Trên thị trường thế giới, vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.975 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,1% ở mức 1.977 USD.
Vàng đã di chuyển trong biên độ giao dịch chặt chẽ từ 1.950 - 1.980 USD/ounce gần một tuần qua sau khi trượt khỏi mức quan trọng 2.000 USD vào ngày 17/5 trong bối cảnh lo ngại về khả năng vỡ nợ của Mỹ gia tăng.
Cho đến nay, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đã kết thúc một vòng đàm phán khác về trần nợ mà không có dấu hiệu tiến triển nào, dù cho thời hạn nâng giới hạn vay của chính phủ hoặc rủi ro vỡ nợ đang đến gần.
Nhưng kim loại quý vẫn chứng kiến một số xu hướng mua theo nhu cầu trú ẩn an toàn khi các nhà giao dịch dự đoán hoạt động kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại trong năm nay. Một loạt các báo cáo về chỉ số quản lý mua hàng yếu hơn mong đợi được công bố vào 23/5 đã củng cố quan điểm này.
Vàng thỏi đã mất gần 100 USD/ounce so với mức đỉnh đạt được vào đầu tháng này, chủ yếu do áp lực ngày càng tăng từ việc lãi suất sẽ duy trì ở mức cao hơn trong thời gian dài hơn.
Ole Hansen, người đứng đầu bộ phận chiến lược hàng hóa tại ngân hàng Saxo cho biết: “Hiện tại, thị trường vẫn chưa loại trừ hoàn toàn khả năng Fed có thể tiếp tục tăng lãi suất, khác hẳn với kỳ vọng lạc quan của tháng trước”.
Đầu tuần này, chủ tịch Fed khu vực Minneapolis Neel Kashkari đã cảnh báo lãi suất cơ bản của Mỹ có thể phải tăng lên mức 6% để đưa lạm phát về đúng mục tiêu 2%.
Vàng có xu hướng mất đi sức hấp dẫn khi lãi suất tăng, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi không có lợi suất.
Thị trường vàng hiện đang hướng sự chú ý đến biên bản cuộc họp tháng 5 của Ủy ban thị trường mở liên bang dự kiến được công bố trong những ngày tới.
Tại Việt Nam, giá vàng trong nước tiếp tục giảm trong phiên giao dịch sáng 24/5. Vàng miếng SJC của công ty vàng bạc đá quý JSC được giao dịch ở mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,1 triệu đồng/lượng bán ra; giảm 50.000 đồng/lượng ở cả hai chiều so với sáng 23/5.
Giá vàng thương hiệu DOJI tại Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,5 triệu đồng/lượng mua vào và 67,05 triệu đồng/lượng bán ra, cao hơn 50.000 đồng/lượng so với khu vực thành phố Hồ Chí Minh.
Vàng Bảo Tín Minh Châu đang được thu mua ở mức 66,42 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 66,98 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tại Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) được niêm yết ở mức 55,95 triệu đồng/lượng mua vào và 57 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 150.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 50.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Sáng 24/5, tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại bật tăng so với phiên trước. Ngân hàng Vietcombank báo giá 23.320 VND/USD mua vào và 23.650 VND/USD bán ra, tăng 35 VND so với ngày hôm trước. Eximbank niêm yết giá mua và bán ở mức 23.260 và 23.660 VND/USD. Trong khi đó, tỷ giá USD trên thị trường tự do ở quanh mức 23.413 VND/USD chiều mua và 23.473 VND/USD chiều bán.
Quy đổi theo tỷ giá USD của Vietcombank (chưa tính thuế, phí), chênh lệch giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới là 11 triệu VND.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng trong phiên giao dịch sáng 24/5. Dầu Brent kỳ hạn tăng 1% lên 77,78 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI kỳ hạn tăng 1,3% lên 73,91 USD/thùng.
Dữ liệu từ Viện Dầu mỏ Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn kho của Mỹ trong tuần qua đã giảm với tốc độ nhanh nhất trong gần sáu tháng do nhu cầu xăng tăng lên trước mùa du lịch. Giá xăng kỳ hạn của Mỹ tăng 2% lên mức cao nhất trong 5 tuần sau dữ liệu API.
Báo cáo trên cùng với các dấu hiệu gián đoạn nguồn cung dầu thô của Mỹ đã chỉ ra khả năng thị trường dầu thắt chặt hơn trong những ngày tới.
Bên cạnh đó, một cảnh báo từ bộ trưởng năng lượng Ả Rập Xê Út về việc bán khống dầu cũng đẩy giá lên cao. Điều này xảy ra khi tác động của việc cắt giảm sản lượng gần đây của OPEC+ bắt đầu được cảm nhận trên thị trường, cùng với các tín hiệu cho thấy nhu cầu ngày càng tăng, dẫn đến dự đoán về một cuộc khủng hoảng nguồn cung trong ngắn hạn.
Nhưng mặt khác, các dấu hiệu về điều kiện kinh tế xấu đi tiếp tục xuất hiện. Số liệu hoạt động sản xuất yếu hơn dự kiến từ Mỹ, khu vực đồng Euro và Vương quốc Anh báo hiệu bất ổn kinh tế trong những tháng tới, đặc biệt là khi sản xuất công nghiệp chậm lại.
Các dữ liệu này được công bố sau số liệu về hoạt động sản xuất của Trung Quốc yếu hơn dự kiến, cho thấy sự phục hồi kinh tế đang chậm lại ở quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.