Cụ thể, tại Hà Nội, Tập đoàn Doji mua vàng với giá 41,75 triệu đồng/lượng, bán ra 42,4 triệu đồng/lượng.
Tại TP.HCM, giá tương ứng là 41,5 triệu đồng/lượng và 42,2 triệu đồng/lượng. Khoảng cách giá mua- bán của tập đoàn này vẫn duy trì ở mức rất xa, khoảng 700.000 đồng/lượng.
Vào lúc 0 giờ 42 phút ngày 16/8 theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.521,47 USD/ounce, trong khi giá vàng kỳ hạn tăng 0,2% và khép phiên ở mức 1.531,20 USD/ounce.
Phiên này, giá vàng tiếp tục nhận được lực đẩy từ những quan ngại về khả năng suy thoái kinh tế trước tình hình căng thẳng thương mại, bất ổn ở đặc khu hành chính Hong Kong và sự trượt dốc của thị trường khoán tại các nền kinh tế mới nổi.
Tuy nhiên, đà tăng của giá vàng bị hạn chế bởi một loạt số liệu kinh tế trái chiều từ Mỹ, trong đó doanh số bán lẻ tăng mạnh đã thúc đẩy nhu cầu của giới đầu tư đối với các loại tài sản rủi ro.
Nhưng ông Daniel Ghali, chiến lược gia hàng hóa của công ty TD Securities, nhận định nhu cầu ngày càng tăng đối với vàng nhờ những yếu tố như bất ổn ở Hong Kong và mối lo ngại về nguy cơ vỡ nợ của Argentina không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
Được xem là một kênh trú ẩn an toàn trong những thời kỳ bất ổn về kinh tế và chính trị, giá vàng đã tăng hơn 100 USD/ounce kể từ đầu tháng này.
Bên cạnh đó, giới đầu tư cũng đang bị tác động bởi những tín hiệu trái chiều trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Bộ Tài chính Trung Quốc ban đầu cho biết Bắc Kinh sẽ thực hiện những biện pháp đáp trả quyết định đánh thuế mới nhất của Mỹ đối với hàng hóa của nước này. Nhưng sau đó Bắc Kinh lại bày tỏ hy vọng hai bên sẽ tiếp tục đàm phán để tìm kiếm sự đồng thuận.