lớn nhất về hiệu quả kinh tế do quy mô – lại là những doanh nghiệp có năng suất thấp nhất.

Cạnh tranh sẽ là động lực thúc ép tăng năng suất

Nguyên nhân dẫn đến tốc độ tăng NSLĐ của khu vực doanh nghiệp còn thấp được các chuyên gia chỉ ra rất nhiều, nhưng nguyên nhân gốc rễ là do chưa có thị trường cạnh tranh thực sự để trở thành động lực thúc đẩy đổi mới sáng tạo, nâng cao hiệu quả. Vì không cạnh tranh thực sự, nên doanh nghiệp thay vì tìm cách tăng năng suất, tìm tòi áp dụng khoa học công nghệ, lại cố gắng tìm các mối quan hệ hay các cách thức khác để có cơ hội kinh doanh.

Vì thế, giải pháp là phải tạo ra nền tảng kinh tế thị trường cạnh tranh công bằng, đó là sẽ động lực chính buộc doanh nghiệp phải gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, áp dụng đổi mới khoa học công nghệ để gia tăng NSLĐ. Tất cả các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh đều phải hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng mức độ cạnh tranh thị trường. Đồng thời làm cho hoạt động kinh doanh tự do hơn, thuận lợi và an toàn hơn, giảm rủi ro và chi phí.

Ông Sudhir Shetty cũng khuyến nghị phải xác định động lực đúng đắn để tăng cường hiệu suất phân bổ nguồn lực, xây dựng thể chế thị trường hiệu quả, bao gồm thị trường các yếu tố sản xuất (đất đai và vốn) và cơ chế về cạnh tranh, giảm gánh nặng pháp quy, hài hòa với các chuẩn mực quốc tế.

Các chuyên gia quốc tế nhấn mạnh đến tầm quan trọng của tăng NSLĐ trong các doanh nghiệp là giải quyết vấn đề về minh bạch trong thực thi chính sách từ cấp trung ương đến địa phương.

Thủ tướng Chính phủ cũng nhấn mạnh, Việt Nam sẽ quyết liệt cải cách khu vực DN nhà nước, nơi nắm giữ một nguồn vốn lớn của nền kinh tế nhưng việc sử dụng vốn chưa đem lại hiệu quả tương xứng, nhiều bất cập nơi đây.

Minh Hoàng/Bao Đấu Thầu

Có thể bạn quan tâm

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trả lời chất vấn trước Quốc hội

Chính phủ đề xuất tái khởi động dự án điện hạt nhân

Để đảm bảo nguồn điện cung ứng trước mắt và lâu dài, Chính phủ đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có việc thực hiện đề xuất cấp có thẩm quyền tái khởi động dự án điện hạt nhân, phát triển mạnh điện gió ngoài khơi...

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Toàn cảnh bức tranh kinh tế 10 tháng năm 2024 qua các con số

Trong 10 tháng năm 2024, kinh tế Việt Nam đạt kết quả tích cực trong nhiều lĩnh vực như: Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng 11,8% (so với cùng kỳ năm 2023); Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tăng ổn định; Số doanh nghiệp thành lập mới “hồi sinh”...